Giá tăng liên tục
Theo Công ty TNHH Emivest Feedmill công bố, từ ngày 6/7/2022, tăng giá thức ăn chăn nuôi thêm 400đ/kg đối với thức ăn đậm đặc và thức ăn cho heo con; tăng 300đ/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.
Công ty GreenFeed cũng đã thông báo tăng 400đ/kg đối với thức ăn chăn nuôi cho vịt đẻ 3154 và các mã sản phẩm cám heo thịt 9464-H464-9484-H484; nhóm thức ăn đậm đặc cho heo và gia cầm cũng tăng 400đ/kg. Doanh nghiệp cũng tăng giá 300đ/kg đối với tất cả các sản phẩm còn lại.
Trước đó, từ 1/7/2022, Công ty Thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz và Công ty TNHH CJ Vina Agri cũng tăng giá thức ăn chăn nuôi từ 300 - 400đ/kg (tùy loại).
Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai cũng đã tăng giá 400đ đối với dòng sản phẩm dành cho heo con, tăng 300đ/kg đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi còn lại.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tính từ đầu năm 2022 đến nay đã có 4 đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi, trung bình hơn 1 tháng lại có một điều chỉnh tăng giá mới, mỗi lần tăng từ 300 - 400đ/kg. Đáng chú ý, các loại thức ăn chăn nuôi được điều chỉnh tăng 300đ/kg lại là loại ít sử dụng hơn các sản phẩm được điều chỉnh tăng 400đ/kg.
Theo lý giải của các nhà cung cấp, do giá nguyên liệu đầu vào có nhiều biến động trong thời gian qua. Trong đó, việc khủng hoảng tại Đông Âu đã tác động tiêu cực đến ngành thức ăn chăn nuôi khi giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như: ngô, đậu tương, lúa mì đều tăng mạnh. Nga và Ukraina hiện là 2 quốc gia đứng top 3 của thế giới về xuất khẩu lúa mì, chiếm 1/3 tổng kim ngạch thương mại mặt hàng này. Bên cạnh đó, Ukraina lại là nước xuất khẩu bắp lớn thứ 2, chiếm 22% kim ngạch toàn thế giới. Ngoài ra, việc giá vận chuyện tăng, logistics vẫn đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến giá thành tăng cao.
Gây khó khăn cho nông dân
Ông Nguyễn Hữu Duy - chăn nuôi heo tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao nhưng giá heo hơi lại không thể nhích nổi lên mức 60.000đ/kg.
Nếu tính ra mỗi con heo hơi từ khi nuôi đến khi xuất chuồng để đạt cân nặng 100kg phải sử dụng khoảng 10 bao cám. Như vậy mỗi con heo hơi đã đội thêm hơn 400.000đ tiền cám, cộng thêm các chi phí khác cũng đội lên khoảng 200.000 - 300.000đ. Với giá bán trung bình khoảng 55.000đ/kg heo hơi xuất chuồng hiện nay, người chăn nuôi chỉ có thể hòa vốn nếu chủ động được con giống, còn không thì sẽ lỗ 500.000 - 600.000đ/con.
Còn theo ông Nguyễn Văn Lộc, ở xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, không riêng gì chăn nuôi heo, người nuôi gia cầm cũng đang “đắm đuối” với giá cám không ngừng tăng “phi mã”. Với 5.000 con vịt nuôi đẻ trứng, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến chi phí đầu tư tăng từ 25 - 30%. Trong khi đó, giá trứng hiện chỉ bán được 2.100 – 2.300đ/quả. Với giá bán hiện nay, gia đình ông đang phải gồng mình gánh lỗ gần 300.000đ/ngày.
“Nuôi vịt là nghề chính mang lại kinh tế ổn định cho gia đình tôi. Nhưng với tình hình này và giá thức ăn còn có khả năng tiếp tục tăng, không biết gia đình tôi gắn bó được với nghề này bao lâu nữa”, ông Lộc ngán ngẩm nói.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán, trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, người chăn nuôi tạm thời không nên mở rộng quy mô chuồng trại.
“Chăn nuôi quy mô nhỏ vài con thì còn có thể chủ động sử dụng thức ăn như ngô, khoai... Với quy mô từ 50 con trở lên, thì bắt buộc người chăn nuôi phải mua cám. Hơn nữa, trước giờ nhiều ý kiến cũng cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất trong bối cảnh hiện nay là tiết giảm chi phí. Song việc triển khai trên thực tế không dễ như vậy, bởi khẩu phần ăn một con heo là 2,5kg cám/ngày, nếu bớt xuống 2kg sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe vật nuôi, dịch bệnh…”, ông Đoán chia sẻ.
Hơn một năm qua, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng “phi mã”, nhiều giải pháp cũng đã được các cơ quan tính đến, song vẫn không thể “hạ nhiệt” được mặt hàng này. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết nguyên nhân lớn nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài.
Chưa chủ động được các yếu tố đầu vào
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), một trong những nội dung lớn được nhiều đại biểu quan tâm, chất vấn là giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, gây khó khăn rất lớn cho nông dân. Một số đại biểu nêu vấn đề, nhiều tỉnh, thành của Việt Nam từng có lợi thế trồng cây bắp và một số cây khác là nguyên liệu cho ngành chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng chưa được quan tâm phát triển.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng cho rằng, Việt Nam là nước nông nghiệp nhưng chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp... ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Theo đó, mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2021, đã nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, chi gần 10 tỷ USD…
Thẳng thắn thừa nhận những mặt còn tồn tại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ trong chiến lược nâng cao năng lực tự chủ của ngành Nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, giảm rủi ro về thị trường. Bộ đã tổ chức rất nhiều phiên họp bàn giải pháp.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài. Bộ NN&PTNT đã giao cho các đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu các mô hình giảm chi phí. Sản xuất nông nghiệp đã có những mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc sinh học…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây không phải là giải pháp tạm thời đối phó tình huống mà về lâu dài cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp của chúng ta. Tôi rất tha thiết mong 14 triệu hộ nông dân chúng ta vào hợp tác xã, kinh tế tập thể nhằm giảm giá các nguyên liệu đầu vào, vừa chuẩn hóa quy trình sản xuất nhằm nâng cao chất lượng để có giá cả tốt hơn. Đó là ở tư duy lâu dài hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp chứ không phải làm đối phó nhất thời”.