Lá neem từng được lan truyền trên mạng xã hội như những phương thuốc thần kỳ chữa và phòng, chống COVID-19 tại châu Phi sau khi nghiên cứu và tuyên bố của bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm người Pháp về việc sử dụng hydroxychloroquine làm thuốc chữa bệnh COVID-19 được công bố. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với trà đen và súp tiêu đen.
Thông tin về lá cây neem có chứa chloroquine được lan truyền chóng mặt qua mạng xã hội và WhatsApp và Twitter. Điều này đã gây ra một cơn sốt điên cuồng những chiếc lá này. Tuy nhiên, quinine không được chiết xuất từ thực vật mà từ quá trình tổng hợp hóa học. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bác bỏ những phương pháp chữa bệnh "thần kỳ" này.
Mới đây, Tạp chí Y tế Cộng đồng Pan American vừa công bố Phân tích về tình trạng tin giả được phát tán trong đại dịch COVID-19 ở Brazil.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2020, 329 tin giả liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đã được phát hiện trên 2 trang web: Globo.com và website của Bộ Y tế Brazil. Hầu hết các bản tin này được lan truyền qua 2 mạng xã hội khổng lồ: WhatsApp và Facebook.
Các chủ đề, danh mục thường gặp là: Chính trị, dịch tễ học-thống kê (tỷ lệ trường hợp mắc, tử vong), và phòng ngừa dịch bệnh.
Cụ thể:
Theo Google Trends, số lượng tìm kiếm sử dụng các cụm từ được lấy từ tin tức giả tại Brazil đã tăng 34,3% trong thời gian được nghiên cứu.
Bối cảnh chính trị, thông tin sai lệnh về số ca nhiễm, ca tử vong cũng như các biện phòng ngừa và chữa trị,… là những nhân tố chính dẫn tới sự lan truyền rộng rãi của hiện tượng tin giả trong 6 tháng đầu tiên kể từ đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Brazil.
Lý giải về sự lan truyền chóng mặt của tin giả trong đại dịch COVID-19, Diomma Dramé - Nhà báo và nhà nghiên cứu sức khỏe tại trang Africa Check cho rằng, COVID – 19 - một căn bệnh còn chưa được biết đến cho đến năm 2020, đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu chưa từng có. Nhiều câu hỏi về loại virus này vẫn chưa được các nhà khoa học giải đáp - bao gồm khả năng miễn dịch.
“Sự thiếu hiểu biết của chúng ta về COVID-19 và sự tiến hóa không ngừng của các biến chủng mới đã thúc đẩy cơn khát thông tin. Điều này dẫn đến sự gia tăng của tin đồn, tin tức giả mạo và thông tin sai lệch. Lúc này, các mạng xã hội đóng vai trò như một loa phóng thanh cỡ lớn trong việc lan truyền các thông tin giả mạo” - Diomma Dramé phân tích.
Vào đầu năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa tuyên bố dịch COVID-19 là đại dịch (epidemic) trên thế giới nhưng đã sử dụng một thuật ngữ mới rất sáng tạo có đuôi “-demic”: “infodemic” (đại dịch thông tin).
Thực tế, “Infodemic” là từ viết tắt của “information epidemic” đã xuất hiện từ năm 2003. Nhà khoa học chính trị David J. Rothkopf đã sử dụng từ này trong một bài viết khi ông nhắc đến dịch SARS.
WHO định nghĩa, “đại dịch thông tin” là tình trạng dư thừa thông tin bao gồm những thông tin sai lệch hoặc gây hiểu nhầm trong cả môi trường số và môi trường truyền thống tại thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Đại dịch thông tin đã và đang gây ra những hậu quả hết sức trầm trọng. Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres từng nói rằng “khi COVID-19 lan rộng, một cơn sóng thần về thông tin sai lệch, các hành vi gây thù hận, giết người và dọa nạt sẽ được giải phóng”.
Trong thời gian cơn khủng hoảng mang tên COVID-19, sự lây lan của “đại dịch thông tin” có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe và an ninh của con người không kém gì virus gây bệnh.
Đại dịch COVID-19 là thời điểm “vàng” để những thông tin sai lệch, video, hình ảnh giả mạo để kích động bạo lực và chia rẽ cộng đồng, có thể làm tăng nguy cơ xung đột, bạo lực, vi phạm nhân quyền trên diện rộng.
Không chỉ khiến công chúng nhầm lẫn, bối rối trong nhận thức, đại dịch thông tin là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những hành vi sai lầm, có khả năng gây hại cho sức khỏe.
Bên cạnh đó, việc tin giả tràn lan cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của công chúng vào các cơ quan y tế, làm suy yếu hiệu quả hoạt động của công tác y tế cộng đồng.
Dịch bệnh tạo điều kiện thuận lợi cho sự bùng nổ của cắt ghép, chỉnh sửa hình ảnh, video giả mạo (image/video manipulation technology). Bằng công nghệ này, một số người đã cáo buộc rằng tiêm chủng vaccine là những chiến dịch được thiết kế để làm lây lan virus.
Một số người khác thì tìm cách lan truyền sự phân biệt chủng tộc, đặc biệt nhắm vào các công dân Trung Quốc. Trong đoạn video quay lại cảnh một tòa nhà bị cháy tại Inbadan – thủ phủ bang Oyo State tại Nigeria, người đăng đã cố tình miêu tả rằng đây là hành động trả đũa đối với chủ nhân tòa nhà – một người Trung Quốc. Nhưng, bằng một bài viết trên mạng xã hội Tweeter, chính quyền Bang Oyo đã làm rõ rằng tòa nhà này thuộc sở hữu của một người Nigeria và 80% người làm việc ở đó là cũng người Nigeria.
Tin giả là một hiện tượng không có biên giới, đã và đang là vấn đề lớn với nhiều quốc gia. Vào tháng 6/2020, Liên Hợp Quốc ra lời kêu gọi các nước ký Cross-Regional Statement on “Infodemic” in the Context of COVID-19 – tạm dịch Tuyên bố chung về cuộc chiến chống lại “đại dịch thông tin” trong bối cảnh COVID-19. Hiện Tuyên bố này đã có hơn 130 nước thành viên.
“Cuộc chiến chống lại "đại dịch thông tin" chỉ có thể thành công khi: Nền tảng kỹ thuật số hoạt động một cách có chừng mực và kiếm soát hơn; các tin bài giả được phát hiện và đính chính; kiến thức truyền thông và đọc hiểu của công chúng được cải thiện” - Diomma Dramé - Nhà báo và nhà nghiên cứu sức khỏe tại trang Africa Check nêu quan điểm./.