Dược Văn Lang: Nhà thầu cỡ lớn, lợi nhuận siêu nhỏ, và những vấn đề về thuế ?

Là nhà thầu cung ứng thuốc, đặc biệt là thuốc chữa ung thư, cho các bệnh viện trên cả nước, nhưng lợi nhuận của Dược Văn Lang chỉ bằng… 0,1% doanh thu. Chưa kể, việc doanh nghiệp này trúng thầu cũng đặt ra nhiều nghi ngờ bởi những sai phạm có dấu hiệu hình sự do Thanh tra Chính phủ nêu ra.

Giá vốn ăn mòn lợi nhuận?

Công ty TNHH dược phẩm Văn Lang có địa chỉ tại 373/1/177 Lý Thường Kiệt, Phường 9, quận Tân Bình, TP.HCM. Công ty thành lập từ năm 2009, có vốn điều lệ 10 tỷ đồng (giữ nguyên đến nay), hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm và vật phẩm vệ sinh trong các cửa hàng chuyên doanh.

Cho đến khi được Thanh tra Chính phủ nêu danh do sai phạm trong cung ứng thuốc tại 2 gói thầu đấu thầu tập trung năm 2017 tại Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (MSTTQG), Văn Lang không phải là một cái tên nổi bật, thông tin về doanh nghiệp này trên web hầu như không có.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này lại là đơn vị cung cấp thuốc cho hàng loạt bệnh viện cả tuyến trung ương và địa phương.

Liên danh Văn Lang - UNI hiện nay là những nhà thầu lớn cung ứng thuốc chữa ung thư cho các bệnh viện trên cả nước. Việc cung ứng thuốc này là dựa trên các hợp đồng trúng thầu với các bệnh viện, ký theo các thỏa thuận khung với ngành y tế.

Một số đơn vị nằm trong danh sách khách hàng của Văn Lang có thể kể đến như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM hay Bệnh viện Hùng Vương (Sở Y tế TP. HCM), Sở Y tế An Giang, Sở Y tế Cà Mau….

Theo khảo sát, Văn Lang trúng thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện, Sở Y tế từ trên cả nước các gói thầu có giá trị rất lớn. Nhờ đó, doanh thu của Văn Lang luôn ở mức khả quan, khoảng 240 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng tùy năm.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Văn Lang luôn thấp một cách bất ngờ. Lợi nhuận sau thuế hằng năm chỉ ở mức 250 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng mỗi năm, chỉ đạt 0,1% so với doanh thu.

Đáng chú ý hơn, trong các năm 2018, 2019 dược Văn Lang có kết quả hoạt động khá thấp, thì doanh thu của năm tài chính 2020 - 2021 đã tăng gấp đôi. Tuy nhiên, nhưng lợi nhuận giai đoạn 2018 – 2021 vẫn… đi ngang, ở mức chưa tới 0,1% doanh thu, thua xa mức lợi nhuận vốn dĩ đã thấp ở các doanh nghiệp nhà nước.

Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận của dược Văn Lang luôn “ổn định” ở mức thấp là do chi phí hoạt động khá cao và giá vốn chiếm hết lợi nhuận.

Nhưng lưu ý rằng, dược Văn Lang là doanh nghiệp thương mại, hoạt động đặc thù cung ứng thuốc chữa bệnh, nên việc giá vốn có thực sự ăn mòn lợi nhuận hay không, lại cần phải rà soát lại toàn bộ hóa đơn đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp này.

Đó là chưa kể, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thuốc của liên danh dược Văn Lang – UNI cung cấp khá cao so với sản phẩm tương tự đang được chào bởi một số doanh nghiệp Việt.

Nghi vấn lỗ hổng quản lý thuế

Tháng 2/2022, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, đấu thầu thuốc chữa bệnh giai đoạn 2014-2018 tại Bộ Y tế.

Tại kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã chuyển 7 vụ việc sai phạm nghiêm trọng sang Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp tục xác minh làm rõ dấu hiệu sai phạm hình sự, trong đó có Hồ sơ về hai gói thầu đấu thầu tập trung số 2 và số 5 năm 2017 tại Trung tâm Mua sắm tập trung quốc gia liên quan đến Liên danh Công ty UNI-Văn Lang.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ xác định: việc xây dựng số lượng thuốc đấu thầu tập trung năm 2017 không sát với nhu cầu sử sụng thực tế của cơ sở khám chữa bệnh, chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 11/2016/TT-BYT; Việc xét thầu, lừa chọn nhà thầu còn nhiều sai phạm, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về hình sự đối với nhà thầu thuốc Xalvobin 500mg film -coated tablet là Liên danh Công ty UNI – Văn Lang, cần tiếp tục điều tra làm rõ”.

Đáng chú ý, liên quan đến đấu thầu thuốc Xalvobin 500mg film -coated tablet của Liên danh Công ty UNI – Văn Lang, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế từng xác nhận Liên danh này đã làm giả hồ sơ, tài liệu nhập khẩu thuốc Xalvobin 500 mg (thuốc điều trị ung thư) để tham gia đấu thầu thuốc tại Sở Y tế Cần Thơ.

Ngoài ra, Liên danh này còn sử dụng giấy tờ giả mạo về việc nhập khẩu thuốc Xalvobin 500 mg của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế để đấu thầu, cung cấp thuốc ra thị trường.

Ngoài cung cấp thuốc cho Cần Thơ, liên danh này còn trúng thầu cung cấp thuốc Xalvobin 500mg film-coated tablet cho các tỉnh miền Bắc (trừ vùng Trung du và các tỉnh miền núi phía Bắc) và cho các tỉnh miền Nam. Giá thuốc Xalvobin 500mg tại mỗi gói thầu khác nhau, gồm: 38.000 đồng/viên; 39.900 đồng/viên và 43.980 đồng/viên.

Về nguồn thuốc do liên danh UNI - Văn Lang nhập khẩu, theo thông báo của liên danh này là từ Công ty Alvogen Limited của Thái Lan. Tuy nhiên, khi truy cập vào địa chỉ công ty Thái Lan này, thì lại được dẫn hướng sang một hãng dược của Đức.

Vụ việc sau đó được C03 Bộ Công an kết luận là hành vi vi phạm pháp luật hình sự.

Để xử lý hình sự, cơ quan công an phải có tài liệu chứng cứ. Song trường hợp này không thu được tài liệu gốc do thời gian xảy ra đã lâu, từ năm 2014. Do đó, vụ việc được “bàn giao” về Cục Quản lý Dược để xử lý. Sau cùng, liên danh này chỉ bị Sở Y tế Cần Thơ… xử phạt hành chính, và cấm tham gia đấu thầu thuốc tại Cần Thơ trong vỏn vẹn... một năm.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp không cần nộp báo cáo sử dụng hóa đơn trong các kỳ báo cáo thuế, và với nguồn gốc thuốc vòng vèo từ Thái Lan sang Đức, đã đặt ra khả năng, có thể trong thời gian điều tra làm rõ của cơ quan công an về sai phạm tại Văn Lang, liên danh này đã kịp tất toán thuế để tránh phải công khai các tài liệu mà cơ quan điều tra cần có.

Để ngăn ngừa tình trạng trốn thuế trong hệ thống các các hãng dược cung ứng thuốc cho ngành y tế, sẽ cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng từ ngành thuế, hải quan, và cơ quan Công an.

Theo Đời sống
back to top