Bia cổ ghi công đức Tam Quốc công.
Con cháu nối đời làm quan
Con cháu ông sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê – Trịnh. Sách Danh tướng Việt Nam, liệt kê con cháu 7 đời của Đinh Liệt đều có những võ tướng cao cấp và kết luận, theo cách nói của người xưa, dòng họ Đinh Liệt đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”.
Ông cùng anh là Đinh Lễ được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội; tên của ông cũng được đặt tên cho các con đường ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Nha Trang.
Tương truyền, vợ ông là bà Lương Minh Nguyệt, người làng Chuế Cầu, tỉnh Nam Định, có nhan sắc và giỏi nghề ca hát Ả đào. Trong thời gian Lê Lợi kháng Minh, bà đã mở quán rượu nổi tiếng ở gần thành Cổ Lộng (Thăng Long), cốt ý dò la tin giặc, giúp kháng chiến.
Trong một cuộc tấn công thành Cổ Lộng, bà Minh Nguyệt đã cùng các cô gái tiếp viên phục rượu một số tướng Minh say mèm và làm ám hiệu để quân Lam Sơn dưới quyền chỉ huy của tướng Lê Thạch chiếm được thành. Sau, Đinh Liệt được phong tước Quốc công, mang họ nhà vua (họ Lê), và bà là Nhất phẩm phu nhân. Các vua đời sau đều có sắc phong vợ chồng bà là Phúc thần.
Theo tài liệu của GS Trần Gia Phụng, bà Lương Thị Huệ có lẽ là một tên khác của bà Lương Minh Nguyệt (?), hiện có đền thờ tại huyện Thọ Xương và dân chúng còn gọi bà là Ngọc Kiều phu nhân.
Có tài liệu cho rằng, năm Giáp Thân (1464) bằng những chứng cứ chuẩn xác, Đinh Liệt đã chứng minh Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ không giết vua mà bị vu oan rồi bị giết oan… nên Lê Thánh Tông đã xuống chiếu Chiêu tuyết minh oan cho Nguyễn Trãi.
Đinh Liệt được vua Lê Thánh Tông ban tặng 8 chữ vàng: “Tứ đại kỳ công, vĩnh thùy bất hủ”, được vua ban đất Lộc điền ở Đống Cải, Nông Cống (sau này Đống Cải đổi thành Đông Cao).
Khắp nơi lập đền thờ
Lễ hội Đông Cao thực chất là ngày giỗ của Thượng trụ quốc Thái sư Lân Quốc công Đinh Liệt được tổ chức 5 năm một lần. Tấm bia cổ trong đền thờ ghi lai lịch ngôi đền và công trạng của Tam quốc công.
Con trưởng của Đinh Liệt là Đinh Công Nhiếp đem gia nhân khai hoang vùng đất chân núi Nưa thuộc làng Đống Cải; ông làm quan đến Thị Lang bộ binh, tước Văn Thắng hầu, sau từng là Thượng Thư bộ binh, dưới thời Lê Thánh Tông.
Lộc điền của họ Đinh sau nhập với làng Đống Cải đến thời Duy Tân nhà Nguyễn thì đổi tên là làng Đông Cao cho đến ngày nay. Đinh Liệt được thờ làm thành hoàng làng, các nhân vật có nhiều công lao giúp nước của họ Đinh như Đinh Tôn Nhân, Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Vĩnh Thái, Đinh Công Đột đều được phối thờ ở Đông Cao.
Bà Đinh Thị Ngọc Ban em gái Đinh Liệt được gọi là bà chúa Ban có công giúp Lê Lợi nên đã có đền thờ riêng ngay tại Đông Cao.
Ở Thái Bình, khu di tích Sáo Thần nơi có Đền thờ Tam quốc công trong 277 vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê, ba anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt được coi là những vị tướng kiệt xuất nhất của nghĩa quân Lam Sơn, được vua Lê phong tặng là: “Lê triều Lũng nhai Khai quốc Bảo kiến công Thần”.
Đinh Lễ còn được gọi là “Thái Sư Bân Quốc Công”, Đinh Bồ là “Thái Phó Đinh Quốc Công”, Đinh Liệt là “Thái Bảo Kỳ Vũ hầu Đại đô đốc”.
Cả ba ông đều danh tiếng lẫy lừng như vậy thật đúng với câu đối khắc ghi trước cửa Đền là: “ Võ công cái thế lừng thiên hạ – Danh bất hư truyền rạng núi sông”. Trải qua gần 550 năm với bao biến cố và thăng trầm, Đền thờ Tam Quốc Công vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
TS Nguyễn Thành Hữu