Hà Nội bớt ô nhiễm nhờ xóa sổ than tổ ong

(khoahocdoisong.vn) - Từ 1/1/2021, Hà Nội chính thức xóa sổ than tổ ong. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Bỏ hoàn toàn như vậy, giải pháp thay thế ra sao, môi trường được cải thiện thế nào?…

Người dân đã ý thức chuyển đổi

Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, tính đến quý III/2020, Hà Nội còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các hoạt động cung ứng than cũng đã giảm mạnh. Từ tháng 9 - 11/2020, Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) đã khảo sát nhanh 10 điểm sản xuất than/bếp than. Kết quả cho thấy trước đây, số lượng than tổ ong tiêu thụ khoảng 2.000 viên/ngày/xưởng, hiện đã giảm xuống dưới 500 - 1.000 viên/ngày/xưởng. Các xưởng sản xuất than hiện đã cắt giảm nhân lực hoặc chuyển đổi kinh doanh. 

Chi cục Bảo vệ môi trường cho hay, từ nay cho đến 31/12/2020, việc sử dụng bếp than sẽ được xóa bỏ và chuyển sang sử dụng các loại bếp an toàn, thân thiện… Việc chuyển đổi còn gặp rất nhiều khó khăn do thói quen lâu năm; các hộ gia đình sử dụng bếp than tổ ong chủ yếu điều kiện kinh tế thấp hoặc kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ; chưa thiết lập được mạng lưới phân phối bếp cải tiến tại địa phương; một số chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ…

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã chủ động phối hợp với các đoàn thể, tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ trong cung cấp các kiến thức, giới thiệu các giải pháp và hỗ trợ người dân chuyển đổi sang các loại bếp khác. Ví dụ, từ năm 2018, Chi cục Bảo vệ môi trường đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ người dân thông qua chương trình: Ngày hội đổi bếp, bếp xanh. Với các hộ khó khăn, việc hỗ trợ sẽ được huy động xã hội hóa từ các đoàn, hội tại địa phương như hội phụ nữ, tổ dân phố và các tổ chức xã hội như Trung tâm Live&Learn nhằm hỗ trợ chi phí chuyển đổi sang loại bếp khác hiệu suất tốt hơn với giá thành phù hợp như bếp ga, bếp điện...

Bà Nguyễn Minh Quyên, đến từ Live&Learn cho biết, Live&Learn khi đồng hành đều chia sẻ thông tin theo hướng: Cần thay đổi ngay từ chính nhận thức để người dân biết được than tổ ong có hại như thế nào và cân nhắc chi phí sử dụng than tổ ong hiện tại với chi phí sức khỏe lâu dài về sau. Qua tuyên truyền, nhiều gia đình đã bỏ không sử dụng than tổ ong, hoặc giảm dần. Một số hộ kinh doanh cũng đã có nhiều sáng kiến để chuyển đổi như thay đổi kích cỡ các thùng xe đẩy để có thể chứa được các loại bếp khác, sử dụng thêm các vật chứa để giữ được nóng lâu hơn.

Sức khỏe, môi trường đã được cải thiện

Bà Nguyễn Minh Quyên cho biết, việc đốt than tổ ong là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội, nhất là vào mùa đông nhu cầu đun nấu, sưởi ấm của người dân tăng cao, việc sử dụng than nhiều cộng thêm với các điều kiện thời tiết dẫn đến chất lượng không khí thường ở mức kém thậm chí nguy hại.

Điều đáng mừng, một nghiên cứu của Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện nghiên cứu Stockhom (Anh) đã cho thấy sức khỏe người dân và môi trường được cải thiện sau khi lượng than tổ ong sử dụng ít đi.

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở ứng dụng công cụ mô hình LEAP – IBC trong tính toán phát thải từ hoạt động sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt, kinh doanh, dịch vụ cho giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy có những tác động tích cực. Cụ thể là giảm phát thải khí CO. Lượng khí CO thải ra từ bếp than tổ ong tính đến hết tháng 9/2020 đã giảm được 19.000 tấn so với năm 2017. 

Cùng với giảm thải CO, việc giảm và chấm dứt sử dụng than tổ ong còn giúp giảm phát thải bụi mịn PM2.5. Năm 2017, ước tính lượng phát thải PM2.5 hằng năm trên toàn địa bàn Hà Nội là 2.228 tấn/năm. Nhưng tính đến tháng 9/2020, con số này đã giảm xuống chỉ còn 570 tấn/năm (giảm 1.658 tấn/năm). 

Đặc biệt, việc giảm sử dụng than tổ ong còn giúp giảm tiếp xúc với khí thải và ảnh hưởng đến sức khỏe do sử dụng bếp than tổ ong. Trong quá trình đốt than, người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với CO và PM2,5 thông qua 3 con đường là hít thở, tiếp xúc và tiêu hóa. Tính từ năm 2017- tháng 9/2020, việc giảm số lượng bếp than tổ ong đã làm giảm tiếp xúc các chất ô nhiễm và cải thiện đáng kể sức khỏe cho khoảng 170.000 người ở Hà Nội. 

Nhiều người lo ngại sau khi bị khai tử, hàng vạn chiếc bếp than sẽ biến thành “rác” và gây ô nhiễm môi trường. Theo Live&Learn, bếp than được thu giữ sẽ tập trung tại các điểm tập kết và giao công ty môi trường xử lý theo đúng quy định. Một số sẽ được tái sử dụng thành chậu hoa trang trí tại các điểm công cộng, trường học... 

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top