Phải tự lực cánh sinh
Có thể thấy, năm 2019 là năm thịnh vượng nhất của du lịch Việt Nam, với 18 triệu khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa và du lịch outbound (đi du lịch ở nước ngoài) đạt 11 triệu khách. Tăng trưởng doanh thu ngành du lịch năm 2019 là 18,5%, đạt 755 nghìn tỷ đồng (không kể outbound), tương đương 33 tỷ USD, chiếm 9,2% GDP cả nước.
Năm 2020, do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề, thậm chí gần như tê liệt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Tính tới đầu tháng 12/2020, khách quốc tế du dịch đến Việt nam đạt 3,7 triệu người, giảm khoảng 80% so với năm 2019. Du lịch nội địa đạt gần 50 triệu lượt khách, giảm hơn một nửa. Du lịch outbound đạt khoảng 1 triệu khách trong tháng Giêng. Suốt từ tháng 2/2020 đến nay, du lịch Việt Nam không ghi nhận thêm khách du lịch nước ngoài, có nghĩa giảm hơn 90% so với năm ngoái. Ước tính sơ bộ, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam (không kể outbound) năm 2020 là khoảng 23 tỷ USD.
Số lao động của toàn ngành du lịch Việt Nam năm 2019 là hơn 2,9 triệu lao động. Trong đó có xấp xỉ 1 triệu lao động trực tiếp trong doanh nghiệp du lịch. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát cho đến nay, khoảng 90% lao động phải nghỉ việc hoặc tạm nghỉ không lương. Số lao động thất nghiệp hoàn toàn chiếm khoảng 50%. Các doanh nghiệp du lịch tạm ngừng hoạt động lên tới 60%. Nhiều khách sạn phải đóng cửa. Các khách sạn 4 - 5 sao chỉ hoạt động được 10 - 15% công suất.
Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), hầu như không một doanh nghiệp hay người lao động nào trong ngành du lịch có thể tiếp cận được với các gói hỗ trợ của Chính phủ. Nếu có thì cũng rất ít, không đáng kể.
“Có thể, nhiều người cho rằng du lịch không phải là ngành kinh tế trọng điểm. Doanh nghiệp lữ hành thì không cần nhiều tài sản, chủ yếu là nhiều nhân lực. Người lao động không làm du lịch thì có thể chuyển sang làm việc khác. Không có gì nghiêm trọng! Nhưng thực sự, ngành du lịch chúng tôi đang cực kỳ khó khăn. Chúng tôi rất trông đợi vào sự hỗ trợ của Chính phủ. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, chúng tôi phải dựa vào sức mình, phải tự thân vận động”, ông Bình cho biết.
Đại diện của VITA cũng cho biết, ngành du lịch Việt Nam liên tục triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch. Tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến quá trình hồi phục của ngành du lịch gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí thất bại hoàn toàn.
Chính sách chỉ trên giấy
Theo ông Vũ Thế Bình, kỳ vọng của các doanh nghiệp vào sự hỗ trợ của Nhà nước không bao giờ hết. Bất kỳ sự hỗ trợ nào của Chính phủ, Nhà nước cũng giúp làm giảm bớt căng thẳng cho doanh nghiệp rất nhiều. Tất cả những chính sách mà Nhà nước đã ban hành đều rất hay, kịp thời. Tuy nhiên, tính khả thi của các chính sách vẫn cần phải xem lại.
Chính sách ban hành nhưng không thực thi được có hai nguyên nhân. Thứ nhất là các quy định, điều kiện trong chương trình hỗ trợ không phù hợp. Thứ hai, các cơ quan, ban ngành không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao trong các văn bản pháp luật.
Ông Bình kiến nghị, những người thực hiện nghiên cứu dự thảo chính sách cần phải tham khảo ý kiến rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó có thể nhận định những chính sách đó có phù hợp thực tiễn không, có khả thi không, doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc gì trong quá trình thực hiện? Việc ban hành chính sách hỗ trợ, dù kịp thời nhưng không phù hợp thì vẫn chỉ là chính sách trên giấy, không mang lại hiệu quả thực thi.
Ông Bình lấy ví dụ, gói hỗ trợ an sinh - xã hội 62.000 tỷ đồng hầu như không đến được tay người lao động trong ngành du lịch.
“Đơn cử, ở TPHCM có hơn 10.000 hướng dẫn viên du lịch hành nghề tự do phải nghỉ việc. Nhưng chỉ có khoảng 20 người nhận được hỗ trợ từ gói an sinh - xã hội này với 1 triệu đồng/tháng, trong vòng 3 tháng. Nhiều người chỉ nhận được 1 tháng vì vướng mắc ở khâu thủ tục nên quá hạn được nhận hỗ trợ”, ông Bình chia sẻ.
Gói hỗ trợ vay tiền trả lương cho lao động ngừng việc cũng khó tiếp cận. Trong số 40.000 doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn, chỉ có 1 doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này.
Ngay cả chính sách tiền tệ hạ lãi suất cho vay, nhưng các doanh nghiệp du lịch cũng không thể vay do không đủ điều kiện. Các doanh nghiệp lữ hành thường chỉ có thương hiệu, không có nhiều tài sản khác để làm tài sản đảm bảo. Vì vậy, việc tiếp cận gói vay lãi suất thấp là gần như không có.
Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08 về Phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, có quy định điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.
Nghị quyết 103 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch.
Nếu giá điện được điều chỉnh đúng theo quy định, ngành du lịch sẽ được giảm tới 33% giá điện. Giá điện giảm, giá dịch vụ khách sạn cũng giảm theo, sẽ tạo sức cạnh tranh lớn cho ngành du lịch.
Cho đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của Bộ Công Thương vẫn chưa thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Mới đây, EVN đã thực hiện giảm giá điện theo Nghị quyết 41. Theo đó, các cơ sở lưu trú du lịch được điều chỉnh giá xuống bằng mức giá điện áp dụng cho các hộ sản xuất. Mức giảm này được áp dụng trong 3 tháng (tháng 4 - 6/2020).
Nhấn mạnh rằng, trong tháng 4 và tháng 5, ngành du lịch gần như tê liệt, các khách sạn phải đóng cửa. Như vậy, giá điện dù có giảm đến 100% cũng không giúp được gì.
“Các cơ quan hãy thực hiện đúng theo Nghị quyết mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã ban hành, làm đúng công việc được giao. Chứ ngành du lịch chúng tôi không cần sự ban ơn, hay bớt cái gì. Tôi cũng biết, hiện nay, ngành nào cũng khó khăn. EVN cũng đang phải bù lỗ. Nhưng không có lý do gì, du lịch phải gánh lỗ cùng họ được. Nếu không làm được, Bộ Công Thương cũng cần có phản hồi rõ ràng”, ông Bình chia sẻ.