Di chỉ khảo cổ học nổi tiếng Óc Eo - Ba Thê

Từ năm 2017 đến 2020, quá trình khai quật khảo cổ học tại di chỉ Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa làm lộ diện nhiều loại hình di tích quan trọng như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước...

Vào ngày 17/11, tại Hội thảo khoa học quốc tế mang chủ đề “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á” tổ chức ở An Giang, các học giả trong và ngoài nước đã đóng góp 60 tham luận về khu di tích Óc Eo - Ba Thê, nhằm hoàn thiện hồ sơ ở bước cuối cùng, trình UNESCO công nhận khu di tích này là Di sản văn hóa thế giới.

Di chỉ khảo cổ học tầm vóc quốc tế

Theo thông tin được cung cấp tại hội thảo, văn hóa Óc Eo được biết đến từ sau cuộc khai quật khảo cổ tại cánh đồng Óc Eo (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret thực hiện năm 1944. Từ đó đến nay, Óc Eo - Ba Thê trở thành di chỉ khảo cổ học nổi tiếng không chỉ ở vùng Nam Bộ, Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á và châu Á.

Trong nhiều thập kỷ qua, các cuộc khai quật ở đây đã đưa ra khối lượng lớn di tích, di vật minh chứng sinh động cho lịch sử hình thành, phát triển của nền văn hóa Óc Eo, minh chứng Óc Eo là trung tâm đô thị lớn, sầm uất, nổi tiếng bậc nhất của Vương quốc Phù Nam.

Với giá trị đặc biệt và tầm vóc lớn của văn hóa Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu Khu Di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê, Nền Chùa (Văn hóa Óc Eo Nam Bộ)” (Đề án Óc Eo). Đây là đề án khoa học quy mô lớn nhất từ trước đến nay và là nhiệm vụ nghiên cứu mang tầm quốc gia.

Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là di chỉ khảo cổ học có tầm cỡ ở Đông Nam Á. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là di chỉ khảo cổ học có tầm cỡ ở Đông Nam Á. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 2017 đến năm 2020, Viện Khảo cổ học và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã khai quật khảo cổ học Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang) quy mô lớn, có diện tích trên 16.000m² tại 2 khu vực là cánh đồng Óc Eo và sườn núi Ba Thê gồm 8 địa điểm: Gò Giồng Cát, gò Giồng Trôm, gò Óc Eo, Lung Lớn (cánh đồng Óc Eo), gò Sáu Thuận, gò Út Trạnh, chùa Linh Sơn, Linh Sơn Bắc (núi Ba Thê). Từ năm 2018 đến năm 2020, các nhà khảo cổ tiến hành khai quật khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) diện tích 8.000m², đây là khu di tích nằm dưới cánh đồng lúa gần cửa biển, cách Óc Eo - Ba Thê khoảng 12 km.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, sau gần bốn năm (2017-2020) khai quật khảo cổ học tại Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa đã phát hiện nhiều loại hình di tích quan trọng như: Kiến trúc đền tháp, di chỉ cư trú nhà sàn, các loại giếng nước, hồ nước được xây dựng bằng gạch, đá và đồ gỗ cùng nhiều dấu tích sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trang sức bằng đá quý, thủy tinh, bằng vàng. Đặc biệt, cuộc khai quật đưa lên khỏi lòng đất số lượng cực kỳ phong phú, đa dạng các loại hình di vật, trong đó, nhiều nhất là đồ gốm và đồ trang sức bằng thủy tinh.

Tiến sĩ Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, những ký ức của nền văn hóa Óc Eo, văn minh Phù Nam tiếp tục được làm sống dậy bởi những khám phá quan trọng của khảo cổ học. Từ đây, Óc Eo - Ba Thê và Nền Chùa không chỉ được biết đến là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò rất quan trọng trong lịch sử Vương quốc Phù Nam, vương quốc hình thành trên nền tảng văn hóa bản địa đặc sắc mà còn có mối quan hệ giao thương rất rộng mở với nhiều vương quốc cổ Đông Nam Á và các quốc gia ở Nam Á, Tây Nam Á, Đông Bắc Á.

Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa thế giới UNESCO

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Văn hóa Óc Eo trong bối cảnh văn hóa châu Á”, các nhà khoa học trong và ngoài nước tập trung thảo luận 5 chủ đề chính: Tổng kết, đánh giá kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê (An Giang) và Nền Chùa (Kiên Giang), năm 2017-2020; văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trong bối cảnh lịch sử, văn hóa Đông Nam Á và châu Á; mạng lưới hải thương quốc tế và vai trò của đô thị cổ Óc Eo trong bối cảnh đô thị cổ ở Đông Nam Á và châu Á trước thế kỷ 10; những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê và nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo - Ba Thê.

Tượng Phật Sơn Thọ - một Bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Tượng Phật Sơn Thọ - một Bảo vật quốc gia thuộc nền văn hóa Óc Eo.

Các tham luận, đóng góp tư liệu khoa học mới trong hội thảo này rất quan trọng và sẽ được nghiên cứu trong quá trình xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO xem xét công nhận khu di tích Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới.

Được biết, An Giang đã xây dựng hồ sơ giai đoạn 1, hội đồng di tích và di chỉ quốc tế (ICOMOS) đã cử chuyên gia đến thực hiện quy trình tập trung theo quy định của UNESCO.

Phấn đấu đến năm 2026 tỉnh sẽ hoàn thành và bảo vệ hồ sơ chính thức trước UNESCO tại Pháp.

Theo Đời sống
back to top