Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Căn cước. Một số nội dung của Dự thảo Luật nhận được quan điểm trái chiều từ các đại biểu Quốc hội, cũng như băn khoăn của người dân. Một số đại biểu đã trao đổi bên hành lang Quốc hội với PV Khoa học & Đời sống liên quan Dự thảo Luật này.
Thưa Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, trong phiên thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Căn cước, nhiều đại biểu tán thành việc đổi tên thành Luật Căn cước và đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước. Quan điểm của bà thế nào?
Tôi ủng hộ lấy tên là Luật Căn cước. Lý do là tên gọi này bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch.
“Căn cước công dân” có chữ “công dân”, vẫn xác định quốc tịch trong đó. Còn khi chuyển sang “Căn cước”, không chỉ người Việt có quốc tịch Việt Nam, mà cả người nước ngoài và người hiện nay không xác định quốc tịch, vẫn có thẻ căn cước để giao dịch. Nhà nước cũng quản lý tốt hơn tất cả đối tượng đang sinh sống, cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Sự thay đổi này cũng phù hợp quốc tế khi hiện nay nhiều nước sử dụng Căn cước.
Tên gọi Luật Căn cước cũng phù hợp bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước; phù hợp phương thức quản lý trong thời kỳ Cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy - Ảnh: Phạm Thắng |
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về những phiền hà do việc đổi tên mang lại?
Mỗi lần thay đổi như sang Căn cước công dân có gắn chip, hay giờ là Căn cước, dư luận, cử tri đều bày tỏ băn khoăn liệu có gây ra sự bất tiện trong đi lại, cũng như kinh phí thực hiện. Một câu hỏi khác là thay đổi nhiều lần như thế có giải quyết được những vấn đề liên quan Căn cước công dân không… Từ đó, có ý kiến đề nghị không nên thay đổi, giữ nguyên như cũ.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật Căn cước quy định, Căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân được cấp đổi sang thẻ căn cước khi có yêu cầu. Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan quản lý Nhà nước không được quy định thủ tục riêng thay đổi, điều chỉnh thông tin về Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Như vậy, việc đổi tên này không gây ảnh hưởng do không làm phát sinh thêm thủ tục, chi phí. Tôi cho rằng, với sự thay đổi mang lợi ích lâu dài, lớn lao, chúng ta nên ủng hộ. Điều quan trọng là Luật lần này cần hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cũng như phần quản lý dân cư, định danh...
Cho ý kiến về Dự thảo Luật Căn cước tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 25/10, một số đại biểu tranh luận về quy định thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt, AND… liên quan bảo mật. Bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, việc băn khoăn về bảo mật là đương nhiên. Bởi, công nghệ càng cao, rủi ro càng lớn. Nhưng không có nghĩa như vậy là chúng ta không làm, bởi đó là xu hướng của thế giới.
Muốn phù hợp, chúng ta phải thay đổi, tuy nhiên, đi cùng đó, phải tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, quản lý về rủi ro. Những băn khoăn này cũng có thể là cơ sở để cơ quan soạn thảo lưu ý để hoàn thiện quy định liên quan. Về mặt kỹ thuật, cần đầu tư nhiều hơn nữa.
Như giải thích của cơ quan soạn thảo, chúng ta đưa vào số hóa và quản lý nhiều hơn những dữ liệu công dân, sau này, Căn cước không chỉ phục vụ giao dịch thông thường, mà còn cho y học và nhiều lĩnh vực khác…
Tôi cho rằng, trước nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này, cơ quan soạn thảo, Bộ Công an cũng cần lưu ý, lắng nghe, chọn lọc; trước mắt có thể đưa vào thông tin cơ bản, còn về lâu dài sẽ từng bước chuẩn hóa.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) khẳng định, việc đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước phù hợp tình hình thực tiễn, không ảnh hưởng người dân. Nếu để tên Căn cước công dân, những người chưa phải công dân Việt Nam sẽ không thuộc đối tượng cấp. Đổi tên thành Căn cước là căn cứ định danh một con người, trong đó bao gồm cả người đã có quốc tịch Việt Nam, lẫn chưa phải quốc tịch Việt Nam.
Trong phần giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận liên quan bảo mật, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, việc sử dụng thẻ căn cước điện tử có gắn chip hoặc QR code không theo dõi và không thể theo dõi được. Bộ Công an và bất cứ cơ quan nào không được và không thể theo dõi tình hình di chuyển của công dân.
"Chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo an toàn, an ninh cho công dân, người sử dụng thẻ không bị theo dõi từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào; bảo mật an ninh, an toàn dữ liệu của công dân đã được khai báo và tích hợp", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết thêm, thông tin trên có thể do đối tượng xấu tung ra nhằm gây hoang mang dư luận. Bộ Công an tiếp tục phối hợp cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp thu giải trình các vấn đề đại biểu nêu, hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.