Đi bộ nhanh hay chậm cần phù hợp độ tuổi
ThS Nguyễn Đức Thăng, Phụ trách khoa Y học thể dục thể thao, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh cho hay, việc đi bộ dù chậm hay nhanh đều tốt cho sức khỏe. Nhưng muốn khỏe cần phải biết cơ địa, tình hình tim mạch, các khớp của bản thân mới có thể xác định đi bộ nhanh hay chậm tốt cho bản thân.
Đi bộ nhanh hay chậm cần tùy thuộc vào cơ địa, bệnh lý…
Cụ thể, vị chuyên gia phân tích, đi bộ nhanh chỉ dành cho người người trẻ, khỏe mạnh… Trong đó, sức khỏe được nói đến chú trọng là sức khỏe tim mạch và khớp. Bởi khi đi bộ nhanh, hệ tuần hoàn hoạt động mạnh giúp máu huyết lưu thông, mạch đập nhanh hơn…
Nhưng người có cơ địa bệnh tim mạch, huyết áp cao, tuổi cao, sức yếu… thì không nên đi bộ nhanh. Nếu cố đi sẽ dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim mạch nặng hơn… Thậm chí có thể dẫn đến đột quy. Vì thế ở đối tượng này nên đi bộ chậm, đều, đi quãng ngắn hoặc đi nhẹ nhàng tại chỗ kết hợp các bài tập khác sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.
Ngược lại, người trẻ tuổi, cơ thể khỏe mạnh thì nên đi bộ nhanh theo hướng nhanh dần đều. Lúc này, máu sẽ hoạt động tốt giúp cơ bắp phát triển mà không ảnh hưởng nhiều đến hệ tuần hoàn. Nhất là những người trẻ ngồi nhiều, ít vận động, việc đi bộ nhanh sẽ giúp giảm các nguy cơ béo phì, tim mạch, tiểu đường về lâu dài.
Đối với người trung niên, tùy vào sức khỏe nhưng cũng chỉ nên đi bộ ở mức vừa phải, tránh đi quá nhanh hoặc đi quá chậm. Bởi phù hợp với sức khỏe và thể trạng chỉ mang lại lợi ích, thay vì vượt quá mức cơ thể chịu đựng dẫn đến tình trạng biến “người lành thành người què”.
Người béo phì nên kiểm tra khớp trước khi đi bộ
Ở góc độ khác, ThS Nguyễn Đức Thăng cũng cho hay, những quan điểm chỉ nên đi bộ khoảng 3km trở lại, không đi nhiều hơn vì có thể ảnh hưởng đến khớp gối cũng chưa thực sự khoa học. Bởi, đi bộ bao lâu vẫn cần phải phụ thuộc vào thể trạng cũng như để đủ nhu cầu của cơ thể. Người khỏe có thể đi bộ từ 3 đến 5km, người yếu đi bộ chỉ nên ở mức 1km mỗi ngày.
Người bị thừa cân, béo phì chạy và đi bộ quá nhiều có thể ảnh hưởng khớp.
Nếu muốn giảm cân, trong khi cơ xương khớp khỏe cần đi hơn 3km, nếu dưới con số này sẽ không mang lại hiệu quả. Tất nhiên quá trình này cần được luyện tập từ đơn giản đến phức tạp, từ ngắn đến dài. Không đột ngột đi dài km hoặc quá sức.
Tương tự, người béo phì đi bộ nhiều sẽ tăng nguy cơ hại khớp gối do sức nặng của cơ thể dồn lực xuống hai chân. Nhất là những người vốn đã bị các bệnh về khớp như giãn dây chằng, thoái hóa khớp thì tuyệt đối không đi bộ. Nhưng điểm đối ngược, người béo phì muốn giảm cân thì phải đi bộ.
Vậy, để cân bằng điều này, ThS Nguyễn Đức Thăng cho rằng, người béo phì trước khi đi bộ cần khám khớp để chắc chắn không chống chỉ định dẫn đến các nguy cơ ảnh hưởng về sau này.
Phó giáo sư Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam đã cho hay, số người Việt mắc bệnh khớp đang tăng cao. Số bệnh nhân về cột sống điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tăng gấp đôi trong những năm gần đây. Nguyên nhân là nhiều người bị loãng xương hoặc vận động quá mức, đi giày cao gót liên tục. Đặc biệt là nhiều người bị thừa cân, béo phì nhưng lại chạy và đi bộ quá nhiều… Kết quả nghiên cứu cho thấy, con người cứ tăng 0,45 kg trọng lượng cơ thể thì khớp gối sẽ phải chịu lực thêm 1,5 kg khi đi. Tương tự, khi chạy trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối tăng lên 4,5 kg.
Hiền Dung