Ho sốt cần kiểm tra để ngăn dịch lây lan
Số ca dương tính tại Hà Nội đang tăng lên từng ngày và Hà Nội đã phải đề ra biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội theo Công điện 15. Tuy nhiên, không chỉ các số ca tại 6 ổ dịch tiếp tục tăng mà các số ca trong cộng đồng cũng được phát hiện ngày càng nhiều. 19/7, Hà Nội có 41 ca, đến trưa 20/7 đã ghi nhận thêm 40 ca. Chỉ tính riêng từ ngày 29/4 đến nay, Hà Nội đã có 507 ca trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 315 ghi nhận ngoài cộng đồng.
Một số người tập thể dục trên phố Đại Cồ Việt mặc dù đã có lệnh cấm. |
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư đánh giá, dù số ca nhiễm tăng nhanh, nhưng Hà Nội vẫn đang kiểm soát được nên tạm thời nguy cơ bùng nổ dịch giống tại TPHCM là thấp. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan bởi Hà Nội là vùng trũng, là trung tâm của các nơi đổ về đặc biệt là những người trở về từ TPHCM, các địa phương có dịch.
Ở những nơi đã lập chốt cách ly, bất cứ hàng hóa nào cũng đều phải khử khuẩn. |
“Tôi rất lo khi các ca ở Hà Nội phát hiện được vừa qua đều có biểu hiện ho sốt, từ đó mới lần ra ổ dịch. Các ổ dịch trong cộng đồng phát hiện ngày một nhiều và có tốc độ lây lan nhanh trong cùng một gia đình, nơi làm việc. Có gia đình 7 người thì 6 người dương tính... Điều đó chứng tỏ có nhiều ca bệnh, ổ bệnh lẩn khuất trong cộng đồng mà chúng ta chưa phát hiện ra. Việc người dân đi mua thực phẩm và ra đường như vậy, sẽ dẫn tới nguy cơ bùng phát dịch”, ThS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.
Công an phường Nguyễn Du, HBT, Hà Nội triển khai chốt phòng dịch trên phố Bùi Thị Xuân khi phát hiện có trường hợp liên quan tới ca dương tính Covid-19. Ảnh: Trần Hải |
Hiện Hà Nội đang thực hiện kiểm soát chặt nguy cơ từ bên ngoài xâm nhập vào bằng việc kiểm soát các chuyến bay và cấm các xe vận chuyển hành khách từ vùng có dịch về, test Covid-19 tại các chốt ra vào thành phố... Đặc biệt, Hà Nội đã áp dụng giãn cách xã hội theo Công điện 15.
Người dân chỉ ra đường khi cần mua đồ dùng thiết yếu. |
Vì vậy, lúc này ý thức của mỗi người dân là rất quan trọng. Người dân không nên hoang mang, hãy thực hiện tốt 5K, tuân thủ ở nhà và đi khám ngay khi có các triệu chứng như mệt, ho nhẹ, sốt... Hiện tất cả các bệnh viện đã có hệ thống sàng lọc và xét nghiệm, đơn giản nhất là xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên, nếu nghi ngờ sẽ làm PCR để khẳng định. Chỉ có phát hiện nhanh và được cơ quan y tế xử lý kịp thời, chúng ta mới bảo vệ được chính mình, người trong gia đình và cộng đồng.
Công an phường Nam Đồng nhắc nhở các hộ kinh doanh đẩm bảo giãn cách khi mua bán. |
Bên cạnh đó, Hà Nội vẫn phải duy trì các biện pháp không xét nghiệm tràn lan nhưng xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung những nhóm nguy cơ để đánh giá tình hình dịch bệnh từ đó đưa ra những quyết định kịp thời.
Tại chợ Thái Hà, moi người đi chợ đều được đo thân nhiệt và nhắc nhở đeo khẩu trang đúng cách. |
Cần chuẩn bị hệ thống oxy trong các bệnh viện
Theo ThS.BS Nguyễn Hồng Hà, hiện nay Hà Nội vẫn còn đủ sức để quản lý F1 và F0 nên cần tính toán kỹ lưỡng. Với F0 trong giai đoạn này vẫn cần đến bệnh viện điều trị. Với F1 chưa nhiều vẫn có thể đến cơ sở cách ly, nhưng cần đảm bảo điều kiện ở khu cách ly không được đông quá, phải đảm bảo đủ điều kiện. Nếu người dân có điều kiện thì tốt nhất nên cho họ cách ly tại các khách sạn để tránh lây nhiễm chéo.
ThS.BS Nguyễn Hồng Hà khuyến cáo, hiện năng lực điều trị tại Hà Nội không bằng TPHCM, lực lượng bệnh viện cũng không đông bằng. Nếu dịch bùng phát giống như TPHCM thì Hà Nội sẽ rất khó khăn để ứng phó, các bệnh viện sẽ thực sự quá tải. Hiện nay, Bộ Y tế cũng có chỉ đạo các bệnh viện phải tăng cường năng lực hồi sức tích cực.
Đo thân nhiệt khi vào khám định kỳ tại bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. |
Vì vậy, ngay từ lúc này, Hà Nội cần tập trung xây dựng, thiết lập hệ thống oxy cho các bệnh viện. Thực tế hiện nay, hệ thống bồn chứa oxy tuyến T.Ư, tỉnh bệnh viện nào cũng có, nhưng số giường có thở oxy rất thấp, chủ yếu ở khoa hồi sức và phòng mổ, còn các khoa bệnh bình thường không có. Vì vậy, Hà Nội cần nâng năng lượng oxy cho các bệnh viện. Nếu các bệnh viện có hệ thống oxy trung tâm rồi thì cần mua thêm dự trữ để dẫn oxy đến các giường bệnh.
Đó là chưa kể hệ thống y tế tuyến huyện nhiều nơi chưa có hệ thống oxy trung tâm mà vẫn dùng hệ oxy bình, vì vậy, chưa thể đáp ứng cho điều trị bình thường chứ chưa nói gì đến khi dịch bệnh bùng phát.
Việc có bồn chứa oxy lỏng tại các bệnh viện cũng giúp các nhà máy tăng công suất sản xuất đảm bảo đủ nguồn oxy cho người bệnh. Việc đầu tư này không đắt và cũng không sợ lãng phí, nếu may mắn dịch bệnh không xảy ra thì hệ thống oxy để dùng cho người bệnh điều trị cũng rất tốt.