Đề nghị giảm thu từ xăng dầu: Giảm thuế hay giảm phần thu tăng thêm?

Chưa kịp phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải lại phải còng lưng gánh “nạn” khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục. Đây là tác nhân chính kéo hàng hóa khác tăng giá theo.

Chưa kịp phục hồi đã lại gánh “nạn”

Anh Văn Nguyên, Giám đốc Công ty CP Đại Nguyên (Hải Phòng), một doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa kịp vui mừng vì dịch Covid-19 được kiểm soát thì lại gặp thêm “cú sốc” lớn về giá xăng dầu tăng.

Trước đây một chuyến đi chở hàng tuyến Hải Phòng - Hà Nội lãi được khoảng 1 triệu đồng thì hiện chỉ được chưa tới 700.000đ. Vì chi phí xăng dầu hiện nay đã chiếm tới hơn 1/2 chi phí chuyến hàng. Nhưng số tiền lãi kia còn chưa trừ tiền khấu hao, vận hành, lương nhân viên, lãi ngân hàng...

“Nếu tình trạng này còn tiếp diễn đến giữa năm hoặc cuối năm thì doanh nghiệp xác định chết đói. Lúc đó làm chỉ để duy trì hoạt động, chứ không thể có lãi” - anh Nguyên nói.

Hiện tại, ông chủ doanh nghiệp này cũng chưa có giải pháp nào để giải quyết tình trạng này. “Xe thì nhiều, hàng hóa thì ít, cạnh trạnh nhau, nên nhiều doanh nghiệp hiện chỉ kiếm nguồn hàng để duy trì, vượt khó qua giai đoạn này, không bị phá sản là may” - anh Nguyên giãi bày.

van-tai-duong-bo.jpg

“Nếu tình trạng này còn tiếp diễn đến giữa năm hoặc cuối năm thì doanh nghiệp xác định chết đói. Lúc đó làm chỉ để duy trì hoạt động, chứ không thể có lãi” - anh Nguyên nói.

Cũng như anh Nguyên, anh Lê Hà Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Global Solution P&T (Quảng Ninh), một đơn vị chuyên vận chuyển hàng quốc tế cho biết, tình trạng tăng giá xăng dầu đã tác động rất xấu tới doanh nghiệp vận tải đường biển.

“Tàu của chúng tôi chuyên chở hàng đi nước ngoài nên việc vận chuyển hàng phải ký trước từ 3 tuần đến một tháng. Khi giá nhiên liệu tăng đột ngột và quá cao đồng nghĩa doanh nghiệp không có thời gian điều chỉnh” - anh Phương cho biết.

Theo anh Phương với hàng vận tải biển thường khó điều chỉnh giá cước liên quan đến giá nhiên liệu. Vì thời gian vận chuyển một chuyến hàng tốn rất nhiều thời gian. Nên khi kết thúc chuyến hàng muốn tăng giá cước, thì có khi giá xăng dầu lại giảm. Ngược lại, có khi vừa chốt giá cước xong thì giá nhiên liệu lại tăng.

“Không những thế, giá xăng dầu quốc tế không theo nguyên tắc điều chỉnh 10 ngày/lần như ở Việt Nam, mà nó được điều chỉnh hằng ngày, thậm chí hằng giờ. Nên hiện, chúng tôi chưa có phương án nào thỏa đáng để “đối phó” với tình trạng tăng giá như hiện nay” - anh Phương nói.

Theo lãnh đạo của một doanh nghiệp chuyên khai thác logistics tại 3 cảng ở Hải Phòng cho biết, hiện các đơn vị khai thác cảng, vận chuyển chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu tăng.

Vì theo anh này, năm 2021 là một năm thắng đậm về cổ phiếu đối với các đơn vị khai thác cảng. Chỉ những công ty vận tải nhỏ mới bị ảnh hưởng nặng nề do khó mà điều chỉnh tăng giá cước.

“2 năm qua, dịch bệnh khiến cho đội tàu, thuyền, xe… khan hiếm, đẩy giá cước lên cao. Nhưng hiện tại khi tình hình dịch bệnh ổn định, các doanh nghiệp phục hồi trở lại, lượng phương tiện chuyên chở càng nhiều, cạnh tranh nhau nên khó có thể tăng giá cước để bù lỗ.

Nếu giá xăng dầu không giảm, hoặc không được hỗ trợ, có lẽ doanh nghiệp vận chuyển chỉ có thể duy trì với những khách hàng lớn, thân thuộc. Còn với những khách nhỏ lẻ sẽ phải buông bỏ” - lãnh đạo này cho hay.

Điều này sẽ ảnh hưởng tới những người buôn bán nhỏ cần vận chuyển hàng. Tất nhiên, người thiệt cuối cùng sẽ là người dân phải gánh mọi chi phí tăng giá.

Thực chất Bộ Tài chính muốn giảm thu gì?

Từ chiều 11/3, liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần, lên mức cao kỷ lục, sau khi chạm đỉnh gần 27.000đ/lít vào lần trước đó.

Cụ thể, nhà điều hành đã điều chỉnh tăng: Xăng E5RON92 tăng 2.908đ/lít; Xăng RON95-III tăng 2.990đ/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 3.958đ/lít; Dầu hỏa tăng 3.940đ/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 2.519đ/kg.

Như vậy, xăng E5RON92 là 28.985đ/lít; xăng RON95-III - 29.824đ/lít. Dầu diesel 0.05S - 25.268đ/lít; dầu hỏa - 23.918đ/lít; dầu mazut 180CST 3.5S - 20.987đ/kg.

van-tai-duong-bien-chat-luong.jpg
Giá xăng dầu tăng kỷ lục lên gần 30.000 đồng/lít đã khiến các doanh nghiệp vận tải biển điêu đứng.

Sau kỳ điều chỉnh này, giá xăng trong nước đã có lần tăng thứ 7 liên tiếp và cũng là lần tăng thứ 6 trong năm 2022. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng E5RON92 đã tăng 6.435đ/lít, trong khi giá xăng RON95-III tăng 6.529đ/lít.

Chịu tác động trực tiếp và nặng nhất khi giá nhiên liệu tăng là lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng dầu làm nguyên liệu đầu vào. Sau đó, xăng dầu tăng giá sẽ là tác nhân chính kéo hàng hóa khác tăng giá theo. Biểu hiện rõ nhất đã thể hiện tại công bố mới đây của Tổng cục Thống kê.

Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng bình quân 1,68% so với cùng kỳ năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,67%. Trong đó, giá xăng dầu trong nước bình quân 2 tháng đầu năm tăng 45,3% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.

Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng tạo áp lực lên thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Trước những tác động tiêu cực này, ngày 10/3, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ Công Thương, ý kiến tham gia thống nhất của các bộ và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ Tài chính đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 2.000đ/lít.

Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000đ/lít; mỡ nhờn là 1.000đ/kg; dầu hỏa là 700đ/lít. Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy, với tình hình hiện nay, sau 2 năm chịu tác động tiêu cực từ Covid-19 thì việc giảm thuế bảo vệ môi trường cần lớn hơn.

Điều này là rất quan trọng, đặc biệt khi các loại thuế phí hiện chiếm tới 38% trong cơ cấu giá xăng dầu. Điều đó có nghĩa, giảm thu thuế phí có dư địa rất lớn để thực hiện mục tiêu hạn chế tác động tiêu cực của xăng dầu tăng giá vào hoạt động của doanh nghiệp.

“Vấn đề là, Nhà nước đang thu tỷ lệ quá lớn từ xăng dầu và là thu trên cơ sở giá nhập khẩu. Do thế, giá xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh càng giúp số thu của Nhà nước tăng thêm. Việc giảm thu như Bộ Tài chính đề xuất phần nhiều là giảm phần tăng thêm dựa trên sự tăng giá nhập khẩu ấy, chứ không phải giảm thực chất vào thuế” – giám đốc một doanh nghiệp cho biết.

“Lúc trước, dịch bệnh khiến việc vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải như chúng tôi bị ngưng trệ, giảm sút nghiêm trọng. Mới hồi phục được thời gian ngắn thì giá xăng dầu lại tăng, doanh nghiệp vận tải sống sao nổi?”.

Anh Văn Nguyên (Giám đốc Công ty CP Đại Nguyên)

“Những doanh nghiệp nhỏ, chịu ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19 suốt 2 năm qua, thì trong thời gian ngắn thực sự chưa có giải pháp nào để giải quyết tình trạng thua lỗ do chịu ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng”.

Anh Lê Hà Phương (Tổng Giám đốc Công ty CP Global Solution P&T)

Theo Đời sống
Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng giảm 100.000 đồng/tấn

Giá thép cuộn xây dựng đang được các nhà sản xuất trong nước điều chỉnh giảm thêm 100.000 đồng/tấn. Với việc giảm giá lần thứ ba của thép cuộn, tính từ đầu năm 2024 tới nay, tổng mức giảm lũy kế là 500.000 đồng/tấn.
back to top