Ngày 4/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam vừa ký văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trên địa bàn về việc tổ chức tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lộ trình từ 1/9 đến 15/9.
Lộ trình tiêm mũi 2 tại TP.HCM
Theo Sở Y tế TP.HCM, nguyên tắc triển khai của thành phố là tiếp tục tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn thành phố chưa được tiêm để đảm bảo độ bao phủ vaccine.
Mũi 2 được tiêm cho những người đã được tiêm mũi 1 khi đủ thời gian theo từng loại vaccine. Cụ thể:
- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca trong khoảng thời gian từ ngày 20/6 đến ngày 15/7 (8-12 tuần).
- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 15/8 (4 tuần).
- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Pfizer trong khoảng thời gian từ ngày 11/8 đến ngày 25/8 (3 tuần).
- Những người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Vero Cell trong khoảng thời gian từ ngày 13/8 đến ngày 25/8 (3-4 tuần).
Nhân viên y tế mang vaccine Pfizer đến nhà để tiêm cho người cao tuổi. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Sở Y tế TP.HCM đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc đảm bảo độ bao phủ vaccine cho người dân địa phương. Nhóm ưu tiêm là người trên 65 tuổi, người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu chống dịch của địa phương.
Nhanh chóng lập danh sách người cần tiêm vaccine
Với người chưa được tiêm mũi 1, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện nhanh chóng rà soát lập danh sách người dân từ 18 tuổi sinh sống trên địa bàn để tổ chức tiêm bằng các loại vaccine phù hợp.
Lưu ý những người cao tuổi, có bệnh nền, người khuyết tật hoặc trường hợp không thể đến điểm tiêm. Những người đã tiêm mũi 1 cũng được lập danh sách để tiêm mũi 2 đúng thời gian quy định.
Cư dân tại một chung cư ở quận 8 xếp hàng tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong đêm. Ảnh: Duy Hiệu. |
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các địa phương nhập danh sách này vào Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 (tiemchungcovid19.moh.gov.vn). Dữ liệu này được thiết lập để làm cơ sở quản lý đối tượng tiêm, sắp xếp lịch tiêm phù hợp theo từng ngày và thông báo mời người tiêm theo lịch hẹn.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cũng cần chủ động rà soát người lao động thuộc thẩm quyền quản lý chưa được tiêm đầy đủ mũi 1, mũi 2, phối hợp lãnh đạo địa phương để tổ chức tiêm chủng cho người lao động.
Bên cạnh đó, các địa phương cần nhanh chóng tổng hợp số lượng người cần tiêm mũi 1, mũi 2 để Sở Y tế phân bổ vaccine phù hợp. Đặc biệt, các địa phương cần thông tin phổ biến cho người dân về việc tiêm mũi 1, mũi 2 theo các loại vaccine, vận động người dân tham gia tiêm chủng để được bảo vệ trước đại dịch.
Tổ chức tiêm chủng
Sở Y tế TP.HCM đề nghị địa phương tiếp tục duy trì và vận hành tốt các điểm tiêm trong và ngoài cơ sở y tế sẵn có. Lực lượng tiêm chủng đảm bảo công suất khoảng 200-250 mũi tiêm/ngày/đội tiêm để hoàn tất việc bao phủ vaccine đúng tiến độ.
Hình thức tiêm chủng lưu động tiếp tục được đẩy mạnh để tăng khả năng tiếp cận vaccine cho người dân không thể đến được điểm tiêm cố định.
Xe lưu động đến từng điểm cộng đồng để tiêm vaccine cho người dân tại quận Gò Vấp. Ảnh: Chí Hùng. |
Các điểm lưu động này có thể được tổ chức theo hình thức như xe tiêm lưu động, điểm tiêm riêng cho khu chung cư hoặc khu nhà trọ đông người, tổ tiêm tại nhà... Mỗi tổ tiêm gồm tối thiểu 2 nhân viên chuyên ngành y, có kiến thức về tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ngành y tế TP đề nghị các điểm tiêm chủng đối chiếu danh sách với thông tin trên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Thông tin này sẽ là dự liệu để cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine điện tử cho người dân trong thời gian tới.
Sở Y tế TP.HCM đề nghị các cơ sở y tế tiếp tục duy trì đội tiêm đã thành lập, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu điều động.
Đặc biệt, nhân viên tiêm chủng cần thực hiện đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế về khoảng cách giữa 2 liều vaccine, sàng lọc người thuộc nhóm thận trọng tiêm, hoãn tiêm hoặc chống chỉ định.
Các đơn vị tiêm chủng cần nhập đầy đủ thông tin người được tiêm vaccine vào Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 để hoàn chỉnh dữ liệu lịch sử tiêm chủng của người dân.
Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến hết ngày 1/9, toàn thành phố đã có 6.225.960 người được tiêm vaccine Covid-19. Trong đó, người đã tiêm mũi 1 là hơn 5,8 triệu người, mũi 2 là 350.584 người.