Điều trị ung thư vú bằng liệu pháp nội tiết

(khoahocdoisong.vn) - Liệu pháp nội tiết đã được chứng minh hiệu quả đối với người bệnh ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính (ER), giúp giảm 40% tỷ lệ tái phát và 30% tỷ lệ tử vong, góp phần kéo dài thời gian sống và chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Điều trị trúng đích, giảm tác dụng phụ

TS.BS Nguyễn Hữu Phúc, Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, việc điều trị ung thư vú (UTV) đòi hỏi sự kết hợp đa mô thức giữa các phương pháp: Phẫu thuật, hoá chất, xạ trị, thuốc sinh học, liệu pháp miễn dịch, nhắm trúng đích và nội tiết.

Tùy vào giai đoạn bệnh và bản chất sinh học của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp nhất.

Với tuyến vú, hai nội tiết tố chính là estrogen và progesteron giúp cho vú phát triển, trưởng thành và tạo sữa.

TS.BS Nguyễn Hữu Phúc tư vấn cho người bệnh.

TS.BS Nguyễn Hữu Phúc tư vấn cho người bệnh. 

Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Hữu Phúc, estrogen cũng gây kích thích sự tăng trưởng của tế bào đột biến, khi gắn vào các thụ thể nội tiết ER sẽ làm các nhóm tế bào đột biến sinh sôi, phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát của cơ thể và gây ra UTV.

“Liệu pháp nội tiết hiện đang là một trong những “vũ khí” điều trị góp phần cứu lấy hàng triệu phụ nữ mắc UTV có thụ thể nội tiết dương tính. Đây là một dạng điều trị nhắm trúng đích với tác dụng phụ nhẹ, giúp hỗ trợ quá trình điều trị sau phẫu thuật cắt bỏ khối u”, TS.BS Nguyễn Hữu Phúc cho biết.

Tùy vào độ tuổi, tình trạng kinh nguyệt và phân nhóm nguy cơ, các bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc nội tiết khác nhau, giúp vô hiệu hóa hoặc làm giảm nồng độ của estrogen trong cơ thể, từ đó ngăn ngừa ung thư tiến triển hoặc tái phát.

Một số nghiên cứu cho thấy, thụ thể nội tiết dương tính chiếm khoảng 65 - 75% trường hợp người bệnh UTV. Người bệnh càng lớn tuổi càng có nhiều thụ thể dương tính. Đây là đối tượng được hưởng lợi nhiều hơn từ liệu pháp nội tiết.

Điều trị ung thư vú bằng nội tiết phải kéo dài

“Điều trị UTV bằng liệu pháp nội tiết nên kéo dài ít nhất 5 năm. Tương tự các phương pháp điều trị khác, liệu pháp này cũng có một số tác dụng phụ như xuất hiện các cơn bốc hỏa, đau khớp, loãng xương… Một số người bệnh vì lo lắng khi gặp tác dụng phụ đã tự ý ngưng sử dụng khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ, làm giảm hiệu quả và gián đoạn quá trình điều trị”, TS.BS Nguyễn Hữu Phúc khuyến cáo.

Bên cạnh đó, tầm soát và phát hiện sớm UTV góp phần quan trọng trong việc đem lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Chị em phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ, tầm soát UTV bằng các biện pháp như chụp nhũ ảnh, siêu âm, MRI…; đặc biệt, người có nguy cơ cao như gia đình có tiền sử mắc UTV, người trên 40 tuổi, hành kinh sớm, từng xạ trị vùng ngực…

Người phụ nữ nên sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú. (Ảnh minh họa)

Người phụ nữ nên sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, chị em phụ nữ có thể chủ động tầm soát UTV cho bản thân bằng cách sử dụng lòng bàn tay kiểm tra vú để phát hiện sớm các khối u, cục hoặc tình trạng chảy dịch từ trong núm vú. Nên thực hiện phương pháp này vào ngày thứ 10 của chu kỳ kinh nguyệt để có kết quả chính xác nhất. Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, nên nhanh chóng đến khám chuyên khoa vú để được kiểm tra, tư vấn và điều trị kịp thời.

Ung thư vú hiện đang là gánh nặng toàn cầu khi luôn dẫn đầu về số ca mắc mới và tử vong, là loại ung thư phổ biến nhất tại châu Á. Theo số liệu của Globocan 2020, mỗi năm Việt Nam có hơn 21.000 phụ nữ mắc UTV mới, trong đó có hơn 9.000 ca tử vong.

Một số nghiên cứu dịch tễ tại TP.HCM cũng cho thấy, UTV là loại ung thư thường gặp, chiếm hơn gần 24% với tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi là 31,9/100.000 phụ nữ. Bệnh đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top