Người dân mong chờ
Mới đây, tại khu vực kênh Đôi, quận 8, TPHCM, chúng tôi chứng kiến cảnh người dân chen chúc sống trong những căn nhà tạm bợ được xây dựng trên con kênh. Ở nhiều đoạn nhà bên bờ kênh này có thể bước qua nhà bờ kênh bên kia. Dưới dòng kênh rác ngập ngụa.
Theo anh Nguyễn Văn Long, một người dân có nhà nằm trên kênh Đôi, năm 2016 - 2017 khi nghe thông tin giải tỏa nhà ven kênh, rạch để chỉnh trang đô thị người dân đã rất mừng vì sắp được đổi đời, được lên “bờ” không phải ngửi mùi hôi thối từ dòng kênh bốc lên. Tại thời điểm đó, có nhà đầu tư đến khảo sát, chính quyền địa phương cũng đã phát phiếu khảo sát, yêu cầu người dân khai báo về nhân khẩu. Tuy nhiên từ đó đến nay không thấy dự án khởi động.
Còn tại khu vực nhà ven Kênh Tẻ, quận 4, TPHCM hầu hết các căn nhà ven kênh được xây dựng tạm bợ với kết cấu mái và các vách xung quanh chắp vá bằng tôn. Trong căn nhà lụp xụp chừng 10m2, bà Hồng (52 tuổi) cho biết, điều kiện sống của gia đình rất khó khăn. Trời mưa thì dột, nắng thì nóng ran người. Thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cuộc sống, không có tiền để sửa chữa nhà.
“Bất kể trời mưa hay nắng thì cũng phải sống chung mùi hôi từ rác và nước thải ứ đọng dưới kênh bốc lên. Căn nhà chỉ 10m2 này là nơi sinh sống của 6 người trong gia đình tôi. Mong thành phố sớm có chính sách để gia đình được di dời đi nơi khác, các cháu có điều kiện đến trường”, bà Hồng nói.
Sống tại căn nhà ẩm thấp trên rạch Văn Thánh, trục đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh gần 20 năm, bà Thủy (45 tuổi) cho hay, vì dựng tạm bợ nên căn nhà nhiều lần xuống cấp, gia đình bà phải dùng ván chắp vá. Mùa mưa nước ngập vào nhà.
“Nhiều năm qua tôi cứ nghe nói chính quyền sẽ có chính sách giải toả cho các hộ dân sống ven rạch khu vực này, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Gia đình mong sớm được di dời để cuộc sống tốt hơn, chứ nhà này chỉ sống tạm thôi chứ không ở lâu dài được”, bà Thủy chia sẻ.
Hiện nay, trên địa bàn TPHCM đang có 2.953 tuyến sông, kênh, rạch. Tuy nhiên đa số các con sông, kênh rạch đều bị người dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa. Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, trên địa bàn TPHCM có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8 (gần 10.000 căn), quận Bình Thạnh (hơn 1.800 căn), quận 7 (hơn 1.700 căn), quận 4 (hơn 1.600 căn)...
Tính đến cuối năm 2019, TPHCM chỉ mới di dời được 2.467 căn nhà trên và ven kênh, rạch. |
Nhưng kế hoạch “vỡ trận”
TPHCM phấn đấu giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản hoàn tất di dời 21.851 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch. Để thực hiện, UBND TPHCM có kế hoạch thực hiện 65 dự án, với tổng kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư ước tính hơn 44.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách là 22.000 tỷ đồng, vốn xã hội hóa khoảng 19.000 tỷ đồng và còn lại từ các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị. TPHCM sẽ ưu tiên triển khai các dự án di dời, cải tạo bờ nam kênh Đôi, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, hồ Song Tân, rạch Bần Đôn…
Dù kế hoạch đề ra quá “hoành tráng”, nhưng đến cuối năm 2019, toàn TPHCM hiện mới di dời được 2.467 hộ gia đình trong mục tiêu di dời 21.851 hộ trên và ven kênh, rạch.
Trước đó, thành phố đã tổ chức hội nghị quốc tế kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án cải tạo, di dời nhà trên và ven kênh rạch. Nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước đã tham gia hội nghị, tìm kiếm cơ hội đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được triển khai. Lãnh đạo UBND TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, kết quả di dời nhà trên và ven kênh rạch còn khiêm tốn, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách, chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách hoặc vốn ODA.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tiến độ thực hiện chậm. Hiện nay, tỷ lệ ngân sách TPHCM được giữ lại giảm từ 23% còn 18%, trong khi phải cân đối cho nhiều chương trình đột phá khác như: giảm ùn tắc giao thông, chống ngập nước, ô nhiễm môi trường. Đồng thời từ năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã chấm dứt cho vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Trong khi đó, những tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ không thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc quỹ đất dọc kênh có giá trị thương mại không cao nên chưa hấp dẫn nhà đầu tư. TPHCM cũng không còn nhiều quỹ đất công có giá trị lớn thanh toán cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vốn đầu tư dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch lớn, thời gian thực hiện lâu, không có nhiều nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm. Chi phí bồi thường hỗ trợ tái định cư trung bình từ 1,5 - 2,6 tỷ đồng/căn. Để giải quyết bài toán này, thành phố cũng đã đề ra nhiệm vụ năm 2020 - 2025 sẽ xây dựng 20.000 căn hộ tái định cư. Ngoài ra, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM thí điểm rút ngắn quy trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Điều này hy vọng sẽ tháo nút thắt bế tắc lâu nay khi tiến hành giải phóng mặt bằng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM: “Hiện nay, nhà đầu tư tự đi thương lượng giải phóng mặt bằng họ rất ngán, nhưng nay nhà nước đi giải phóng mặt bằng bằng tiền ứng trước của doanh nghiệp, sau đó giao dự án cho nhà đầu tư và giao đất đối ứng thì họ rất phấn khởi. Vấn đề là Nhà nước quy hoạch và xác định bao nhiêu dự án bởi hiện nay quỹ đất ven kênh rạch có thể lên đến 500ha. Cần làm theo kiểu nhà chung cư cũ là "bia kèm mồi", đấu thầu giao doanh nghiệp có dự án tốt và kèm dự án xấu. Nhà nước là người đứng ra giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp ứng trước và không tính lãi. Nếu làm được như vậy Nhà nước sẽ không tốn nguồn lực mà chương trình vẫn chạy tốt”.