62 dự án điện gió không được hưởng giá FIT: Nguy cơ tài sản “chết”, doanh nghiệp đứng ngồi không yên

"Khoảng trống" chính sách và độ rủi ro cao trong đầu tư đang khiến các nhà đầu tư e ngại về các dự án điện gió. Nếu không có biên lợi nhuận phù hợp, rất khó kêu gọi đầu tư điện gió. Đây là thông tin từ Tọa đàm "Đầu tư điện gió trong bối cảnh mới" do TheLEADER mới tổ chức.

Lỗi khách quan

Dự án nhà máy điện gió Viên An có công suất 50MW, do Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư trên 2.411 tỷ đồng xây dựng trên địa bàn xã Nguyên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau là một trong 62 dự án “chậm chân”, không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi giờ chót.        

Lý giải nguyên nhân chậm trễ này, ông Trịnh Đức Trường Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV năng lượng Viên An cho biết, khi xây dựng triển khai thì đúng vào đợt Covid-19 phát triển mạnh nhất, nguồn nhân lực, thiết bị, máy móc để có thể đến công trường tương đối khó khăn.

Thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án như vận chuyển tuabin cũng tốn rất nhiều thời gian. Về đến cảng phải chịu thời gian kiểm dịch.

Hết kiểm dịch đến kiểm soát. Tuabin tập trung tại cảng Đá Son, Vũng Tàu để cán bộ kỹ thuật kiểm tra. Nhưng cán bộ kỹ thuật muốn vào lại phải xin phép tỉnh, yêu cầu xét nghiệm, lưu trú trên 14 ngày…

Đó là chưa kể, trong quá trình thi công trên biển, việc test 3 ngày/lần cũng tạo gánh nặng chi phí và kéo dài thời gian đi lại.

“Tất cả những khó khăn trên đều kéo dài thời gian thi công”, ông Sơn cho biết.

Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp là nếu không được hưởng ưu đãi giá FIT, các tính toán về đầu tư và hoàn vốn của dự án theo kế hoạch không thể thực hiện được. Từ đó, doanh nghiệp cũng không thể triển khai các bước tiếp theo của dự án.

Tình trạng trên không chỉ là riêng của Viên An, đó là những bất an của chủ đầu tư 62 dự án điện gió không thể có COD trước 31/10.

Nhìn nhận vấn đề trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia năng lượng, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, nếu không được phát điện, không được COD, không được đấu nối sẽ trở thành một nguồn tài sản “chết”, thiệt hại không những đối với nhà đầu tư rất mà còn gây thiệt hại về mặt kinh tế xã hội.

Khoảng trống chính sách

Theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, ngày 31/10 là hạn cuối để nhà máy điện gió được cấp COD, có thể phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia với giá ưu đãi.

Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng kể từ thời hạn đó trôi qua, đến nay vẫn chưa rõ các dự án không được hưởng giá FIT sẽ bán điện với mức giá nào.

Tại nghị trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết đang xây dựng cơ chế giá đấu thầu để thay thế cho biểu giá FIT.

Nói rõ hơn ý của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, ông Trần Đăng Khoa, Trưởng ban Thị trường điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trên thế giới, đấu thầu là bước sau của giá FIT trong chuỗi khuyến khích đầu tư điện gió, khắc phục khiếm khuyết của cơ chế giá FIT.

Nhưng đến nay, biểu giá FIT đã dừng từ lâu, nhưng cơ chế mới thì Bộ Công Thương vẫn “đang xây dựng”.

Tuy nhiên, theo ông Khoa, việc xây dựng cơ chế đấu thầu rất khó. Ví dụ, đơn giản, khi tham gia thị trường điện, việc đấu thầu phải được thực hiện trước thời điểm giao hàng diễn ra. Tức là thị trường điện sẽ thực hiện đấu thầu cho 24 tiếng của ngày kế tiếp.

Và trong khoảng thời gian này nhà đầu tư không được thay đổi bản chào. Phương án này không thể áp dụng được cho điện gió và điện mặt trời vì bức xạ và tốc độ gió có thể thay đổi.

Doanh nghiệp điện gió đi đâu, về đâu?

Trên tư cách doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Hạ tầng Gelex, đơn vị may mắn có 5 dự án được cấp COD trước 31/10 cho rằng, với việc không rõ ràng về cơ chế giá này, nhà nước đang tạo rủi ro rất lớn cho doanh nghiệp và có khả năng khiến thị trường điện gió sụp đổ.

Bởi ngay từ đầu, trong khi bàn về đấu thầu, không hề nhắc đến cơ chế về đàm phán giá điện dự kiến và nếu có thì được áp dụng cho trường hợp nào?

Trong khi đó, với nhà đầu tư, nội dung này rất quan trọng. Cụ thể, ông Long cho rằng, người ra quyết định đầu tư phải lên một bài toán và đặt ra các kịch bản. Dù có chuẩn bị tốt, người ra quyết định đầu tư vẫn phải đặt ra giả định rằng sau thời điểm đó, nếu như không đạt thì sao, đó là một khoảng trống mà không có người ra quyết định đầu tư trả lời được.

Thứ hai, bên tài trợ vốn như ngân hàng, họ cũng phân tích lộ trình trả nợ của người đi vay. Mọi thứ sẽ thuận lợi nếu nhà đầu tư có thể hoàn thiện dự án đúng lộ trình.

“Nhưng nếu không đúng tiến độ, thì sao?”, ông Long đặt câu hỏi.

Nhà đầu tư muốn có vốn cho dự án thì phải vay ngân hàng. Ngân hàng đồng ý cho vay vì có tài sản đảm bảo và phương án trả nợ rõ ràng.

Trong trường hợp cho vay nhưng không được phát điện, hoặc phát điện được nhưng không mua, giá bằng 0 thì thế nào?

Trường hợp này, ông Long cho rằng, nhà đầu tư phải có đủ tài sản để trả lại vốn cho ngân hàng. Nhà đầu tư lúc đó phải đầu tư toàn bộ bằng vốn chủ sở hữu, rủi ro cực kỳ lớn.

Do đó, nhà đầu tư hiện nay đang đặt niềm tin vào nhà làm chính sách, hy vọng nếu không kịp tiến độ thì có chính sách hỗ trợ để “trụ” được, hoặc hòa vốn.

Lưu ý rằng, bài toán đầu tư điện gió tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà đầu tư đã chấp nhận rủi ro, vừa làm vừa tính, vừa sửa, chấp nhận bỏ tiền trước với hy vọng sẽ kịp tiến độ. Nếu làm không được thì hệ quả rất lớn.

Trong khi đó, nhà làm chính sách hiện nay đề ra những cơ chế hỗ trợ có thời hạn. Nhưng sau thời hạn đó thì không có thông tin gì. “Chúng tôi nhận thấy vẫn có điểm bất cập gồm đưa ra các mốc, nhưng sau các mốc đó thì không có dữ kiện gì. Từ các mốc đó sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy sau đó mà nhìn bên ngoài sẽ khó thấy hết. Thứ hai, khung chính sách chưa rõ. Thứ ba là công nghệ kỹ thuật”, ông Long nói.

Hệ quả, đối với các dự án chậm tiến độ với tổng công suất khoảng hơn 2GW mặc dù đã triển khai và đăng ký COD nhưng chưa rõ sẽ xử lý thế nào.

Về đề xuất chính sách, từ góc độ nhà đầu tư, bên cạnh bức tranh của ngành, quan trọng là cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro. Vừa qua, lợi nhuận kỳ vọng khá tốt bù được rủi ro, đó là trước mắt. Tuy nhiên sau đó, nếu giá FIT giảm sâu và sát với thế giới, dẫn tới biên lợi nhuận nhỏ, thì nhà đầu tư cần rủi ro cũng phải giảm tương tự.

“Nếu mức giá về ngưỡng quá thấp thì sẽ tạo dấu ấn rất xấu cho thị trường đầu tư ở Việt Nam. Do đó, tôi nghĩ nhà làm chính sách nên cân nhắc điều đó”, ông Long nói.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, cũng như ngành giao thông, biên lợi nhuận ngày càng giảm nhưng rủi ro vẫn cao thì nhà đầu tư buộc phải rút lui. Nên để khuyến khích đầu tư, cần phải chia ra nhiều phân khúc, cơ chế riêng cho các vùng, loại trong năng lượng tái tạo. Phân khúc rủi ro cao thì biên lợi nhuận phải cao. Phân khúc rủi ro thấp, biên lợi nhuận thấp hơn. Hay cơ chế cho miền Nam khác, miền Bắc khác. Điều này sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top