GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc và nhân duyên được tiếp cận Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Kỳ cuối: Linh cảm trong khoa học của Người Thầy vĩ đại

Vào họp, Đại tướng có vẻ trầm ngâm như muốn giãi bày điều gì đó sâu lắng âm ỉ trong lòng. Người im lặng lúc rồi nói: “Cái linh cảm có khi đúng cả trong khoa học quân sự”.

“Lý thuyết tập mờ” nhận định, mọi sự trên đời đều có quy luật, nhưng các quy luật đó không hiển hiện ngay ra, mà cứ từ từ rõ dần. Con người nhận biết và nắm bắt được sẽ vận dụng, điều khiển chúng phục vụ mục đích của mình.

Linh cảm trong khoa học

Trong “Điều khiển học”, người ta dùng “trí tuệ nhân tạo” bắt chước sự hoạt động của bộ não người, tập huấn cho các mạng nơron cách nhận biết nhanh nhằm làm rõ quy luật đang tìm kiếm. Trong hoạt động khoa học cũng vậy, nhiều khi đã định hướng đúng rồi nhưng tiến hành mãi vẫn chưa thành công.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2022. Ảnh Bùi Tuấn

Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2022. Ảnh Bùi Tuấn

Có khi vài ngày đến mấy tháng liền, lúc nào trong đầu cũng suy nghĩ về vấn đề nào đó mà không xuất hiện tia sáng nào. Nhưng bỗng nhiên, qua một đêm trằn trọc, không ngủ được, lại hé nở ý tưởng cho ra một lời giải. Dường như cái “máy tính” trong não bộ vẫn cứ chạy miệt mài.

Đôi khi, người ta cho đó là sự “linh cảm trong khoa học”, không hiểu đúng đến mức nào, nhưng hiện tượng tương tự có không ít người gặp phải. Đó là câu chuyện được bàn luận sôi nổi trong giờ giải lao tại chỗ của phiên họp “nhóm chiến lược”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng ngồi nghỉ bên chiếc bàn trên bục giảng với ca nước nóng đậy nắp mà một chiến sĩ bảo vệ mới bê vào.

Đến lúc trở lại vào họp, Đại tướng có vẻ trầm ngâm như muốn giãi bày điều gì đó, sâu lắng âm ỉ trong lòng. Người im lặng một lúc rồi nói: “Cái linh cảm có khi đúng cả trong khoa học quân sự”.

Câu chuyện về đêm không ngủ với quyết định lịch sử “kéo pháo ra, kéo pháo vào” - quyết định khó khăn nhất trong đời binh nghiệp, Đại tướng đã kể cho chúng tôi nghe chi tiết. Câu chuyện mà mãi sau này mới hé lộ trên báo chí, nhưng có vẻ chưa đầy đủ chi tiết.

Chúng tôi vô cùng xúc động, cảm phục và vinh hạnh được chính Đại tướng kể cho nghe. Có thể, lớp học làm “chiến lược” này của chúng tôi là một trong những lứa đầu tiên được nghe tâm sự quý giá từ người thầy vĩ đại, nhà khoa học uyên bác, nhà tư lệnh lỗi lạc.

Cuộc sống tình nghĩa

Tôi còn một lần nữa vinh hạnh được gặp Đại tướng. Chiều 27 Tết năm đó, tôi nhận được lệnh của Văn phòng Đại tướng, triệu tập vào Thanh Hóa chúc Tết. Chúng tôi có 4 anh em ngồi trên một xe Uoat, đi sau cùng trong đoàn. Xe đi đầu là của cán bộ Văn phòng, xe của Đại tướng đi giữa, các xe được yêu cầu giữ cự ly cách nhau 50 m.

Thời tiết hôm đó rét lại lấm tấm mưa phùn, mặt đường còn xấu. Khi đoàn xe vừa đến đèo Dốc xây, nơi bắt đầu địa phận Thanh Hóa, đêm đã muộn, mưa bắt đầu nặng hạt. Có người đội ô, người cầm đèn bão đứng chờ ở ven đường. Trong ánh đèn mờ mờ, chúng tôi nhận ra đó là Bí thư và Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa. Các đồng chí lãnh đạo ra tận địa giới đầu tỉnh đứng chờ mấy tiếng đồng hồ, thể hiện tấm lòng vô cùng quý mến Đại tướng.

Vì đường xá không tốt, lại vào ngày trời mưa nên đoàn xe đến chậm hơn kế hoạch và phải chuyển cuộc làm việc sang sáng hôm sau. Lúc lên xe, chúng tôi cũng được phổ biến, cần chuẩn bị phát biểu về lĩnh vực chuyên môn của từng người, khoảng 10 phút/người. Gọi là đi chúc Tết nhưng thực ra là đi làm việc.

Sáng hôm sau, Đại tướng chúc Tết ngắn gọn rồi bắt đầu bài nói chuyện được chuẩn bị công phu. Hóa ra Đại tướng đã yêu cầu tỉnh báo cáo từ trước nên mới nắm được tình hình có nhiều thông tin thời sự và những gợi ý sát thực tế. Bài nói chuyện phân tích sâu sắc cái mạnh, yếu và những bài học lịch sử của mảnh đất 3 vua, 2 chúa này. Hôm đó, nhiều ý kiến đề xuất được phác thảo đã đi vào hiện thực cho đến ngày nay. Lời khuyên về sự đoàn kết cũng là bài học của lịch sử.

Trước khi cho chuyển sang mục báo cáo của chúng tôi, Đại tướng nói vui: “Hôm nay, chúng tôi đưa về thăm quê 4 ‘ông trạng’, Tỉnh nhà liệu mà mở kho ‘thóc giống’”. Mọi người cười vui vẻ, còn 4 cán bộ khoa học chúng tôi hiểu đó là lời nhắc của thủ trưởng về tính khả thi trong báo cáo của mình.

Chúng tôi lần lượt trình bày các báo cáo, mọi người chăm chú lắng nghe. Họ là những cán bộ chủ chốt của sở, ban, ngành của Tỉnh. Hôm đó là ngày 28 Tết, tôi vẫn nhớ mãi lời dặn của Đại tướng: “Nay chưa phải là Tết. Muốn dân có những cái Tết no ấm, cán bộ phải biết hy sinh, phải biết học thêm nâng cao trình độ. Các giảng viên hôm nay là những cán bộ rất có năng lực và có nhiều kinh nghiệm đấy!”.

Trong lúc chúng tôi trình bày báo cáo và thảo luận, lãnh đạo tỉnh mời Đại tướng sang phòng khách tiếp các đoàn đến chào mừng và chúc Tết. Có nhiều đoàn biết tin đã đăng ký đến từ tối hôm qua, trong đó, nhiều nhất là đoàn cựu chiến binh của tỉnh và các huyện.

Cuộc sống đầy nghĩa tình của người chỉ huy vĩ đại và tình cảm của lớp lớp người dân với Đại tướng sâu nặng như thế đấy! Đúng là vị tướng huyền thoại trong lòng dân.

GS.TSKH.NGND. Nguyễn Thiện Phúc

Theo Đời sống
back to top