Hà Nam được vinh danh 'Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'

Vượt qua nhiều “đối thủ” xuất sắc khác như: Thành phố George Town (Malaysia), Thành phố Gjirokastër (Albania), Thung lũng Kathmandu Valley (Nepal), Thành phố Oaxaca (Mexico), Hà Nam đã được Giải thưởng Du lịch Thế giới vinh danh là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023”.

Theo thông tin từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho hay Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) đã lần đầu tiên vinh danh Hà Nam là “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới 2023.” Điểm đến này là một mảnh đất chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử phong phú, hấp dẫn.

Hà Nam được vinh danh 'Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'. Ảnh Traveloka

Hà Nam được vinh danh 'Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu thế giới'. Ảnh Traveloka

Giải thưởng Du lịch thế giới là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 1993 nhằm tôn vinh, khen thưởng và ghi nhận các tổ chức, doanh nghiệp, điểm đến... xuất sắc trong lĩnh vực du lịch. Các hạng mục của giải bao gồm: khách sạn, khu nghỉ, các hãng hàng không, lữ hành, điểm đến, công viên. Năm nay, sự kiện được tổ chức tại thành phố Dubai (các tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất),

Hà Nam đã vượt qua nhiều “đối thủ” xuất sắc khác như: Thành phố George Town (Malaysia), Thành phố Gjirokastër (Albania), Thung lũng Kathmandu Valley (Nepal), Thành phố Oaxaca (Mexico) để giành được danh hiệu danh giá này.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, cách Thủ đô khoảng 65 km, lại sở hữu nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng, Hà Nam là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực.

Với gần 2.000 di tích các loại, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 95 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 133 di tích cấp tỉnh; 3 bảo vật quốc gia; 12 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hơn 100 lễ hội truyền thống, 40 làng nghề thủ công truyền thống... Cùng với đó là hệ thống sông núi, hang động nổi tiếng như: hồ Tam Chúc, hồ Ba Hang, núi Đọi-sông Châu, núi Cấm-Ngũ Động Sơn... đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng như: sản phẩm du lịch nông thôn với các làng nghề truyền thống: làng cá kho Đại Hoàng, làng Trống Đọi Tam, làng lụa Nha Xá... Du lịch văn hóa-tâm linh, lễ hội: chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, chùa Long Đọi Sơn, đền Lảnh Giang, chùa Địa Tạng Phi Lai, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu tưởng niệm nhà văn-liệt sĩ Nam Cao; Lễ hội Tịch Điền, lễ phát lương Đền Trần Thương.

Đặc biệt trong số đó, Tam Chúc là quần thể danh thắng tâm linh rộng lớn, với chùa Tam Chúc được biết đến là một trong những ngôi chùa lớn nhất thế giới. Nơi đây không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ hùng vỹ, đẹp tựa chốn bồng lai mà còn là điểm đến nuôi dưỡng, phát triển, truyền bá những giá trị văn hóa Phật giáo mang tầm quốc tế. Là một trong những điểm kết nối di sản có giá trị Chùa Hương-Chùa Tam Chúc-Chùa Bái Đính. Năm 2019, chùa Tam Chúc là nơi được chọn đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp quốc lần thứ 16, thu hút hàng triệu lượt tín đồ Phật tử, du khách trong và ngoài nước tham dự.

Bên cạnh sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước, tỉnh Hà Nam nhận được sự chung tay hưởng ứng của doanh nghiệp, người dân, du khách, tất cả vì mục tiêu chung thúc đẩy hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế-xã hội của tỉnh, xây dựng Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Năm 2022, Hà Nam đón hơn 3 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Hà Nam ước đạt 4,38 triệu lượt người, trong đó có 131 nghìn lượt khách quốc tế. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng.

Theo Đời sống
back to top