Dính "đạn bọc đường" đất đai, loạt lãnh đạo cấp tỉnh bị xử lý

(khoahocdoisong.vn) - Thời gian qua, hàng loạt nguyên lãnh đạo của một số tỉnh, thành phố bị kỷ luật và khởi tố vì liên quan tới đất đai. Câu hỏi đặt ra, “miếng bánh” này bị chế cháo như thế nào mà có thể khiến nhiều quan chức “rụng ghế”?

Công thức giá rẻ

Ngày 4/8, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét báo cáo và đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật 2 cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố, 1 Giám đốc Sở Xây dựng thành phố và một loạt các tổ chức, đảng viên vi phạm liên quan 4 vụ án xảy ra trên địa bàn TPHCM. Tất cả đều chung một mô típ như các tỉnh thành khác – dính “đạn bọc đường” đất đai.

Theo kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Trần Vĩnh Tuyền (Phó Chủ tịch UBND TPHCM); ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM); ông Trần Trọng Tuấn (cựu Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM) vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí gần 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, "viên đạn bọc đường" đất đai này cũng đã khiến cho 6 bị can là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương bị khởi tố về tội "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo điều 219 Bộ luật Hình sự khi biến 188ha đất công thành đất tư, gây thất thoát 2.700 tỷ đồng của Nhà nước. 

Hay như tại Khánh Hòa, UBND tỉnh này đã phê duyệt chủ trương 47 dự án vượt thẩm quyền. Trong đó, nổi bật nhất là giao “đất vàng” với giá bèo. Cụ thể, vào năm 2016, đất ở lâu dài tại TP Nha Trang, tỉnh phê duyệt giá chưa đến 22,5 triệu đồng/m2; diện tích đất thương mại, dịch vụ có giá 7,8 triệu đồng/m2. Trong khi vào thời điểm đó, giá đất ở nhiều nơi tại Nha Trang đã được rao bán khoảng 200 triệu đồng/m2.

Nhìn vào đây, có lẽ phần nào chúng ta cũng thấy được TPHCM, Khánh Hòa hay Bình Dương đều chung một mô típ, đó là doanh nghiệp “mua” được đất dự án với giá bèo. Điều này có thể “thông cảm” cho các doanh nghiệp, vì có một thực tế, trong các lĩnh vực kinh doanh của Việt Nam hiện nay thì “miếng bánh vẽ” đất đai luôn là miếng mồi béo bở đem lại những lợi nhuận khủng mà ai cũng không muốn bỏ qua. Trong khi, doanh nghiệp lại đang thịnh hành một nguyên tắc: “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền”.

Có thể vì lẽ đó mà Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh cho rằng, có một nguyên lý được thừa nhận rộng rãi: “Quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền, quyền lực càng lớn thì nguy cơ lạm quyền càng cao, càng phải được kiểm soát. Nguy cơ tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan này còn nhiều hơn khi họ thực hiện các quyền hạn của mình”.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng (ảnh nhỏ) bị khởi tố liên quan tới các dự án đất đai.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng (ảnh nhỏ) bị khởi tố liên quan tới các dự án đất đai.

Bề nổi tảng băng

Luật Đất đai đã ra đời hơn 30 năm, với 5 lần sửa đổi, nhưng những kẽ hở đang tồn tại trong bộ luật này đang là mầm mống để tham nhũng, tiêu cực nảy nở. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại gửi tới cơ quan này. Thậm chí, các vụ án hình sự khởi tố các cán bộ lãnh đạo tỉnh, thành phố rúng động dư luận trong thời gian qua cũng đều “chạm” đến đất đai. Thực tế, đất công đang có rất nhiều cách để bị thâu tóm với giá rẻ, tại khắp các địa phương. 

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, công thức chung mà các lãnh đạo "dính chàm" hay dùng, là chấp thuận thay đổi chủ trương, chuyển nhượng quyền đầu tư dự án không qua đấu giá cho doanh nghiệp, ký các văn bản duyệt giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình xây dựng trên đất và xác định giá thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất… trái pháp luật. Gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, thiệt hại lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước.

Về nguyên tắc, quy định hiện hành yêu cầu nếu chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở để làm dự án thì phải trải qua đấu giá. Nhưng ở tỉnh Khánh Hòa, mọi thứ lại khác. Theo điều tra của Bộ Công an, từ năm 2014, các lãnh đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành 289 văn bản có nội dung vi phạm, trong đó chuyển đổi nhiều dự án BT không qua đấu giá hoặc giao đất rừng thành đất ở nông thôn... mà chưa có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các doanh nghiệp.

Chưa hết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa 2 nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 – 2020 đã không xem xét cho chủ trương 29 dự án theo thẩm quyền. Điều này đã khiến cho một loạt các doanh nghiệp bị “om đất” khóc ròng, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Hay để lách luật tinh vi hơn, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc thực hiện dự án do tỉnh giao chế cháo đất công bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để các doanh nghiệp này thâu tóm dần mà lại tránh được đấu giá đất theo quy định. Đó là thực tế đã áp dụng tại Bình Dương, trong đó, nổi bật là vụ án của Tổng Công ty 3/2.

Theo hồ sơ, Thường trực tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương cho Tổng Công ty 3/2 góp vốn hợp tác với Công ty Bất động sản Âu Lạc thành lập Công ty Tân Phú, để đầu tư dự án Khu đô thị - dịch vụ - thương mại Tân Phú trên khu đất 43ha. Nhưng sau đó, dự án này đã được Tân Phú mua lại với giá bèo. Đồng thời, Bình Dương giao đất năm 2012 nhưng áp giá năm 2006 đã gây thất thoát trên 106 tỷ đồng.

Một hình thức thâu tóm phổ biến khác, thường áp dụng tại những khu đất đắc địa tại nội đô các thành phố lớn, là tỉnh cho doanh nghiệp thuê đất (thường là 50 năm) với giá bèo và dần các khu vực "đất vàng" có thể nghiễm nhiên thành sản phẩm bất động sản có thể ở lâu dài, mà không cần trải qua đấu giá.

Theo Bộ Công an, năm 2016, ông Đào Công Thiên khi đó đang giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định giao đất, thuê đất ở khu vực có vị trí “vàng” trên đường Trần Phú cho Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang làm dự án Nha Trang Golden Gate với diện tích 20.112m2 không qua đấu thầu, đấu giá. 

Trên đây chỉ là một số "công thức sai phạm" của nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố đã bị khởi tố trong thời gian qua. Và cũng chỉ là phần nổi của nạn trục lợi đất công nói riêng, tài sản nhà nước nói chung mà thôi.

Vấn đề là, tại sao những sai phạm này không được phát hiện, hay được ngăn chặn sớm hơn, để quyền lợi nhà nước và nhân dân không bị xâm hại nghiêm trọng đến vậy? 

Theo Đời sống
Yến mạch thật giả lẫn lộn

Yến mạch thật giả lẫn lộn

Ngũ cốc yến mạch từ lâu đã được biết đến với nhiều công dụng bổ trợ sức khỏe như giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết,... Sản phẩm được nhiều người tin dùng dẫn tới việc yến mạch bị làm giả, chất lượng kém tràn lan trên thị trường.
back to top