Tủ lạnh là sản phẩm không thể thiếu giúp bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, không vì thế mà cái gì cũng “tống” vào tủ lạnh.
Không phải cái gì cũng nhét vào
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, sử dụng tủ lạnh để bảo quản thực phẩm là rất tốt, vừa kéo dài thời gian bảo quản vừa không làm giảm phẩm chất của sản phẩm.
Tuy nhiên, việc sử dụng tủ lạnh cần phải hiểu đúng và dùng đúng mới đảm bảo thực phẩm tươi ngon. Hiện nay muốn ăn rau, củ, quả đúng mùa hoặc để tiện cho việc nấu nướng, ngoài quả sấu, quả me mọi người vẫn hay cất ngăn đá, vào mùa cà chua vừa ngon vừa rẻ, nhiều người mua vài kg cất trong ngăn đá để ăn dần;
Nhà nào có con nhỏ muốn cho ăn cà rốt cũng mua vài kg cất ngăn đá để ăn quanh năm; thậm chí có nhà còn cả quả ớt vào ngăn đá để cần là lấy ra ăn cho tiện…
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, về bản chất, ngăn đá ngoài bảo quản thực phẩm tươi sống còn có thể bảo quản thực phẩm muốn ăn lâu dài, ví dụ, dịp Tết gói bánh chưng, giò, ăn không hết ngay, người dân có thể cất lên ngăn đá để ăn dần.
Cho củ quả vào ngăn đá để ăn đúng mùa về nguyên tắc là có thể bảo quản lâu dài. Tuy nhiên, rau, củ, quả có đặc điểm là chứa nhiều nước. Khi cho vào ngăn đá, nước sẽ bị đóng thành đá. Khi lấy củ quả ra khỏi ngăn đá, các tinh thể đá sẽ rã ra và ngay lập tức phá vỡ các tế bào trong củ, quả, làm biến đổi hình dạng thậm chí là là quả bị vỡ ngay.
“Từ xưa tới nay, người ta chỉ thái lát quả dứa và trữ đông lạnh sau đó mang ra ăn dần, chứ không trữ đông các loại rau, củ quả khác. Quả cà chua lấy từ ngăn đá ra, đá tan cũng là lúc quả sũng nước, mềm nhũn, thậm chí là vỡ nát, về hình thức đã mất cảm quan”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, “Các loại rau, củ, quả chỉ nên bảo quản trong ngăn mát ăn trong vài ngày, hết lại mua”.
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Ngay cả với cơm nguội, bạn cũng không cần phải bảo quản trong tủ lạnh. Nếu ăn không hết bạn vun lại và cắm lại cho nóng để “thanh trùng”, sau đó rút phích cắm ra và cứ để trong nồi đến bữa sau cắm lại, cơm vẫn ngon. Nếu nhiều cơm nguội, ăn không hết bạn có thể phơi khô và sử dụng dụng cơm khô để chế biến thành các món ăn khác.
Không cần tủ lạnh, vẫn ổn
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, lo sợ mọc mầm hoặc bị nấm mốc tấn công, nhiều người còn cho cả đồ khô như hành, tỏi, rồi nấm hương, lạc, đỗ… vào bảo quản trong tủ lạnh. Điều này là không cần thiết.
Hành, tỏi có chứa kháng sinh nên tự chúng có thể kháng lại được sự tấn công của vi khuẩn, nấm mốc. Với hành tỏi, chỉ lo nhiễm ẩm dẫn đến mọc mầm. Để bảo quản các loại này, chỉ cần đảm bảo chúng khô (phơi khô trước khi bảo quản sau đó cho chúng vào túi lưới và treo lên cao chỗ thoáng mát) mà không lo mọc mầm, hay bị thối.
Tương tự, lạc, chè… cũng là đồ khô, nếu bạn cho vào tủ lạnh, hơi nước trong tủ lạnh có thể lại gây nhiễm ẩm lạc, chè. Với các đồ khô nói chung, bạn hoàn toàn có thể bảo quản ở môi trường bên ngoài bằng cách giữ khô chúng (buộc chặt trong túi nilon, cho vào hộp/lọ hoặc treo lên cao chỗ thoáng mát) chứ không nhất thiết cứ phải cần đến tủ lạnh.
Ngay cả với hoa quả, bạn cũng cần cân nhắc khi cho chúng vào tủ lạnh. Điển hình là chuối. Nếu bạn cho chuối vào tủ lạnh, vỏ chuối lập tức sẽ thâm ngay. Mặc dù chất lượng của chuối không thay đổi, nhưng rõ vỏ quả bị thâm đen cũng khiến bạn không muốn ăn.
Với quả chuối, bạn chỉ cần giữ được cuống, lấy màng bọc thực phẩm, bọc cuống lại và để bên ngoài môi trường chứ không cần cho chúng vào trong tủ lạnh. Ngoài ra, với những hoa quả chứa nhiều nước, khi bạn lấy từ trong tủ lạnh ra, bạn cũng cần ăn ngay.
Hoa quả, nhất là hoa quả chứa nhiều nước mang từ tủ lạnh ra mà không ăn ngay sẽ bị nhũn ra nhanh chóng, để vài tiếng mới ăn sẽ không còn ngon nữa.
Sơn Hà