Đi đúng hướng, Việt Nam sẽ là cường quốc nông nghiệp!

Chưa bao giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại đáng lo ngại như hiện nay. Nhiều người bi quan đã gọi nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp ung thư. Tuy nhiên, theo GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, vấn đề này sẽ được giải quyết nếu chúng ta tìm được mô hình phù hợp cho nông nghiệp.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tran-dinh-long-300x209.jpg

GS.VS Trần Đình Long.

Ở khâu nào kiểm soát cũng kém

Có người gọi nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp ung thư: đất bị hóa chất làm suy kiệt, nguồn nước nhiễm độc, nông sản, thực phẩm không an toàn, thành ám ảnh nỗi lo ung thư… Là một nhà khoa học nông nghiệp ông nghĩ gì về điều này?

Đó là sự cảnh báo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực ra nền nông nghiệp của ta có nhiều thành tựu lắm chứ, 12 mặt hàng đứng đầu thế giới về xuất khẩu, kim ngạch trên 30 tỷ USD.

Vấn đề là xuất nhiều đấy nhưng hiệu quả chưa cao. Cà phê thì nhất nhì về năng suất, số lượng, nhưng giá trị thấp. Đã đến lúc nền nông nghiệp số lượng phải chuyển sang chất lượng.

Chất lượng là giá trị của nông sản phải cao lên, phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và môi trường. Các nước họ yêu cầu rất cao về an toàn. Nông sản muốn sang Nhật phải đáp ứng trên 100 chỉ số an toàn.

Tại sao các nước có các chỉ tiêu an toàn như thế mà mình lại không có, thưa ông?

Có nhưng không kiểm soát được. Ở nhà làm rồi mang ra chợ bán thì không yêu cầu cao. Xuất khẩu mới yêu cầu phải kiểm tra có chất cấm hay không, có vi sinh vật gây hại không, rồi phải chiếu xạ…

Mặt khác có tình trạng quy định là thế nhưng người ta không tuân theo. Người sản xuất thì tùy tiện, cơ quan quản lý thì không kiểm soát được.

Có thể nói thực phẩm bẩn là do kiểm soát kém?

Thực phẩm bẩn là từ sản xuất, nuôi trồng, rồi sau thu hoạch, chế biến, bảo quản… Có ba bộ phải chịu trách nhiệm chính là Nông nghiệp, Công thương và Y tế. Nhưng ở khâu nào kiểm soát cũng kém.

Ví dụ, đau lòng là các sản phẩm nông nghiệp từ sạch biến thành bẩn như: Nhồi nước và chất bẩn vào trâu, bò, lợn, gà, ngan, ngỗng… kể cả tôm mà cơ quan thú y vẫn đóng dấu thực phẩm được kiểm dịch – như vậy là lỗi cả cơ quan quản lý và những người chế biến, buôn bán không có lương tâm.

Vấn đề thể chế nông thôn là quan trọng nhất, nhưng thử hỏi đã có chính sách nào cho nông nghiệp để giải quyết tận gốc vấn đề cho nông dân không. Nếu thể chế nông thôn làm tốt thì lợi nhuận nông dân phải được nhiều chứ. So với trước thì đời sống nông dân cũng có lên, nhưng so với hiện tại, với các tầng lớp khác thì họ quá thiệt thòi.

Thiệt thòi nhất vẫn là nông dân

Vừa rồi Vingroup đã đầu tư rất lớn vào sản xuất nông sản sạch. Đây có phải là tín hiệu đáng mừng?

Hiện đã có một số mô hình tốt, nhưng thực chất mới có 1% doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông nghiệp. Một đất nước với 70% dân số làm nông nghiệp và với một diện tích lớn như thế mà mới chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư thì chưa thấm vào đâu cả. Muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền nông nghiệp thì một vài doanh nghiệp không làm được.

Chúng ta vẫn xác định nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nhưng đầu tư cho nó lại chưa xứng tầm?

Đầu tư GDP cho nông nghiệp vẫn thấp nhất, khoảng 6%. Thế thì làm sao mà phát triển được. Một năm mấy sào ruộng được mấy trăm nghìn làm sao sống được. Một cân thóc nông dân làm ra, anh lưu thông phân phối buôn bán được hưởng tới 40%, nông dân không được 10%. Như vậy thì ai người ta muốn làm.

Thử hỏi nếu nông dân bỏ lúa thì đất nước này sẽ thế nào? Nhưng nếu nằm trong chuỗi liên kết, nông dân không bán hạt cà phê nữa, mà bán một cốc cà phê thì lợi nhuận mới cao. Chứ như bây giờ thiệt thòi nhất là nông dân.

Nhưng nông dân cũng làm ẩu quá, trồng riêng rau để mình ăn, còn rau để bán thì phun thuốc!

Vì là hộ nhỏ lẻ nên họ tự quyết định trồng cây gì nuôi con gì, phun thuốc gì…Nhiều sâu thì người ta phun, sâu không chết thì lại trộn 2, 3 loại vào. Làm sao quản lý được?

Muốn giải quyết thì phải làm toàn diện. Vì một vài ông làm sạch, những ông khác vẫn phun thuốc, rồi cùng mang ra chợ bán cả. Ai kiểm soát cái này?

Ở Hà Nội, có mấy vùng trồng rau an toàn, lúc đầu thì an toàn thật rồi sau không kiểm soát được thì lấy cả rau bẩn vào. Nhưng nếu anh tập hợp lại thành tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp, làm theo chuỗi thì người ta không cho làm thế đâu.

Không cẩn thận sẽ chỉ là nền nông nghiệp gia công

Vậy phải có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp?

Muốn đưa nền nông nghiệp lên nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp chất lượng, an toàn thì phải có doanh nghiệp nông nghiệp, phải có luật riêng của nó.

Nông dân góp đất, đóng cổ phần…chứ không phải vài ông góp vốn rồi lấy sản phẩm của nông dân chế biến thêm vào bán ra có lãi. Nhà nước hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ về KHKT, tập huấn, tiếp xúc thương mại… thì mới làm được. Vấn đề này nhìn thấy được nhưng thực hiện không phải dễ.

Không dễ? Theo ông khó khăn nằm ở đâu?

Muốn phát triển thì mô hình kinh tế phải thay đổi. Trước tiên phải giải quyết vấn đề về hình thức tổ chức sản xuất. Có hình thức tổ chức rồi thì mới nói đến nông nghiệp công nghệ cao được.

Ta hội nhập rất sâu rồi, nếu không đưa nông nghiệp lên tầm cao để cạnh tranh được thì sẽ thất bại. Không cẩn thận sẽ chỉ là một nền nông nghiệp gia công: thuốc trừ sâu, phân bón, giống, vật tư… nhập hết. Mình chỉ là người gia công.

Ta đã có những mô hình tốt, tại sao không triển khai rộng được?

Hiện đang có một số mô hình tốt đấy nhưng để làm lên tầm cỡ cao hơn thì không phải dễ. Trong nông nghiệp hàng hóa doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh được. Vấn đề ở đây là phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phải xác định được thể chế kinh tế.

Doanh nghiệp muốn có đất nhưng làm sao có, nông dân có đất nhưng chưa biết cách làm ra lợi nhuận cao. Hai bên chưa ngồi được với nhau.

Trước kia có mô hình hợp tác xã, mọi tiến bộ KHKT đưa vào hợp tác xã là xong ngay. Sau chuyển qua hộ gia đình. Hộ gia đình đã giải quyết tốt vấn đề thiếu lương thực, nhưng giờ là nông nghiệp hàng hóa thì hộ gia đình không làm nổi. Một hộ không thể xuất khẩu được.

Một số nơi đã có mô hình HTX kiểu mới?

HTX kiểu mới cũng có nhiều điển hình tốt, nhưng cần có sự thay đổi về bản chất: Sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, xây dựng thương hiệu hàng hóa và phải thực hiện quản trị như một công ty cổ phần, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, theo ngành hàng, người nông dân phải là cổ đông.

Phải làm quy mô lớn để hạ giá thành, rồi xuất khẩu một phần, còn lại để bán trong nước thì mọi người dân mới mua được. Chứ nếu làm ít, manh mún như thế này, giá cao gấp đôi, gấp rưỡi, thì người dân làm sao mua được. Vì làm theo mô hình này nên ở các nước vào siêu thị mua hàng rẻ hơn ở ngoài. Việt Nam thì ngược lại, người dân chủ yếu mua ngoài chợ.

Theo ông có thể hy vọng sớm giải quyết được vấn đề này?

Thực ra đây là nói thực trạng, chứ nếu có người lãnh đạo tâm huyết và mọi người dân cùng nhảy vào cuộc  thì vẫn xoay chuyển được. Cũng như người chủ gia đình vậy. Tại sao trên đám ruộng ấy ông nông dân này thu cả tỉ đồng, còn ông kia lại lỗ. Người lãnh đạo phải tâm huyết. Chứ cứ được mùa rớt giá suốt 20 năm nay mà ông không phải chịu trách nhiệm gì thì không được.

Nhiều nước rất thèm được những điều kiện về đất đai, khí hậu như của ta đấy. Thế nên tôi tin chắc rằng nếu đi đúng hướng thì chỉ đến năm 2030 – 2050 Việt Nam sẽ là một cường quốc về nông nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top