Tờ Asia Nikkei (Nhật Bản) đưa tin các quốc gia giàu có đang trên đà tích trữ hơn 1 tỷ liều vaccine COVID-19 trong kho của họ vào cuối năm nay. Trong khi đó, những quốc gia đang phát triển lại chỉ tiếp cận được lượng vaccine hạn chế còn lại, ngay cả khi nguồn cung tăng.
Theo báo cáo của công ty cung cấp dữ liệu Airfinity, sản lượng vaccine COVID-19 toàn cầu đã đạt mức 6,1 tỷ liều vào cuối tháng 8. Các nhà sản xuất vaccine đang cung ứng 1,5 tỷ liều mỗi tháng và tổng sản lượng dự kiến đến cuối năm đạt 12,2 tỷ liều. Trong khi đó, theo ước tính ban đầu, số vaccine COVID-19 cần thiết để tiêm cho 80% dân số toàn thế giới trên 12 tuổi là 11,3 tỷ liều.
Trong 12,2 tỷ liều dự kiến có 6,5 tỷ liều do châu Âu và Mỹ sản xuất, còn 5,7 tỷ liều từ Trung Quốc. Từ năm tới, số vaccine sản xuất hàng tháng sẽ được tăng lên 2 tỷ liều.
Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có nguồn vaccine COVID-19 dư thừa hơn 300 triệu liều và đến cuối năm lượng dự trữ dư thừa có thể đạt 1,2 tỷ liều.
Câu hỏi đặt ra trong tương lai là các quốc gia giàu có sẽ chuyển vaccine COVID-19 dư thừa đến những nước nghèo hơn như thế nào và những nước tiếp nhận sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng để quản lý tiêm chủng như thế nào.
Chương trình tiêm vaccine COVID-19 đang được đẩy nhanh, đặc biệt là ở những nước phát triển. Cho đến nay, 5,52 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, với 1 tỷ liều hiện đang được tiêm hàng tháng - theo số liệu từ dự án Our World in Data. Nhiều nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford (Anh) đã tham gia dự án này.
Công ty Airfinity (Anh) đã nghiên cứu dữ liệu về vaccine COVID-19 tại Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Nhật Bản. Airfinity dự đoán những nền kinh tế này sẽ tiếp tục tiêm vaccine cho 80% dân số trên 12 tuổi và triển khai mũi tiêm thứ ba.