Đồng lòng, sáng tạo chúng tôi đã vượt qua giai đoạn cam go nhất

Nhìn lại những chặng đường phát triển của Báo, tôi cho rằng thời kỳ từ năm 1983 đến năm 1994 là giai đoạn cam go nhất, nhưng đồng thời cũng là giai đoạn năng động, sáng tạo nhất.

Ảnh áo tắm trên phụ san KH&ĐS thành hot trend một thời

Trước năm 1983, các báo hầu như được bao cấp, có loại được bao cấp hoàn toàn như Báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới… Có loại được bao cấp một phần thông qua việc cấp chỉ tiêu giấy in báo hàng năm, đó là báo ngành, đoàn thể như Tiền Phong, Phụ nữ, KH&ĐS… khi đó không có giấy in báo bán tự do. Hàng năm Bộ Văn hóa Thông tin phân phối chỉ tiêu giấy in báo cho từng báo với giá cung cấp nên rất rẻ.

Vì vậy, giá báo cũng rẻ. Thật nực cười là xem báo xong đem bán cân cho đồng nát theo giá giấy cân mà vẫn “hòa” so với tiền đặt mua báo. Vì vậy, ai mà chẳng muốn mua báo! Do đó báo cũng phải phân phối, chỉ những ai đúng đối tượng mới được mua, ai có hóa đơn mua báo năm trước mới được mua báo năm sau! Báo in tới mười mấy vạn bản mà vẫn không đủ bán.

Nhà báo Lan Anh và Nhà báo Nhật Minh đang xem lại ảnh áo tắm trên phụ san KH&ĐS.

Nhà báo Lan Anh và Nhà báo Nhật Minh đang xem lại ảnh áo tắm trên phụ san KH&ĐS.

Từ năm 1984 trở đi xóa bỏ dần bao cấp. Số lượng báo xuất bản ngày một nhiều mà ngân sách nhà nước thì có hạn, không thể bao cấp giá giấy được nữa đành thả nổi. Các báo bắt đầu bị chóng mặt vì sóng gió thị trường do giấy báo phải nhập tăng giá bất kể thời điểm nào, mà báo lại bán qua bưu điện, tiền thu từ đầu quý rồi không thể tăng được giữa kỳ nên lỗ là cái chắc. Bên cạnh yếu tố giá cả còn xuất hiện thêm yếu tố cạnh tranh do xuất hiện thêm nhiều tờ báo mới thu hút bạn đọc, làm báo ta mất đi một lượng đáng kể bạn đọc, nguy cơ phải đóng cửa đe dọa cận kề.

Tòa soạn trăn trở tìm kế sách để tờ báo tồn tại và phát triển. Sau khi bàn đi tính lại kỹ lưỡng thì năm 1986, tòa soạn đã đưa ra hai quyết định:

- Mở cửa hàng văn hóa phẩm bán báo, sách, truyện, tòa soạn huy động mọi người tham gia quản lý và thay nhau bán hàng.

-Xuất bản phụ san nhất thời với chất lượng hay, bìa đẹp 4 màu, khuôn khổ tạp chí, mở đầu là Hỏi đáp khoa học tập I, bán theo giá thị trường cao hơn giá báo chính.

Có chuyện vui là bìa 4 chúng tôi muốn bố trí một ảnh đẹp, bắt mắt bạn đọc, họa sĩ đưa ra ảnh một cô gái mặc áo tắm 2 mảnh, ngồi trên bờ biển với thân hình thon gọn, hấp dẫn. Ảnh đẹp nhưng chúng tôi băn khoăn là đưa lên có sợ bị phê phán là đưa ảnh ăn mặc hở hang không? (Nên nhớ rằng hai năm sau: tháng11 năm 1988 báo Tiền Phong mới tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước ta, từ đó người đẹp mặc áo tắm mới lên báo rộng rãi). Tôi mang ảnh cô gái mặc áo tắm đó tới gặp chủ nhiệm báo là giáo sư Lê Khắc (cụ là Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trực tiếp chỉ đạo Báo) xin ý kiến, cụ cười bảo tôi ảnh đẹp thì đưa có sao đâu, thế là tôi yên tâm cho in.

Sáng hôm ấn phẩm in ra, cả tòa soạn lo lắng, hồi hộp chờ kết quả. Đến trưa, anh Phụng ở ban Trị sự theo dõi phát hành loan tin: ”Phụ san giao đến đâu các đại lý bán hết đến đó, họ muốn đặt mua thêm. Có điều đặc biệt là các đại lý đều bày bìa 4 có ảnh cô gái ra mặt ngoài, vì bạn đọc thích hình đó!”. Phụ san in 10 vạn bản mà không đủ nhu cầu của các đại lý, thấy vậy Tòa soạn đã tái bản lần thứ hai 10 vạn bản nữa. Sau thắng lợi này, tòa soạn vững tâm ra tiếp các phụ san khác, chỉ tiêu giấy in của báo có hạn (khi đó giấy in báo phải nhập tốn ngoại tệ nên hàng năm Bộ Văn hóa cấp chỉ tiêu mua giấy in cho các báo), tòa soạn phải liên doanh, liên kết với các cơ quan khác (không sử dụng hết chỉ tiêu) để có đủ giấy in phụ san.

Còn cửa hàng thì cũng thành công không ngờ vì lúc này sách truyện trên thị trường còn khan hiếm, Tòa soạn đã liên hệ thẳng với các nhà xuất bản đặt mua sách truyện hay về bán, người đến mua đông, kể cả đầu nậu cũng tới mua đưa đi các tỉnh bán.

Như vậy, Báo KH&ĐS đã hoạt động kinh tế khá sớm so với các báo khác. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là được sống bằng nghề không còn lo chân ngoài dài hơn chân trong nữa.

Phụ san ấn phẩm Khoa học và Đời sống một thời.

Phụ san ấn phẩm Khoa học và Đời sống một thời.

Thành công trong việc tăng trang tăng kỳ

Nhưng sau đó các báo đều ra phụ san, cửa hàng bán sách báo cũng mọc lên khắp nơi, phụ san, sách báo tiêu thụ khó, dễ bị lỗ. Do đó phải dẹp cửa hàng văn hóa phẩm. Không thể tiếp tục xuất bản phụ san như trước mà phải tìm hướng đi khác.

Năm 1989 là năm kỷ niệm 30 năm thành lập Báo, Tòa soạn đã đưa ra vấn đề tăng gấp đôi số trang của một tờ báo cuối quý 3 và một tờ báo cuối quý 4. Cho tới lúc này, Báo vẫn xuất bản một tháng 2 kỳ và mỗi kỳ 8 trang. Như vậy, số cuối quý lúc đó là 16 trang, giá bán hơn gấp đôi, trang bìa được in nhiều màu hơn số thường. Thế là đã nhập số phụ san vào số thường kỳ.

Khai thác kinh nghiệm đó, năm 1990 lại thêm chuyển báo từ nửa tháng/kỳ thành báo ra hàng tuần. Đây là một bước nhảy vọt của tờ báo, mỗi tháng từ 2 kỳ lên 4 kỳ, lượng phát hành tăng gấp đôi do vậy doanh thu cũng như lợi nhuận đều tăng gấp đôi.

Từ đây, bài học tăng trang, tăng kỳ cứ mỗi năm tiến một bước: Năm 1992 ra số tăng trang hằng tháng, nhưng không phải 16 trang mà là 12 trang cho vừa túi tiền bạn đọc. Năm 1993, một tháng lại có 2 số tăng 12 trang. Năm 1994 tăng trang cả 4 kỳ, nghĩa là số nào cũng 12 trang và thêm phụ san KH&ĐS khổ nhỏ do Ban Thường trú phụ trách chính.

Giai đoạn 1983-1994 đúng là giai đoạn bản lề chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, tờ báo chịu bao cam go, thử thách. Nhưng do ý chí quyết tâm và tinh thần năng động sáng tạo của tập thể làm báo, Báo KH&ĐS đã đứng vững và từng bước phát triển, không bị cơn lốc thị trường nhấn chìm.

Nhớ lại thời kỳ này, tôi vẫn thấy xúc động vì không khí làm báo, làm phụ san sôi động, khẩn trương, vui vẻ và đồng lòng của tập thể Tòa soạn. Đó cũng là nhân tố giúp chúng tôi dễ dàng vượt qua mọi thử thách.

Theo Đời sống
Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Người nhận lương hưu mất, thân nhân nhận chế độ gì?

Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu qua đời được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu, nếu qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.
back to top