Các chuyên gia cùng trao đổi về ứng dụng đổi mới công nghệ trong xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã tổ chức các hoạt động Trình diễn và kết nối cung – cầu công nghệ tại các vùng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ như:
Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025; Chương trình KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844)…
Chia sẻ tại diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, cốt lõi của vấn đề đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nông nghiệp đó chính là sự kết nối hiệu quả giữa công nghệ mới, công nghệ cao với doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn cung cho doanh nghiệp nông nghiệp đổi mới công nghệ chính là các sáng kiến KH&CN hay công trình nghiên cứu từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, Viện nghiên cứu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao, trước làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do thương mại toàn cầu tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp.
Do đó, nếu không thay đổi mạnh mẽ về KH&CN, nông nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, tác động tiêu cực như tụt hậu công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên…Việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phát triển nền nông nghiệp bền vững, năng suất hiệu quả chất lượng với hàm lượng công nghệ cao thực sự cần thiết.
Minh chứng cho điều này, ông Nguyễn Hoàng Anh đã đưa ra ví dụ thực tế về việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác cây trồng. Với việc áp dụng công nghệ cao thì mỗi ha trồng cà chua cho ra 250-300 tấn/năm, trong khi với cách sản xuất truyền thống của nước ta thì năng suất chỉ đạt khoảng 20-30 tấn/ha/năm.
Cũng như vậy, 1 ha trồng hoa hồng ở nước ta chỉ cho khoảng 1 triệu cành với doanh thu từ 50-70 triệu đồng/ha/năm thì ở Israel con số tương ứng là 15 triệu cành chất lượng đồng đều và với doanh thu cao.
Theo chuyên gia Nguyễn Lân Hùng để chuyển giao công nghệ đến với người dân cần sử dụng phương pháp đơn giản, dễ hiểu khi hướng dẫn họ. Các nhà khoa học không phải tự mình đặt ra đề tài áp dụng cho nông nghiệp mà phải lấy đề tài từ chính thực tiễn cuộc sống.
Chia sẻ về hướng phát triển nông nghiệp, ông Stanley Booth – Cố vấn cao cấp Dự án Hỗ trợ Khu vực Tư nhân vùng Mê Kông – Ngân hàng Châu Á (MBI – ADB) cho rằng cần thúc đẩy kinh doanh công nghệ. Điều này sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của các chuỗi giá trị nông nghiệp.
Ông Stanley Booth nhấn mạnh, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giải quyết những vấn đề hiện tại trong nông nghiệp, để công nghệ lan rộng ở Việt Nam thì cần phải có người giúp cho công nghệ đó lan tỏa.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Để có thể đổi mới và phát triển, ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả trong nông nghiệp, đòi hỏi không chỉ có sự cố gắng của riêng một tổ chức nào. Việc này cần phải được xây dựng một cách chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau của nhiều tổ chức nông nghiệp.
Bảo Chi