Tăng nộp là chắc chắn
Dự thảo Luật thuế Tài sản định nghĩa đây là sắc thuế thay thế thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, mở rộng và bao quát bổ sung thêm một số đối tượng là tài sản khác không phải là đất.
Theo dự thảo, đối tượng chịu thuế Tài sản gồm Đất phi nông nghiệp; Nhà ở; Nhà và công trình thương mại, dịch vụ; Tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên.
Trong đó, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án áp thuế, gồm nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Theo dự thảo luật thì nhà dưới 700 triệu đồng không bị đánh thuế.
Tuy nhiên, nếu nhà có giá trị 800 triệu đồng, thì sẽ bị đánh thuế ở mức 0,3-0,4% với phần giá trị 100 triệu đồng tăng thêm này. Đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh; đất xây dựng nhà chung cư), áp dụng mức thuế suất là 0,3% trên toàn bộ giá trị đất.
Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên, sẽ áp dụng mức thuế suất là 0,4%. Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ trở lên áp dụng mức thuế suất là 0,4%.
TS. Nguyễn Việt Cường, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã dự báo tác động tới các hộ dân như sau: Đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng/năm. Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng/năm. Đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng. Đây là ước lượng của giá trị thuế phải nộp bình quân trên tất cả dân số, bao gồm cả hộ gia đình không phải nộp thuế. Ngưỡng áp dụng thuế suất càng cao thì mức thuế bình quân mỗi hộ phải nộp càng thấp.
Dự báo của TS. Nguyễn Việt Cường xây dựng căn cứ vào các phương án của dự luật thuế tài sản và số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình tại 6 vùng địa lý, bao gồm cả nông thôn và thành thị của cả nước.
Cũng theo TS Nguyễn Việt Cường, thuế tài sản làm giảm thu nhập, giảm mức độ chi tiêu trong ngắn hạn của các hộ gia đình, nhưng tỷ lệ hộ nghèo không thay đổi. Nếu áp dụng theo kịch bản giả định trên, mỗi năm tổng thu từ thuế tài sản ước khoảng hơn 33.000 tỷ đồng. Nguồn thu này là quá nhỏ và nhiều chuyên gia cho rằng thậm chí không đủ để chi trả cho hệ thống thực hiện việc thu thuế, chứ chưa nói đến đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo PGS.TS Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế Quốc dân), rất nhiều mục tiêu được Bộ Tài chính đưa ra khi xây dựng dự luật, đó là kiểm soát thị trường bất động sản, chống tham nhũng, thu ngân sách, giảm bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... Điều đó cho thấy chúng ta đang khá loay hoay trong xác định mục tiêu. Mục tiêu không rõ ràng nên đưa luật ra bị phản ứng là đương nhiên - PGS.TS Phạm Thế Anh nói.
Cũng có ý kiến cho rằng chúng ta chịu thuế rất thấp so với các nước trong khu vực, cần tăng thuế. Tuy nhiên, thấp hay cao phải đặt trong tổng thể hệ thống thuế mới so sánh đúng. Các nước khác đóng thuế cao nhưng họ được hưởng ích lợi xã hội rất nhiều từ nguồn thuế đó. Còn ở Việt Nam, khám bệnh phải tự trả, giao thông thu phí, đi học đóng tiền... mọi thứ người dân phải tự chi trả thì đóng thuế thấp cũng vẫn là cao.
Bổ sung đối tượng thu
Dẫn kinh nghiệm từ các nước đã đánh thuế tài sản và thực tiễn tại Việt Nam, PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính cho biết, trên thế giới không dùng từ thuế tài sản, mà thường gọi cụ thể là thuế bất động sản, thuế đất đai, thuế của cải, thuế tài sản ròng...
Mặc dù Việt Nam chưa có thuế tên là tài sản nhưng thực tế đã có nhiều loại thuế liên quan đến tài sản, chẳng hạn như các loại thuế đất… Giờ ta có tham vọng đánh thuế thêm động sản nên đưa ra Luật thuế tài sản. Trên thế giới, rất ít nước đánh thuế liên quan đến động sản. Bởi đánh thuế động sản dưới dạng cổ phiếu, trái phiếu sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, trong khi tàu thuyền, ô tô là động sản sẽ mất giá theo thời gian, nên việc định giá để đánh thuế rất phức tạp. Nếu áp dụng thuế với động sản đòi hỏi phải đáp ứng được các điều kiện về khả năng thu, sử dụng và thu chi minh bạch.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường cũng cho hay, cái khó trong áp dụng thuế tài sản ở Việt Nam là hệ thống thông tin về tài sản và bất động sản còn yếu và thiếu. Hệ thống định giá và xác định giá tài sản biến động rất lớn gây mất công bằng trong thu thuế. Hành thu (chi phí giữa thu và số thuế thu được) nếu áp dụng ở những địa phương nghèo thì không hiệu quả (có địa phương không ai phải nộp thuế). Mặt khác, không minh bạch trong thu chi, công khai nên khó thuyết phục được người dân đồng thuận...
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng việc ban hành thuế tài sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết và đặc biệt là “không thể trì hoãn”. Nhưng do thuế tài sản rất nhạy cảm vì tác động trực tiếp đến hầu hết các cá nhân, tổ chức nên phải có lộ trình từng bước ở các thành phố lớn trước. Phải có sự chuẩn bị về thông tin và định giá. Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ngân sách. Việc cải thiện ngân sách cần bắt nguồn từ tiết kiệm chi chứ không phải tăng cường thu.