Đã từng bị bãi bỏ
Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi khoảng 47,6ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy.
Theo đó, dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh này do Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình đề xuất đầu tư, với quy mô sử dụng đất sau điều chỉnh khoảng 121ha, trong đó diện tích đất trồng lúa khoảng 47,6ha.
Quy mô vốn đầu tư dự án khoảng 3.038 tỷ đồng, trong đó khoảng 455 tỷ đồng vốn tự có của Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình, phần còn lại (khoảng 2.500 tỷ đồng) sẽ được huy động và vay từ các nguồn hợp pháp.
Theo đề xuất của nhà đầu tư, khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy được chia thành 2 phân khu. Trong đó, phân khu 1 diện tích sử dụng đất khoảng 81ha sẽ xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình, đường giao thông, khuôn viên cây xanh; xây dựng công viên làng du lịch Việt Nam, xây bảo tàng nguồn cội, xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ và xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.
Phân khu 2 rộng 38,9ha xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 16/12/2016, HĐND tỉnh Hòa Bình đã thông qua các dự án cần thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình. Thời điểm này dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình có tổng diện tích lên đến 160ha, trong đó có đến 67,80ha đất lúa cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng.
Tuy nhiên, một năm sau, tháng 12/2017, dự án này đã nằm trong danh sách các dự án bị HĐND tỉnh Hòa Bình ra quyết nghị bãi bỏ. Chưa bàn tới lý do của việc bãi bỏ dự án này, nhưng theo quy định hiện hành, với dự án chuyển đổi đến 67,80ha đất trồng lúa thì thẩm quyền cho phép là thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Như vậy, dự án khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình đã có hơn 02 năm nằm trong danh mục bãi bỏ của HĐND tỉnh Hòa Bình. Đến nay, với đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình, dự án đã được điều chỉnh về cả quy mô (từ 160ha xuống 121ha), và đặc biệt là điều chỉnh cả về diện tích trồng lúa từ 67,80ha xuống còn gần 48ha đất cần chuyển đổi mục đích. Với quy mô này, dù Dự án vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, nhưng thẩm quyền phê chuẩn vẫn thuộc Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét. |
Về chủ đầu tư
Như đã nói ở trên, Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình là doanh nghiệp đề xuất đầu tư khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình.
Đây là doanh nghiệp thành lập năm 2016, đăng ký trụ sở chính tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình do bà Phan Thanh Hà (SN 1986) làm Chủ tịch Công ty.
Thông tin bổ sung, Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình là doanh nghiệp thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Dương, nơi mà ông Phan Văn Quý (SN 1954), làm Chủ tịch HĐQT.
Cả ông Phan Văn Quý (SN 1954) và bà Phan Thanh Hà (SN 1986) đều đăng ký hộ khẩu thường trú tại 83B Phố Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Riêng cá nhân ông Quý đã từng là đại biểu Quốc hội khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Về Tập đoàn Thái Bình Dương do ông Phan Văn Quý làm Chủ tịch HĐQT, đây doanh nghiệp thành lập từ năm 2001 với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chính bao gồm: Công nghiệp, tổng thầu và bất động sản. Theo đăng ký thay đổi tới ngày 14/06/2019 Tập đoàn Thái Bình Dương có số vốn điều lệ lên đến 1.836,9 tỷ đồng.
Tập đoàn Thái Bình Dương có 07 công ty thành viên như: Công ty CP Cảng quốc tế Vĩnh Tân, Công ty TNHH MTV Pacific - Hương Sơn, Công ty TNHH MTV Bất động sản Thái Bình Dương, Công ty TNHH Khoáng sản Thái Bình Dương, Công ty TNHH MTV du lịch Thái Bình, Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình, Công ty CP Năng lượng Pacific - Bình Thuận.
Thông qua các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Thái Bình Dương đã và đang triển khai nhiều dự án lớn. Về kinh doanh bất động sản, Tập đoàn này hiện đang triển khai dự án như: Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Hương Sơn tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội với diện tích khoảng 150 ha, tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng; Khu biệt thự Vườn Dừa - Thành phố Hồ Chí Minh ở Phường Thảo Điền, Quận 2 nằm ven sông Sài Gòn; Khu biệt thự cao cấp Hồ Tây; Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ và văn phòng Hoàng Thành Tower.
Tập đoàn Thái Bình Dương còn là triển khai nhiều dự án nhiệt điện lớn như: Nhà máy nhiệt điện Sơn Mỹ 1 (BOT); dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng hay cảng quốc tế Vĩnh Tân.