Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Việc quản lý thu chi lễ hội của tôn giáo là việc nội bộ

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là công việc nội bộ. Nhà nước chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc tổ chức tôn giáo “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa có công văn số 133 góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính quy định quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (lần 3).

Theo công văn này, GHPGVN cho rằng, việc Thông tư yêu cầu tổ chức tôn giáo tổ chức lễ hội “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”, khi kết thúc lễ hội “phải tổng kết việc thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội; nội dung tổng kết này được thể hiện trong báo cáo kết quả tổ chức lễ hội gửi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ” là không hợp lý.

Theo đó, việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức được thực hiện theo quy định của tổ chức tôn giáo. Giáo hội đồng ý việc hướng tới sự rõ ràng, minh bạch trong quản lý, thu chi tài chính đối với các cơ sở thờ tự và cần có quy định rõ ràng trong ghi chép đầy đủ và các chế độ báo cáo tài chính trong nội bộ của Giáo hội. Khi cần thiết, Giáo hội sẽ làm việc với các cơ quan Nhà nước theo yêu cầu và theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Hội đồng Trị sự GHPGVN còn cho rằng Thông tư cần làm rõ hơn định nghĩa về tiền công đức. Cần phải làm rõ bản chất, có sự phân biệt rõ ràng giữa tiền công đức với tiền tài trợ cho di tích, tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội.

Theo đó, tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

Theo đó, ba loại tiền gồm tiền công đức cho tổ chức tôn giáo; tiền tài trợ cho di tích là cơ sở tôn giáo do tổ chức tôn giáo sở hữu; tiền tài trợ cho hoạt động lễ hội do tổ chức tôn giáo tổ chức là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, được Nhà nước bảo hộ, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư

Theo Đời sống
back to top