Xây dựng nền tảng số du lịch toàn quốc
Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh, Chuyên đề "Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững" được Tổng Cục Du lịch cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy hoạt động du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian qua Tổng cục đã tập trung xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh tạo “sân chơi chung” cho các địa phương, doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch với một số nhóm nhiệm vụ chính. Trong đó có xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ góp phần đảm bảo du lịch an toàn, phát triển các ứng dụng hỗ trợ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và khách du lịch; hỗ trợ phong trào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch; hỗ trợ các địa phương, điểm đến chuyển đổi số…”.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, không chỉ doanh nghiệp, các địa phương, các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho du khách như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực... tại các điểm du lịch. Du khách có thể gửi phản ánh chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Cũng theo ông Hoàng Quang Phòng, các doanh nghiệp du lịch và các điểm đến trong nước đang liên tục tìm kiếm các giải pháp thích ứng để tồn tại. Hiện không chỉ các doanh nghiệp lớn mà nhiều đơn vị doanh nghiệp du lịch nhỏ và vừa cũng áp dụng triển khai thông qua thuê nền tảng số để tự cứu chính doanh nghiệp khi trở lại đường đua cạnh tranh hậu Covid-19. Ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.
Đại diện Sở Du lịch TPHCM cũng cho biết đã tích cực triển khai nhiều ứng dụng về công nghệ số trong quản lý du lịch. TPHCM đã triển khai Đề án Du lịch thông minh giai đoạn 2020 - 2030, trong đó xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho khách du lịch và người dân, doanh nghiệp hoạt động du lịch và cơ quan quản lý du lịch. Xây dựng một hệ sinh thái các giải pháp công nghệ thông tin có mối liên hệ chặt chẽ, sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu chia sẻ du lịch giúp du khách và người dân tra cứu thông tin du lịch, săn tìm đặt vé vận chuyển, chọn lựa đặt phòng lưu trú, tìm hiểu đặc sản kết hợp mua sắm sử dụng dịch vụ…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam đang triển khai nhiều hoạt động số hóa nhưng còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần xây dựng một nền tảng số du lịch toàn quốc. Việc này sẽ giúp tăng cường sự tương tác, kết nối chặt chẽ giữa Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch và doanh nghiệp du lịch trực thuộc; nâng cao chất lượng quản lý, đồng thời dễ dàng tổng hợp, báo cáo để đưa ra đánh giá, chiến lược phát triển ngành.
Blockchain - “chìa khóa” mở cánh cửa chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, ngành du lịch cần nâng cao hạ tầng công nghệ để đáp ứng cho phiên bản kế tiếp của internet - vũ trụ ảo (metaverse). Ông Phạm Đình Huỳnh, Chủ tịch HĐQT Đại Nam Sơn Group cho biết, khu trải nhiệm du lịch thực tế ảo tại Lễ hội Du lịch Hà Nội, diễn ra tại Vườn hoa Lý Thái Tổ mới đây đã thu hút rất nhiều người dân và du khách trải nghiệm. Công nghệ hình ảnh ứng dụng tuy không phải công nghệ lõi nhưng sẽ là một trong những chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa chuyển đổi số. Khách du lịch sẽ dễ dàng tiếp cận với các địa phương hay du lịch Việt Nam qua công nghệ thực tế ảo hay thực tế ảo tăng cường.
Ông Daika Ginz, nhà sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hệ sinh thái Uniworld cho rằng, du lịch Việt Nam có thể “cất cánh” nếu tận dụng được sự ưu việt của cơ sở hạ tầng Blockchain. Những hệ thống được đồng bộ hóa nhờ công nghệ AI và blockchain đã giúp nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát triển như Đức, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ… Hãng hàng không quốc gia của Pháp - Air France đã sử dụng hạ tầng công nghệ Blockchain để phát triển và thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử có tên là ICC AOKpass. Ứng dụng này cho phép người dùng hiển thị kết quả âm tính Covid-19 trên điện thoại di động.
Ông Ginz dẫn chứng thêm, hãng hàng không của Anh - British Airways đã đầu tư vào và đang làm việc với Zamna, một công ty sử dụng nhận dạng khuôn mặt trong việc lưu trữ, sử dụng, đồng bộ, nhận dạng và bảo mật dữ liệu. Đây là một sự kết hợp giữa công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ Blockchain.
Theo ông Daika Ginz, vũ trụ ảo truyền cảm hứng cho khách hàng du lịch. Việc trải nghiệm thực tế ảo cung cấp cho khách hàng một lịch trình rõ ràng, trực quan hóa hành trình, địa điểm cụ thể. Trải nghiệm trong vũ trụ ảo sẽ giúp khuyến khích, thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng, đặt vé, đặt phòng và du lịch ngay.
Cùng quan điểm, ông Trần Văn Anh, đồng Sáng Lập UniWorld cho biết, đối với ngành du lịch, những cổ vật, vật phẩm và các tác phẩm nghệ thuật từ cổ đến đương đại… có thể được NFT hoá (tài sản số bằng công nghệ blockchain). Đặc biệt, NFT hoá không chỉ giúp truy suất nguồn gốc, định danh, quyền sở hữu của những tài sản vật lý, mà còn có thể tái tạo, bảo tồn con người hoặc những giá trị phi vật thể mang tính dân tộc, tôn giáo, lịch sử. Chúng ta hoàn toàn có thể tái tạo một vị vua qua những bằng chứng còn sót lại, những cảnh quan hoặc trận đánh lịch sử, hoặc đó có thể là một hiện tượng, thời khắc thiên nhiên đặc biệt đã tạo nên vẻ đẹp du lịch hùng vĩ. Điều này đưa viễn tưởng tới thực tại, không chỉ giúp du khách trải nghiệm mà còn mang tính giáo dục, tuyên truyền và gìn giữ văn hóa lịch sử, con người. Blockchain và AI kết hợp trong Metaverse có thể làm được điều đó.
Xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch ngày càng phổ biến, dịch vụ trực tuyến, du lịch thông minh sẽ dần thay thế nhiều công đoạn dịch vụ truyền thống. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các ứng dụng, nền tảng số, quyết liệt hơn nữa trong ứng dụng công nghệ hỗ trợ hoạt động kinh doanh du lịch, có như vậy mới đẩy nhanh quá trình phục hồi trong điều kiện bình thường mới.
Hiện tại, du lịch TPHCM đã triển khai nhiều hoạt động chuyển đổi số gồm: Đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka); Cập nhật 366 tài nguyên du lịch lên nền tảng Google Earth và Google Map; Ứng dụng Công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch năm 2022; Vận hành ứng dụng phần mềm (App) du lịch thông minh trên nền tảng Android và iOS; Phối hợp các tổ chức du lịch quốc tế triển khai TPO Card và TPO Apps; Xây dựng ứng dụng OneApp cung cấp tất cả các thông tin và dịch vụ trực tuyến cho khách du lịch quốc tế đến TPHCM...