Giải tán “ Phố cà phê đường tàu”

(khoahocdoisong.vn) - Bộ GTVT mới đây đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng ra quân giải tán, xử lý dứt điểm các tụ điểm kinh doanh hàng quán trên "Phố cà phê đường tàu", vì tại đây thường xuyên tụ tập đông người hiếu kỳ xem tàu chạy và chụp ảnh, gây mất an toàn giao thông.

“Xóm Đường Tàu” là một địa chỉ của khu dân cư sống xung quanh hành lang đường sắt từ Khâm Thiên tới ngã tư Giải Phóng – Đại Cồ Việt và từ Điện Biên Phủ qua Trần Phú, dọc theo phố Phùng Hưng lên tới cầu Long Biên.

Xóm đường tàu gần đây liên tục được truyền thông quốc tế đăng tải, vì vậy lượng khách du lịch kéo về  ngày càng đông. Khách du lịch đến đây để uống cà phê nhìn tàu qua lại và chụp ảnh theo phong cách Phố cổ Thập Phần ở Đài Loan. 

Tuy nhiên, các hoạt động này vi phạm quy định nghiêm trọng về hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) thực sự đáng báo động.

Khu phố cà phê đường tàu - điểm vui chơi tấp nập của giới trẻ và du khách nước ngoài (ảnh: Quang Duy)

Khu phố cà phê đường tàu - điểm vui chơi tấp nập của giới trẻ và du khách nước ngoài (ảnh: Quang Duy)

Theo Nghị định56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, chiều rộng hành lang an toàn giao thông đường sắt tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên được xác định như sau: Đối với đường sắt tốc độ cao, trong khu vực đô thị là 5 m, ngoài khu vực đô thị là 15 m. Đối với đường sắt tốc độ cao, phải xây dựng rào cách ly hành lang an toàn giao thông đường sắt để tránh mọi hành vi xâm nhập trái phép; đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m. Chiều cao hành lang an toàn giao thông đường sắt được tính từ mặt đất trở lên theo phương thẳng đứng đến giới hạn phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt theo quy định tại phạm vi bảo vệ đường sắt nêu trên.

Hành lang an toàn giao thông đường sắt tại khu vực đường ngang được quy định như sau: Người lái tàu ở vị trí của mình nhìn thấy đường ngang từ khoảng cách 1000 m trở lên; đối với đường ngang không có người gác, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ khi ở cách đường ngang một khoảng cách bằng tầm nhìn hãm xe đối với cấp đường đó nhìn thấy đoàn tàu ở cách đường ngang ít nhất bằng tầm nhìn ngang của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ kể từ giữa chỗ giao.

Trước thực tế trên, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội, Cục đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn TP. Hà Nội diễn biến phức tạp. Trong đó có nguyên nhân do người dân và du khách tụ tập đông người để chụp ảnh, đứng, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.

"Các hộ dân kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt có hành vi họp chợ, kê bàn ghế buôn bán phục vụ du khách trong lòng đường sắt… Các vi phạm này gây nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông đường sắt", Bộ GTVT cho biết.

Trước tình trạng này, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các quận kể trên xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường sắt. Ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đồng người dọc đường sắt để quay phim, chụp ảnh, uống cà phê.

Bộ GTVT cũng yêu cầu Hà Nội phối hợp với đơn vị liên quan xử lý, giải tỏa dứt điểm các điểm họp chợ, buôn bán hàng rong trong lòng đường sắt; quản lý chặt chẽ việc cấp đất cho cá nhân, tổ chức dọc hành lang đường sắt để đảm bảo an toàn.

"Nếu để xảy ra tình trạng lấn chiếm, tự mở lối đi, tái lấn chiếm đường sắt, phải xử lý nghiêm cán bộ địa phương trực tiếp quản lý", văn bản của Bộ GTVT nêu rõ.

Theo Đời sống
back to top