Đừng để 'dịch' tin giả lờn luật

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhất là từ thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư (từ ngày 27.4 đến nay), hàng loạt cá nhân đăng tin giả bị xử lý.
Tin giả vụ “bác sĩ Trần Khoa” /// ẢNH: CHỤP MÀN HÌNHTin giả vụ “bác sĩ Trần Khoa” - ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Tin giả vụ “bác sĩ Trần Khoa”

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Thế nhưng, tin giả vẫn phát tán tràn lan trên mạng xã hội đến mức nhức nhối với nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC), tin giả được chia thành 2 mức độ: loại thứ nhất là thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống; loại thứ hai là tin sai sự thật, những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có cơ sở.

Luật An ninh mạng năm 2018 quy định nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ; xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Bùng phát tin giả

Điển hình vụ tin giả “dậy sóng” dư luận gần đây nhất là một bài viết trên tài khoản Facebook “Trần Khoa” vào tối 7.8, thể hiện “bác sĩ” này đã rút ống thở người nhà để nhường cho sản phụ song thai tại một bệnh viện ở TP.HCM. Sau đó hàng loạt tài khoản Facebook khác đã chia sẻ nội dung này trên mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản bày tỏ sẽ ủng hộ “bác sĩ Trần Khoa” và hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế nơi bệnh viện xảy ra sự việc. Tuy nhiên, ngày 8.8, Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và khẳng định câu chuyện này là hư cấu, bịa đặt.

Tương tự, sáng 8.8, mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin cầu cứu đến Bộ Y tế nội dung: “Hẻm 196 Tôn Thất Thuyết (P.3, Q.4, TP.HCM) là ổ dịch. Mỗi ngày có 5 - 6 người mất… Người dân nhờ đến phường 1 tuần nay nhưng chẳng thấy ai xuống cả! Thật đau thương”. Lãnh đạo UBND Q.4 khẳng định thông tin trên là không đúng sự thật.

Vụ tin giả gần nhất là ngày 13.8, khi TP.HCM phân bổ vắc xin Vero Cell để tiêm chủng cho người dân, thì trên mạng xã hội phát tán hình ảnh, thông tin với nội dung “Quận 12 thông báo tiêm vắc xin Trung Quốc, dân bỏ về hết”. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND Q.12, khẳng định: “Đây là thông tin sai sự thật. Ngày 13.8, Q.12 không tổ chức tiêm vắc xin trong cộng đồng”.

Mạnh tay xử lý hình sự

Tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam không còn là điều cá biệt. Thực tế cũng có nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự. Điển hình, chiều tối 21.7, Cơ quan CSĐT Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với bị can Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, ngụ đường Ngô Tất Tố, P.19, Q.Bình Thạnh) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”, theo điều 331, bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017, do hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin xuyên tạc về vụ “người đàn ông tự thiêu giữa đường”.

Xác định 3 chủ tài khoản liên quan vụ “bác sĩ Trần Khoa”

Ngày 14.8, thông tin từ Sở TT-TT TP.HCM cho biết cơ quan này đã xác định được 3 chủ thể đăng ký tài khoản mạng xã hội Facebook liên quan đến vụ việc “bác sĩ Trần Khoa”, gồm: “JK”, “HMAĐ” và “NHT”. Cách đây 2 ngày, Thanh tra Sở đã gửi thư mời 3 chủ tài khoản trên để làm việc nhưng 3 chủ tài khoản này kiến nghị dời buổi làm việc “sang thời điểm phù hợp” khi TP.HCM kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Hiện 3 chủ tài khoản cũng đã gửi bản giải trình tới Sở TT-TT.

Hiện cơ quan công an cũng đang xác minh có hay không các tài khoản Facebook có hành vi giả mạo thông tin để trục lợi trong việc hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại TP.HCM.

Sỹ Đông

Đề cập nạn tin giả, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định việc tạo dựng và chia sẻ tin giả là hành vi vi phạm pháp luật. Về xử lý hành chính, luật sư Nghiêm cho biết tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng, chia sẻ tin giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng, căn cứ Nghị định 15/2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, đối với những KOL (người có sức ảnh hưởng - PV) và người nổi tiếng, nếu chưa thẩm định thông tin, phát tán tin giả thì phải xử lý mạnh, cao nhất so với quy định, để hạn chế, ngăn ngừa việc phát tán.

Về xử lý hình sự, theo luật sư Nghiêm, căn cứ Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, người tung tin giả, xuyên tạc bị xử lý về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288, BLHS 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017 (khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm); hoặc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174, BLHS 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017.

“Do vậy, các cơ quan chức năng liên quan cần xử lý nhanh, có án điểm, phạt tù những người cố tình tung tin giả để tạo sự răn đe, phòng ngừa. Nếu chỉ xử lý hành chính, phạt vài ba triệu đồng rồi cho qua, thì “dịch” tin giả sẽ lờn luật”, luật sư Nghiêm nói.

Đồng quan điểm cần nghiêm trị người tung tin giả, bởi tin giả làm nhiễu loạn, tạo tâm lý hoang mang cho xã hội, trong đó gây nhiều khó khăn, cản trở cho công tác phòng chống dịch..., TS Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cho rằng cơ quan chức năng không nên chỉ xử lý những vụ việc trọng điểm, mà cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để triệt nạn tin giả trên mạng xã hội.

Tạm giữ công an “dỏm” đăng tin sai sự thật

Ngày 14.8, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) đang tạm giữ Phan Phi Toàn (33 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, hành nghề tài xế) để điều tra hành vi giả danh lực lượng Công an nhân dân (CAND), sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook đăng bài viết với nội dung sai sự thật.

Đừng để 'dịch' tin giả lờn luật - ảnh 1

Toàn tại cơ quan công an

ẢNH: CTV

Trước đó ngày 11.8, Toàn sử dụng tài khoản mạng xã hội Facebook cá nhân để đăng tải trên fanpage “Chợ Tăng Nhơn Phú A” với nội dung: “Cho tôi hỏi đồng chí nào tổ trưởng khu phố 4, Tăng Nhơn Phú A, Q.9, Thủ Đức đã die (chết - PV) vì dịch chưa vậy, tiền ở trên đưa xuống đâu? Danh sách hộ nghèo gửi lên đâu? Lương tâm của đồng chí ở đâu? Cầu cho Covid sớm ghé thăm đồng chí”.

Công an TP.Thủ Đức đã vào cuộc điều tra, đưa Toàn về trụ sở làm việc. Qua điều tra, công an xác định Toàn sử dụng trang phục CAND, đeo bảng tên Phan Phi Toàn, chức vụ Phó đội trưởng và một bảng tên khác với chức vụ Phó phòng Tổng hợp thuộc Công an Q.3. Toàn khai nhận mua trang phục CAND trên mạng với giá 1 triệu đồng để qua chốt chống dịch. Công an còn thu giữ một roi điện, một gậy 3 khúc. Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Trần Tiến

Theo thanhnien.vn
back to top