Từ đầu làn sóng dịch Covid-19 thứ tư tới nay, Hà Nội ghi nhận 3.922 bệnh nhân Covid-19, gồm 1.597 ca phát hiện ngoài cộng đồng và 2.325 người tại khu cách ly, khu vực phong tỏa.
Sau thời gian dài giãn cách xã hội, khoảng 2/3 số quận/huyện tại Hà Nội đã được coi là "vùng xanh", chuyển sang trạng thái "bình thường mới". TP cho phép một số cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên những địa bàn này được hoạt động trở lại từ ngày 16/9.
“Hà Nội đang chống dịch tốt, không để dịch bùng phát rộng”
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nhận định, Thủ đô đang làm tốt công tác phòng chống dịch. Nếu như giai đoạn trước, số ca nhiễm mỗi ngày lên tới khoảng 100 ca thì hiện nay chỉ còn vài chục trường hợp, thậm chí dưới 20 ca/ngày, hầu hết ở trong các khu cách ly tập trung hoặc ở khu vực đã phong tỏa.
Điểm rất đáng ghi nhận khác là Hà Nội vừa triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất trong lịch sử, hầu hết người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin.
“Kết quả chống dịch và tiêm chủng vắc xin là những căn cứ quan trọng để TP dỡ bỏ giãn cách ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn”, PGS Hùng nói.
Ông lưu ý, khu vực đã dỡ bỏ giãn cách không có nghĩa tại đó đã loại trừ hết Covid-19, cũng không có nghĩa Covid-19 sẽ không xâm nhập vào. Minh chứng thực tế là ổ dịch mới xuất hiện chưa rõ nguồn lây tại ngõ 22 Kim Quan, tổ 4, Việt Hưng, Long Biên, thuộc địa bàn vừa dỡ bỏ giãn cách chỉ vài ngày.
“Tuy nhiên, với kinh nghiệm khống chế các ổ dịch trong thời gian qua, Hà Nội hoàn toàn có thể khống chế hiệu quả ổ dịch mới này. Khi dỡ bỏ giãn cách để chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, mục tiêu hàng đầu là sống an toàn với dịch bệnh chứ không phải triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh”, PGS nhấn mạnh.
VietNamNet đặt câu hỏi: “Làm thế nào để Hà Nội có thể chung sống an toàn với Covid-19 khi dỡ bỏ giãn cách”, PGS Hùng cho biết, trước hết cần hiểu rõ khái niệm “an toàn với Covid-19” trong tình hình hiện nay.
“An toàn ở đây không có nghĩa là mọi người cứ ở yên một chỗ mãi, chờ đến khi đưa ca mắc về con số 0. An toàn tức là không giãn cách xã hội nhưng không để dịch bùng phát mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân và nền kinh tế Thủ đô”, PGS nói.
Một tuyến phố ở Hà Nội trong những ngày giãn cách xã hội - Ảnh: Phạm Hải |
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân - Ảnh: Phạm Hải |
5 giải pháp để Hà Nội “an toàn” trong trạng thái “bình thường mới”
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, với thực tế của Hà Nội, chúng ta không nên kỳ vọng sẽ loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh mà cần có giải pháp hợp lý nhằm tránh cho dịch lan rộng, gây quá tải hệ thống y tế.
Cụ thể, Hà Nội nên tập trung vào 5 nhóm giải pháp để có thể làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, tiếp tục duy trì tiến độ tiêm vắc xin để tăng độ bao phủ, những người đã tiêm mũi 1 cần được tiêm mũi 2 đúng thời gian quy định. Lưu ý, đẩy mạnh truyền thông, động viên để những trường hợp nguy cơ cao diễn tiến nặng và tử vong khi mắc Covid-19 như người cao tuổi, người có bệnh lý nền được tiêm đủ liều vắc xin. Tăng cường truyền thông để tránh tình trạng lựa chọn vắc xin mà trì hoãn tiêm chủng.
“Đây là giải pháp “số một” cho phòng chống dịch lâu dài. Tỷ lệ phủ vắc xin của toàn dân cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo mọi người dân thuộc nhóm có nguy cơ bệnh nặng và tử vong đều được tiêm đủ liều vắc xin”, PGS chia sẻ.
Ông cũng nhấn mạnh, người già ốm yếu có thể tiêm ngay tại cộng đồng chứ không nhất thiết phải tiêm ở bệnh viện.
Thứ hai,tăng cường xét nghiệm nhưng tập trung nhất vào những khu vực có nguy cơ, nhóm người nguy cơ.
Xét nghiệm là nhằm phát hiện sớm ca bệnh, giúp cách ly, phong tỏa sớm ổ dịch. Do vậy, khi đã triển khai xét nghiệm, cần đẩy mạnh tiến độ, cố gắng trả sớm kết quả (trong vòng 12 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu đối với xét nghiệm RT-PCR) để phát huy tối đa tác dụng của xét nghiệm, tránh lãng phí mà không hiệu quả.
Nếu năng lực địa phương chưa đáp ứng đủ, có thể nhờ sự hỗ trợ của các Bệnh viện trung ương hoặc các tỉnh thành lân cận để đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm. Ưu tiên sử dụng test nhanh kháng nguyên khi sàng lọc ngoài cộng đồng; hướng dẫn và khuyến khích người dân tự xét nghiệm định kỳ.
PGS Hùng lưu ý, Hà Nội cũng cần truyền thông mạnh mẽ hơn để người dân khai báo sớm khi có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 (ho, sốt,…) và xét nghiệm ngay cho nhóm này. Ngành y tế cần tăng cường hệ thống giám sát chủ động các trường hợp ho sốt, từ trạm y tế tới các phòng khám và bệnh viện.
“Tôi cho rằng đây là giải pháp cần thực hiện ngay. Bởi thời gian qua vẫn có nhiều người biểu hiện ho sốt nhưng không khai báo y tế mà tự điều trị, thậm chí vẫn tiếp tục bán hàng online cả tuần mới được phát hiện dương tính. Những trường hợp như vậy rất nguy hiểm, có thể làm dịch lan rộng”, PGS nói.
Xét nghiệm Covid-19 diện rộng tại Hà Nội - Ảnh: Phạm Hải |
Thứ ba, phong tỏa chặt ổ dịch. Theo PGS Hùng, những khu vực nào còn F0 phải được phong toả thật chặt. Tuy nhiên, phong tỏa nên “thật gọn”, tùy mức độ nguy cơ mà thực hiện với từng tòa nhà, từng tầng, từng ngõ xóm chứ không cần thiết phải phong tỏa cả vùng rộng lớn.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, khu tập thể… để tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”. Bởi người dân trong khu vực phong tỏa là những đối tượng nguy cơ cao nhiễm bệnh, nếu không kiểm soát tốt việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa sẽ làm tăng số lượng F0, lan truyền dịch ra ngoài khu vực phong tỏa.
Thứ tư, triển khai cách ly F1, quản lý và điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà. PGS Hùng đề xuất Hà Nội nên triển khai sớm việc cách ly, theo dõi y tế tại nhà. Bên cạnh đó, không nên kéo dài thời hạn cách ly quá 2 tuần.
“Khi đã xác định sống chung an toàn với Covid-19 thì không nên duy trì hình thức cách ly, điều trị tập trung. Cách ly tại nhà riêng với những đối tượng đủ điều kiện vẫn an toàn cho cộng đồng nếu người cách ly và gia đình họ tuân thủ tốt quy định cách ly, phòng chống dịch. Việc cách ly tại nhà sẽ giúp giảm áp lực cho lực lượng y tế, phát huy được vai trò của hệ thống chính quyền cơ sở, y tế cơ sở và quan trọng nhất là giảm tâm lý bức xúc, lo lắng cho người dân.”, PGS Hùng nói.
Ông phân tích, khi đi cách ly tập trung, người dân rất lo ngại vấn đề điều kiện cách ly không đủ tốt, ở chung phòng với người khác, dùng chung nhà vệ sinh hay những khó khăn khác trong sinh hoạt như ăn uống, tắm rửa, phòng ở nóng bức,…
Bởi vậy, chỉ nên cách ly tập trung F1, điều trị F0 không triệu chứng hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ tại cơ sở điều trị đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà như Bộ Y tế đã hướng dẫn.
Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới hay chính tại TP.HCM cho thấy, việc triển khai cách ly, điều trị F0 nhẹ hoặc không triệu chứng tại nhà là giải pháp ứng phó hiệu quả khi dịch bùng phát mạnh.
“Ở TP.HCM, khi khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến quá tải, không còn chỗ trống, chúng ta tính đến phương án cách ly tại nhà. Tuy nhiên, do y tế cơ sở, chính quyền phường xã chưa có kinh nghiệm dẫn đến có thời điểm chúng ta mất kiểm soát trong vấn đề tổ chức theo dõi, chăm sóc y tế và an sinh cho bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà”, PGS nêu dẫn chứng.
Ông cho rằng việc sớm triển khai cách ly tại nhà sẽ giúp Hà Nội có đầy đủ kinh nghiệm để chuẩn bị cho “tình huống xấu nhất”.
Tuy nhiên, PGS Hùng cũng lưu ý, để áp dụng được giải pháp trên, chính quyền cơ sở, y tế phường xã phải quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh việc người dân vi phạm quy định cách ly. Người thực hiện cách ly tại nhà cũng cần được tuyên truyền, phổ biến kỹ các hướng dẫn, quy định cách ly và những hệ lụy có thể xảy ra nếu vi phạm.
“Không chỉ các bệnh viện, khu cách ly cần chuẩn bị sẵn sàng, mà mỗi người dân, mỗi trạm y tế, mỗi chính quyền phường xã cũng phải sẵn sàng cho triển khai cách ly và theo dõi y tế. Tôi cho rằng đó mới là cách chuẩn bị đúng hướng hiện nay khi sống chung với Covid-19”, PGS bày tỏ.
Phong tỏa ngõ 22 Kim Quan, tổ 4, Việt Hưng, Long Biên ngày 18/9 sau khi ghi nhận chùm ca Covid-19 - Ảnh: Nhị Tiến |
Thứ năm, yêu cầu thực hiện nghiêm quy định 5K, kể cả tại khu vực “vùng xanh”. Theo PGS Hùng, Hà Nội nên đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền để người dân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế. Cần tăng cường giám sát người dân, với trường hợp vi phạm phải xử phạt nghiêm.
“5K vẫn là chiến lược phòng ngừa quan trọng và còn phải áp dụng lâu dài, càng cần thực hiện nghiêm khi Hà Nội đã dỡ bỏ giãn cách và ở trong tình hình “bình thường mới". 5K không phải chỉ áp dụng trong sinh hoạt, đi lại của người dân mà đặc biệt quan trọng khi tái thiết lập các hoạt động sản xuất, kinh doanh ”, PGS Hùng nói.
Ông cũng nhấn mạnh, 5K càng phải thực hiện nghiêm trong quá trình triển khai 2 chiến lược mũi nhọn là vắc xin và lấy mẫu xét nghiệm, bởi việc tập trung đông người có thể là nguy cơ bùng phát dịch trở lại nếu không đảm bảo giãn cách.
Nguyễn Liên