Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng và các chuyên gia thảo luận tại Hội thảo về nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19. |
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cho hay: “Đề xuất của Trung tâm Công nghệ laser nên được khuyến khích và được liên Bộ KH&CN, Bộ Y tế ủng hộ để các nhà khoa học sớm hoàn thiện liệu pháp điều trị Covid-19 bằng laser và đưa vào thử nghiệm áp dụng đối với bệnh nhân, góp phần đẩy lùi SARS-CoV-2”.
Dễ triển khai, nhanh chóng và hiệu quả
Vừa qua, tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã diễn ra hội thảo “Nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng công nghệ laser hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19”. Đây là đề án do TS Trần Ngọc Liêm, nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ laser, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ KH&CN) và PGS.TS Phạm Hữu Nghị, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Thực nghiệm (nghiên cứu ứng dụng laser), Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cùng các cộng sự đồng nghiên cứu, triển khai.
Theo TS Trần Ngọc Liêm – tác giả ý tưởng, đề xuất của ông và cộng sự đã được đông đảo các nhà khoa học ủng hộ, Bộ KH&CN đã có văn bản đề xuất với Bộ Y tế xem xét triển khai. TS Trần Ngọc Liêm cùng các cộng sự sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng điều trị laser công suất thấp (LLLT) hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở đang điều trị. Tác dụng của LLLT là kích thích sinh học cả theo chiều tăng và giảm nên có tác dụng điều biến, điều hòa sinh học ở mô sống. Các laser ánh sáng đỏ và vùng hồng ngoại gần được hấp thu bởi sắc thể là cytochrome c oxidase dẫn đến tăng tổng hợp protein, dịch chuyển tế bào, tăng sinh tế bào, bảo vệ tế bào. Từ lâu, LLLT đã được triển khai trong các bệnh viện nhất là các bệnh viện Đông y, phục hồi chức năng hay các khoa nội trên cả nước để điều trị bệnh. Tác dụng của LLLT trên lâm sàng và thực nghiệm ở Việt Nam 30 năm qua cho thấy có tác dụng chống viêm, giảm phù nề giảm đau, phục hồi và liền nhanh vết thương…
PGS.TS Phạm Hữu Nghị cho biết thêm, LLLT đã được chứng minh trên thế giới có tác dụng kích hoạt chuyển hóa tế bào và tăng hiệu quả hoạt động của tế bào (tăng tạo ATP); Kích thích quá trình sửa chữa do kết quả tăng sinh tế bào; Chống viêm; Tăng hoạt động vi tuần hoàn và tăng cao hơn hiệu quả chuyển hóa tổ chức; Giảm đau do tăng giải phóng endorphin; Kích thích miễn dịch cùng với điều hòa miễn dịch tế bào và dịch thể; Tăng hoạt động antioxidant trong máu; Ổn định lipid peroxidation của màng tế bào; Kích thích tạo hồng cầu...
Căn cứ vào kết quả khoa học trên, nhóm tác giả đề án đề xuất sử dụng laser công suất thấp chiếu mạch máu và da vùng phổi, chiếu da lưng vùng phổi để tạo ra hiệu quả điều trị. Phương pháp này sẽ thử nghiệm lâm sàng sử dụng laser màu đỏ với 3 mức công suất 5mW-35mW-50mW và đèn LED 830nm mW chiếu mạch máu và da vùng phổi (không xâm lấn) để nghiên cứu hiệu quả điều trị. Sử dụng laser công suất thấp điều trị đã được thực tế lâm sàng chứng minh an toàn, hiệu quả và dễ ứng dụng.
Theo các tác giả đề án, việc triển khai trị liệu laser tác động lên máu hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 giúp giảm thiểu nguy cơ sốc do bão cytokine, giảm nguy cơ đông máu, khó thở, phải thở máy và rút ngắn thời gian nằm viện cho bệnh nhân, giảm tải cho các cơ sở y tế. Hiện nay nền tảng trang thiết bị, nhân lực laser đều có sẵn ở các địa phương, dễ dàng triển khai nhanh chóng và trên diện rộng cho bệnh nhân Covid-19.
Giảm nhu cầu thở máy, cải thiện chỉ số viêm
Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị, Covid-19 có đặc điểm bệnh lý là tổn thương phổi và tăng viêm quá mức do bão cytokine, suy yếu miễn dịch, dẫn đến suy hô hấp và tổn thương nội tạng, đông máu trong lòng mạch. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, việc dùng liệu pháp điều trị laser công suất thấp trong điều trị các bệnh về phổi như hen, viêm phế quản tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi cấp... cho kết quả tích cực. Do vậy, có thể nhận định, việc dùng liệu pháp điều trị laser công suất thấp với bệnh nhân Covid-19 là khả thi.
Những công bố gần đây trên thế giới cũng cho thấy hiệu quả của phương pháp này trong điều trị các bệnh nhân Covid-19 với khả năng chống viêm, giảm các cytokine gây viêm, làm tăng oxy tổ chức và làm lành mô bệnh. Sử dụng liệu pháp này, các triệu chứng lâm sàng có sự cải thiện nhanh về tình trạng khó thở, giảm nhu cầu lưu lượng oxy, giảm nhu cầu thở máy và cải thiện các chỉ số viêm phổi, giảm thâm nhiễm trên hình ảnh X-quang.
Việc nghiên cứu và áp dụng laser công suất thấp trong điều trị Covid-19 đã được thực hiện tại một số quốc gia. Trong cuốn "Liệu pháp Laser cho Covid-19: Phòng ngừa, Điều trị và Phục hồi chức năng" do các nhà khoa học Nga công bố tháng 1/2021 chỉ ra rằng, áp dụng laser điều trị bệnh nhân Covid-19 giúp hỗ trợ hoạt động enzym trong chuỗi hô hấp, cải thiện tái tạo mô phổi, tăng khả năng miễn dịch, giảm nhẹ triệu chứng và giúp người bệnh dần hồi phục.
Phương pháp laser công suất thấp chiếu ngoài da đã được ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam, được Bộ Y tế công nhận và cho phép tiến hành trên bệnh nhân. Liệu pháp laser chiếu ngoài cũng đã được Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 26/1/2006. Vì vậy, đây là phương pháp dễ dàng triển khai hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid trên diện rộng, chi phí rẻ, hiệu quả.
Kết quả nghiên cứu TS Scott Sigman, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Massachusetts (Mỹ) công bố trên tạp chí chuyên ngành cho thấy, dùng liệu pháp quang điều hòa (chiếu laser) 19 - 28 phút mỗi ngày trong 4 ngày cho bệnh nhân mắc các triệu chứng Covid-19, oxy trong mạch tăng lên ngay lập tức khi quá trình điều trị đang diễn ra. Người bệnh thở tốt hơn, hồi phục trong 7 ngày thay vì 12 ngày so với nhóm không được điều trị bằng laser.