Dịch vụ tài chính kỹ thuật số: Cơ hội và thách thức cho người tiêu dùng

Tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam đang góp phần tác động đáng kể làm thay đổi dịch vụ ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... và mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho người tiêu dùng.
tai-chinh-so.jpg
Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số làm thay đổi hành vi của người sử dụng. Ảnh minh họa.

Số lượng vi phạm, tố cáo ngày càng tăng

Hưởng ứng Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới năm 2022, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng”. Hội thảo góp phần thúc đẩy hoạt động tài chính kỹ thuật số công bằng giữa các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng.

Hiện nay, xu hướng chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính đã trở nên ngày càng phổ biến tại nhiều quốc gia. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số tại Việt Nam, mặc dù đang còn ở quy mô tương đối nhỏ, đã đem tới những tác động đáng kể đối với dịch vụ ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm... làm thay đổi hành vi của người sử dụng các dịch vụ này, cũng như cấu trúc hoạt động và vận hành của các tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính liên quan.

Bên cạnh những cơ hội và lợi ích mang lại, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số như thanh toán, tín dụng, tiết kiệm... có thể tạo ra các thách thức và rủi ro cho người sử dụng do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Tuy nhiên, nhận thức và kiến thức về vấn đề này của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay nói chung còn rất hạn chế.

Năm 2022, Tổ chức người tiêu dùng quốc tế (CI) đã đưa ra chủ đề cho Ngày Quyền của Người tiêu dùng Thế giới (WCRD) là “Tài chính kỹ thuật số công bằng” nhằm thúc đẩy phong trào người tiêu dùng toàn cầu và nâng cao nhận thức về tài chính kỹ thuật số công bằng, bao trùm, an toàn, dữ liệu được bảo vệ và riêng tư cho tất cả mọi người.

Sự phát triển của công nghệ và sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đặt ra những yêu cầu mới đối với vấn đề bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính (FCP) đặc biệt là các hoạt động liên quan đến dịch vụ tài chính kỹ thuật số.

Ông Trần Văn Học, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam (VINASTAQ) cho biết: Tại Việt Nam hiện nay FCP mới chỉ được chú trọng trong những năm gần đây. Số lượng khiếu nại, tố cáo về vi phạm lợi ích người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính không ngừng gia tăng, trong khi các quy định pháp luật đối với bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, đặc biệt là dịch vụ tài chính số chưa mang tính đặc thù, các cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng chưa được chú trọng.

tai-chinh-so(1).jpg
Hội thảo “Dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng”.

Nâng cao nhận thức về tài chính kỹ thuật số

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tại 6 quốc gia khu vực châu Á (Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Việt Nam), hiện nay, hoạt động bảo vệ người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở Việt Nam được đánh giá là khá sơ khai (chỉ đáp ứng 2/6 tiêu chí đánh giá).

Để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, ông Trần Văn Học cho rằng, các bên phải cùng nhau xây dựng một nền tảng tài chính kỹ thuật số công bằng đem lại lợi ích cho tất cả các bên, lấy người tiêu dùng làm trung tâm. Các dịch vụ tài chính kỹ thuật số công bằng cần được củng cố bởi chính sách lấy người tiêu dùng làm trung tâm và các hệ thống đáng tin cậy. Việc thiết kế và phân phối các sản phẩm và dịch vụ phải được người tiêu dùng và đại diện của họ thông báo. Hệ sinh thái tài chính kỹ thuật số phải mang lại giá trị tốt hơn và tạo ra sức khỏe tài chính và khả năng phục hồi cho mọi người, bất kể họ ở đâu.

Bà Phạm Thị Hương Giang, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam cho rằng, cần tăng cường tính minh bạch thông tin cho môi trường dịch vụ tài chính kỹ thuật số (DVTCKTS). Cụ thể, cần hướng tới việc cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin về lợi ích, rủi ro và các điều khoản, điều kiện cơ bản của DVTCKTS. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của các chủ thể và các bên liên quan tham gia vào việc cung cấp các DVTCKTS cung cấp dịch vụ.

Đồng quan điểm, ông Đặng Mạnh Phổ, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/JTC1/SC17- “Thẻ thông minh” cho rằng, nhân tố thúc đẩy cơ hội và tăng cường bảo vệ cho người tiêu dùng DVTCKTS là nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về DVTCKTS. Cần có chiến lược về tăng cường hiểu biết, nhận thức về DVTCKTS. Đa dạng hóa hình thức và các kênh thông tin nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về DVTCKTS. Tăng cường tuyên truyền các nội dung pháp luật liên quan đến DVTCKTS...

Theo ông Đặng Mạnh Phổ, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định và thể chế, trong đó có việc tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực DVTCKYS. Các tiêu chuẩn thích hợp và chính xác về DVTCKTS là rất quan trọng. Cần tăng cường năng lực của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng DVTCKTS như trang bị đủ kiến thức về thị trường DVTCKTS và các công cụ, phương pháp quản lý, giám sát cho các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng. Các tổ chức cung cấp DVTCKTS phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin, kiến thức về các hành vi gian lận cho khách hàng, nhằm giúp người tiêu dùng có cơ chế tự bảo vệ và duy trì tin tưởng vào sự an toàn của DVTCKTS.

Trang eastspring.com (của Eastspring Investments thuộc Prudential plc, một tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu hoạt động tập trung tại châu Á) tháng 2/2022 nhận định, giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bằng kỹ thuật số. Nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam có khả năng giúp đưa đất nước trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030. Tầng lớp thu nhập trung bình có thu nhập trên 700USD/tháng ước tính chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030.

Theo VietnamDaily
back to top