Nặn tò he là một nghề độc đáo, chỉ có duy nhất ở làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Không ai biết chính xác tò he có từ bao giờ, nhưng trong tiềm thức của các bậc cao niên, tò he đã có từ rất lâu và là nét văn hóa dân gian mang đậm hồn Việt. Ảnh Thu Giang |
Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam làm bằng bột gạo nếp pha lẫn với đường, có thể ăn được. Thủa đầu, tò he là sản phẩm dùng để cúng lễ nên chúng thường có hình thù các con vật như công, gà, trâu, bò, lợn, cá... vì vậy, người ta gọi sản phẩm này là “đồ chơi chim cò”. Một số vùng quê ở Việt Nam, người ta còn gọi là “con bánh” vì bên cạnh hình thù các con vật, người ta còn nặn bột thành nải chuối, quả cau, chân giò, đĩa xôi... tạo thành mâm cỗ để đi lễ chùa. Về sau, sản phẩm được gắn vào một chiếc kèn ống, ở đầu kèn có quét chút mạch nha, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” thế nên người ta gọi là “tò te”, sau này nói chệch thành “tò he”. Ảnh Thu Giang |
Nghệ nhân Đặng Hơn , Xã Phượng Dực, Huyện Phú Xuyên, Hà Nội chia sẻ: "Công đoạn nặn tò he quan trọng là kỹ thuật luộc bột, làm bột phải ước lượng theo thời tiết. Mùa Đông thì phải làm bột dẻo hơn mùa Hè. Gạo phải chọn gạo nếp dẻo thì chất lượng hàng tốt và dễ làm hơn. Ngày xưa các cụ sử dụng màu từ vật liệu tự nhiên như màu đỏ lấy từ quả gấc, màu vàng lấy từ củ nghệ, hoa hòe, màu xanh lấy từ lá trầu không, rau ngót... Bây giờ công nghệ đã phát triển các nghệ nhân lấy màu thực phẩm làm bánh pha chế vào thì thuận tiện hơn và màu sắc cũng tươi, đẹp hơn.". Ảnh Thu Giang |
Từ những khối bột màu vô tri vô giác, những nghệ nhân, người thợ tò he Xuân La đã nặn ra các hình thù vô cùng phong phú: 12 con giáp, cỏ cây, hoa lá, các nhân vật truyện tranh, nhân vật lịch sử… thành những hình tượng sống động, độc đáo và ngộ nghĩnh, không chỉ quyến rũ trẻ thơ mà còn hấp dẫn cả người lớn. Ảnh Thu Giang |
"Tuy nhiên, giờ đây, tò he đang phải chống chọi với sự lấn át của đồ chơi nhập ngoại. Cuộc mưu sinh của dân làng trở nên khó khăn. Không có địa điểm làm nghề, nặn tại nhà thì chẳng biết bán cho ai. Cứ thế, nhiều người đã dần bỏ nghề đi tìm nghề mới để duy trì cuộc sống" ông Hơn chia sẻ . Ảnh Thu Giang |
Trước nguy cơ nghề truyền thống bị mai một, tháng 5-2009 làng đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ nhân tò he Xuân La nhằm duy trì và phát triển nghề. Hiện nay CLB đã mở tour thăm quan và trải nghiệm hoạt động tại làng nghề cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh Thu Giang |
Đối với người dân Việt Nam, tò he không chỉ là một món đồ chơi dân gian độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà đó còn là món ăn tinh thần gần gũi, tích lũy trí tuệ nhân dân qua nhiều đời. Các bạn trẻ tham gia trải nghiệm nặn tò he tại làng nghề truyền thống Xuân La. Ảnh Thu Giang |
Du khách nước ngoài trải nghiệm nặn tò he tại làng nghề. Ảnh Thu Giang |
Tò he - món đồ chơi mang đậm ký ức của tuổi thơ. Ảnh Thu Giang |
Sản phẩm tò he vẫn luôn giữ được bản sắc và không kém phần tinh tế. Ảnh Thu Giang |
Sản phẩm tò he ngày nay phong phú đa dạng mẫu mã. Ảnh Thu Giang |
Các con giống bột đủ sắc màu, hình dáng. Ảnh Thu Giang |