Được "giải cứu" 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines vẫn muốn bán và thanh lý máy bay

(khoahocdoisong.vn) - Quý 1/2021, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) tiếp tục báo lỗ gần 5.000 tỷ đồng, trong khi nợ vẫn dầy thêm. Để duy trì hoạt động, hãng hàng không quốc gia chỉ còn trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và các cơ quan Nhà nước.

Trong năm 2020 sản lượng khách vận chuyển của VNA giảm 45%, doanh thu vận tải hàng không cũng giảm 61% so với kế hoạch trước khi có dịch bệnh.

Sang quý 1/2020, tình hình kinh doanh của VNA vẫn tiếp tục bi quan, ghi nhận doanh thu tiếp tục sụt giảm mạnh tới 60% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 7.528 tỷ đồng. Trong đó doanh thu vận tải hàng không giảm 64%, đạt 5.141 tỷ đồng.

Mặc dù, VNA đã cắt giảm tối đa nhiều khoản chi phí nhưng vẫn không tương xứng với doanh thu đi xuống, dẫn tới khoản lỗ ròng 4.975 tỷ đồng.

Khoản lỗ trên đã nâng mức lỗ luỹ kế của VNA trong vòng hơn 1 năm qua lên 14.219 tỷ đồng, ăn mòn hết vốn điều lệ của công ty.

Ngày 15/4 vừa qua, cổ phiếu HVN của VNA chính thức bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 9.327 tỷ đồng.

Lỗ chồng lỗ, khả năng thanh toán nợ trong ngắn hạn gần như không còn, VNA buộc phải tiếp tục vay mượn thêm để duy trì hoạt động. Riêng trong 3 tháng đầu năm, hãng đã vay mượn thêm 4.526 tỷ đồng để trả nợ.

Nợ phải trả của VNA tính đến thời điểm 31/1/2021 là 59.550 tỷ đồng, tăng 5,4% so với đầu năm (tương đương tăng thêm 3.060 tỷ đồng).

Các khoản nợ vay ngân hàng trong ngắn hạn là 12.694 tỷ đồng. Vay nợ dài hạn là 21.640 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 58 lần, rơi vào mức rủi ro đặc biệt.

Để “giải cứu” VNA, mới đây, Ngân hàng nhà nước đã thực hiện tái cấp vốn không có tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng đủ điều kiện cho VNA vay, với số tiền 4.000 tỷ đồng và lãi suất 0%/năm. Số tiền này sẽ giải ngân trước ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, VNA cũng phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng. SCIC sẽ thực hiện quyền mua số cổ phần trên.

VNA cũng tìm kiếm các nguồn thu khác như thanh lý máy bay, bán và thuê lại máy bay, thanh lý các khoản đầu tư. Trong năm 2020, tổng công ty đã thực hiện bàn giao 3/5 máy bay A321. VNA đang kế hoạch tiếp tục bán 09 máy bay A321 sản xuất năm 2007 - 2008 trong năm 2021.

Bên cạnh đó, VNA đàm phán lùi lịch nhận máy bay thuê hoạt động sang năm 2022 - 2023 thay vì trong năm 2020 theo thoả thuận ban đầu.

Theo Đời sống
back to top