Eximbank báo lãi quý 1/2020 nhờ hoàn nhập dự phòng và kinh doanh ngoại hối

(khoahocdoisong.vn) - Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) trong quý 1/2020 đạt 458 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, các chỉ số sinh lời vẫn ở mức thấp.

Trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam, Eximbank được biết tới như là một ngân hàng chuyên kinh doanh ngoại hối. Phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra ngoại tệ. "Nghề tay trái" này đã mang về cho Eximbank 54 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 131% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, hạch toán điều chỉnh hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng với 35 tỷ đồng cũng góp phần tăng lợi nhuận cho ngân hàng này.

Thu nhập lãi thuần của Eximbank đạt 856 tỷ đồng, tăng 3,2%, nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ lại giảm 4 tỷ đồng, tương đương 5% so với quý 1/2019.

Trích bảng Kết quả kinh doanh Quý I/2020 - Eximbank.

Trích bảng Kết quả kinh doanh Quý I/2020 - Eximbank.

Tuy tổng tài sản của Eximbank tăng 4,28 % so với quý 1 năm trước, đạt 157.170 tỷ đồng, nhưng lượng tiền mặt có trong ngân hàng lại hao hụt đi rất nhiều, giảm 41%, tương đương với 1.541 tỷ đồng.

Tăng trưởng dư nợ cho vay Eximbank là 7,8%, khá thấp trong hệ thống ngân hàng, chứng tỏ hoạt động tín dụng vẫn còn khá trì trệ.

Điều này đã có những ảnh hưởng rõ nét đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, khiến nguồn vốn bị ứ đọng, từ đó kéo thấp tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) xuống 0,59%. Trong khi chỉ số NIM của một số ngân hàng có cùng quy mô như SeaBank là 2,11%; HDB là 1,5%.

Ngoài ra, chỉ số sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROAA) cũng như chỉ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của Eximbank trong 3 tháng đầu năm nay không cao, lần lượt 0,23% và 2,29%.  Các chỉ số này thấp cho thấy sự không hiệu quả khi sử dụng tài sản và vốn của ngân hàng (trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, chỉ số ROAA hợp lý thường trong khoảng 05,-3% và ROAE là trên 12%).

Tăng trưởng dư nợ cho vay không nhiều, nhưng nợ xấu nội bảng lại tăng lên. Chưa kể, nợ xấu mà Eximbank bán cho Công ty quản lý tài sản (VAMC) là 3.277 tỷ đồng.

Eximbank đặt ra mục tiêu sẽ áp dụng tiêu chuẩn Basel II vào đầu năm 2020, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu. Tuy nhiên, đã hết quý 1.2020 mà mục tiêu này vẫn chưa được hoàn thành, vì vậy ngân hàng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong những quý tiếp theo.

Theo Đời sống
back to top