Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, số dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN là 146 dự án với tổng công suất hơn 8.100MW. Khi giá FIT cho điện gió hết hạn vào ngày 31/10/2021, có tổng cộng 84 nhà máy điện gió với tổng công suất 3.980,27MW được công nhận vận hành thương mại COD. Như vậy, số còn lại đã không kịp vận hành trước mốc thời gian này.
Vận chuyển, thi công điện gió gặp nhiều khó khăn vì Covid-19. |
Nhiều chủ đầu tư đã bỏ hàng nghìn tỷ đồng ra làm dự án, nhưng việc không kịp COD đã khiến các dự án này lâm cảnh "điêu đứng". Đến nay, cơ chế cho các dự án thuộc diện này vẫn còn chưa rõ.
Trong văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành mới đây, đại diện Công ty CP ĐT&PT Phong điện Gia Lai cho biết: Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam đã gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Vì lý do bất khả kháng này nên dù đã rất cố gắng nhưng chỉ 1/25 Trụ (4% công suất điện gió của Công ty được công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg và 24 Trụ (96%) còn lại đã hoàn thành nhưng hiện chưa được COD do chưa có chính sách tiếp theo cho điện gió.
Công ty CP Điện gió Hanbaram (Ninh Thuận) cũng lâm cảnh tương tự. Gửi văn bản ‘kêu cứu’ đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, công ty này cho biết, nhà máy điện gió Hanbaram có công suất 117MW với 29/29 trụ Tuabin, khởi công từ tháng 10/2020, đến ngày 31/10/2021 đã lắp đặt và kết nối 29/29 Trụ Tuabin; Hoàn thành toàn bộ đường dây và Trạm biến áp đấu nối lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chỉ 6/29 Trụ (20% công suất) của nhà máy được công nhận COD trước thời điểm 31/10/2021 để hưởng giá FIT ưu đãi theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg, còn 23 Trụ (80%) đã hoàn thành nhưng chưa được công nhận COD do Quyết định 39 hết thời hạn và chưa có chính sách tiếp theo.
Nhiều trụ điện gió đang chờ... giá sau khi giá FIT hết hạn. |
Theo các nhà đầu tư, việc chậm hoàn thành các thủ tục để được công nhận COD là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như thế giới và một số nguyên nhân khách quan khác. Đơn cử như vào tháng 3/2021, tàu container Ever Given mắc cạn tại kênh đào Suez ở Ai Cập đã làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển toàn cầu, trong đó có thiết bị điện gió về Việt Nam. Mặc dù đã chủ đầu tư đã cố gắng thu xếp để hàng về cảng Cát Lái (TPHCM) vào tháng 5/2021 nhưng ngay sau đó, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh mẽ, TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nên đến tháng 9/2021, thiết bị mới ra được khỏi cảng. Quá trình vận chuyển thiết bị từ TPHCM đi Ninh Thuận, Gia Lai cũng như huy động nhân lực thi công, lắp đặt cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, quá trình đưa chuyên gia từ nước ngoài sang Việt Nam cũng cực kỳ phức tạp, với các quy định phòng chống dịch ngặt nghèo ở nhiều nơi khiến thời gian tăng lên từ 6 tuần lên đến 10 tuần.
Ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Năng lượng Viên An Cà Mau cho rằng: Triển khai xây dựng dự án đúng vào đợt Covid-19 bùng phát mạnh nhất nên nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc để có thể đến công trường tương đối khó khăn. Chẳng hạn việc vận chuyển tuabin từ nước ngoài về phải qua rất nhiều khâu kiểm dịch, sau đó tập trung tại cảng Đá Son, Vũng Tàu. Để kiểm soát được thiết bị thì cần con người, nhưng việc đưa cán bộ kỹ thuật vào tương đối khó khăn do tỉnh có những quy định gắt gao.
Gần 40 dự án khác như Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai, Yang Trung (Gia Lai), Công ty Điện gió Hoà Đông 2, Công ty Điện gió Lạc Hoà 2… cũng đang lâm cảnh tương tự vì tác động của đại dịch Covid-19.
Các chủ đầu tư này cho rằng nếu không có chính sách tháo gỡ kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thì không chỉ có chủ đầu tư mà các nhà thầu trong nước và quốc tế có nguy cơ phá sản. Nhiều chủ đầu tư kiến nghị, Chính phủ sớm xem xét gia hạn Quyết định 39 thêm từ 3 - 6 tháng để các nhà máy hoàn thiện thử nghiệm COD. Sau thời gian này, các chủ đầu tư mà không thể hoàn thành thì họ cũng “tâm phục, khẩu phục”.
Nhìn câu chuyện về giá FIT cho dự án điện gió, phát biểu tại tọa đàm do Theleader tổ chức, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo cho rằng: Trong trường hợp bất khả kháng, ngoài tầm kiểm soát, cần phải có sự hỗ trợ, chia sẻ rủi ro với các nhà đầu tư, như Nhà nước gia hạn giá FIT, đề ra cơ chế cho nhà đầu tư an tâm. Bởi vì đầu tư cho năng lượng gió rất lớn, không được đấu nối phát điện thì lãng phí, gây thiệt hại với cả nhà đầu tư lẫn nền kinh tế, xã hội. Hiện nay nhiều đề xuất đưa ra nhưng làm thế nào vẫn chưa rõ. Nhà đầu tư bất an, lo lắng vì phát sinh những việc ngoài tầm kiểm soát…
Dự án điện mặt trời hoàn thành từ 2020 vẫn chưa có giá
Theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nam, hiện doanh thu của dự án điện mặt trời 450MW Trung Nam - Thuận Nam chỉ xác định được một phần do giá bán điện chỉ được xác định đối với phần công suất tạm tính thuộc quy mô 2.000MW điện mặt trời (khoảng 277,88/450MW) theo Nghị quyết 115/NQ-CP.
Đối với phần công suất còn lại (172,12MW) của dự án vẫn chưa xác định được giá bán điện cụ thể làm cơ sở thanh toán, dẫn đến gây khó khăn và áp lực rất lớn cho nhà đầu tư trong việc chi trả lãi vay cho ngân hàng theo phương án tài chính đã được phê duyệt.
UBND tỉnh Ninh Thuận, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội kiến nghị tiếp tục huy động lượng điện sản xuất ra từ các nhà máy này, bởi chủ đầu tư dự án vẫn tham gia hỗ trợ truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và chịu chi phí truyền tải cho Trạm biến áp 500KV Thuận Nam.