Đầu tư trăm tỷ, Hà Bá vẫn “nuốt” nhiều tuyến đê

Những năm qua TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng... cho hệ thống đê điều. Thế nhưng, những ngày gần đây, nhiều đoạn đê sông Hồng, sông Đáy, sông Đà thuộc các huyện Quốc Oai, Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức ở Hà Nội có hiện tượng sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều tuyến đê sạt lở nghiêm trọng

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn, tuyến đê tả Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Sơn Công xuất hiện sự cố sạt lở, cung sạt dài hơn 100m, rộng 8 - 10m; đỉnh cung sạt sát mép bê tông mặt đê, tạo ra khối sạt trượt mái đê sâu khoảng 1,4m so với mặt đê cũ. Cũng trên tuyến đê này, đoạn xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa) xuất hiện cung sạt dài khoảng 80m, rộng 3m, vị trí sạt sâu từ 0,4 - 1,2m...

Hay tuyến đê hữu Đáy, đoạn xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) xuất hiện sự cố lún, sụt 27m mặt đê hữu Đáy và cống qua đê Trạm bơm Tân Độ, vị trí lún sụt sâu nhất 1m. Sự cố này làm mặt đê bê tông rộng 5,1m bị sụt, nứt vỡ, toàn bộ phần giàn công tác và máy đóng mở cống bị lún nghiêng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận hành.

Tại huyện Quốc Oai, đoạn đê hữu sông Đáy trên địa phận xã Đồng Quang bị nứt toác, sụt lún đất kéo dài khoảng gần 100m.

Ở xã Thái Hòa, huyện Ba Vì, cơ quan chức năng cũng xác định, bờ sông Hồng bị sạt lở 120m, sâu vào bãi sông 15m. Bờ sông Đà thuộc thôn Đan Thê, xã Sơn Đà đang có hai vị trí sạt lở ăn sâu vào bãi đất sản xuất, nhà cửa của hàng chục hộ dân.

Về vấn đề này GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội Đập lớn cho biết, việc sạt lở đê luôn là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm vì đê là công trình bảo vệ chống lũ, bảo vệ sinh mạng, tài sản, các hoạt động kinh tế - xã hội.

Với những nơi sạt lở phải ngay lập tức kiểm tra, khảo sát, đánh giá xử lý kịp thời. Nếu không xử lý ngay dòng nước sẽ tiếp tục làm xung yếu, thậm chí hư hỏng. Có rất nhiều nguyên nhân gây sạt lở có thể do mưa lũ, nhưng cũng có thể do cách quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang cho rằng: “Tất cả các tuyến đê phải được giữ an toàn dù là mùa mưa hay mùa khô đều phải có biện pháp bảo vệ thích hợp. Đối với những vị trí xung yếu càng phải theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở. Hoạt động kiểm tra, giám sát đê điều đặc biệt là những khu vực xung yếu phải được cơ quan quản lý kiểm tra thường xuyên”.

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, trước tình hình này, Sở liên ngành đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trường cho thấy những sự cố là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến công trình phòng, chống thiên tai và cần xử lý cấp bách.

Trên cơ sở đó, đoàn kiểm tra đã thống nhất báo cáo, đề xuất UBND TP Hà Nội xem xét, bố trí kinh phí xây dựng công trình khẩn cấp nhằm khắc phục.

Nói về công tác kiểm tra, ông Mỹ cho biết, cơ quan quản lý địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng đây là sự cố bất ngờ. “Chúng tôi cũng đã khảo sát, đánh giá triển khai các biện pháp xử lý tạm thời ngay sau khi phát hiện”, ông Mỹ cho hay.

Nhiều đoạn tuyến đê tại Hà Nội có hiện tượng sụt lún.

Đầu tư 1.400 tỷ đồng nâng cấp đê điều

Hà Nội có hệ thống đê lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trong đó có gần 38km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt bảo vệ trực tiếp cho khu vực trung tâm thành phố.

Hệ thống đê Hà Nội thường xuyên được đầu tư tu bổ, nâng cấp, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, bảo vệ Thủ đô. Tuy nhiên, việc bố trí vốn đầu tư cho hệ thống đê điều thời gian qua còn thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Nhiều vị trí đê điều bị sạt lở phải thực hiện xử lý khẩn cấp cục bộ, thiếu tính đồng bộ, bị động, làm giảm hiệu quả đầu tư. Hiện trạng một số tuyến đê của thành phố còn kém hơn hệ thống đê của các tỉnh lân cận.

Được biết, những năm qua TP Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng khắc phục những sự cố, sạt lở nghiêm trọng... Cụ thể, năm 2018, thành phố đã đầu tư hơn 293 tỷ đồng xây dựng công trình cấp bách khắc phục 18 sự cố; Năm 2019, đầu tư gần 653 tỷ đồng khắc phục 41 sự cố và năm 2020 đầu tư gần 198 tỷ đồng khắc phục 9 sự cố.

Không những thế, mới đây TP Hà Nội cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án trong lĩnh vực đê điều với tổng mức đầu tư khoảng 1.421 tỷ đồng.

Cụ thể như, dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê sông Hồng (đoạn từ thị trấn Phú Minh đến xã Quang Lãng), huyện Phú Xuyên. Trong đó, kiên cố hóa mặt đê sông Hồng, chiều rộng nền đường 9,0m, mặt đường 7,0m, lề đường 2 bên mỗi bên 1m. Tổng chiều dài dự kiến 16,611km với tổng mức đầu tư 383 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2026.

Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Đáy huyện Đan Phượng kết nối đê tả Đáy huyện Hoài Đức, với chiều dài đoạn cải tạo, nâng cấp khoảng 1.800m, tổng mức đầu tư 51,2 tỷ đồng (2023 - 2025).

Dự án cải tạo, nâng cấp đê Hữu Hồng trên địa bàn huyện Thanh Trì. Trong đó, sẽ kiên cố hóa mặt đê sông Hồng chiều rộng nền đường 9,0m, mặt đường 7,0m, tổng chiều dài dự kiến 6,78km. Dự kiến tổng mức đầu tư 120,77 tỷ đồng, thực hiện từ 2022 - 2025.

Dự án cải tạo, nâng cấp đê tả Bùi, hữu Đáy, huyện Chương Mỹ. Bao gồm, nâng cấp tuyến đê tả Bùi với quy mô mở rộng đê, đoạn từ Bến Cốc đến cống tiêu Hạ Dục, tổng chiều dài 14km; và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mặt đường đê hữu Đáy theo tuyến đê hiện trạng, chiều dài khoảng 16km. Tổng mức đầu tư dự án 460 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Và dự án xử lý đảm bảo ổn định khu vực cửa sông Đuống TP Hà Nội - giai đoạn 1. Trong đó sẽ lấp hố xói cục bộ đoạn giáp cống Long Tửu dài khoảng 600m, gia cố đê tả Đuống (từ K0+00 đến K1+300). Tổng mức đầu tư dự án là 406 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Dư luận băn khoăn, dù được đầu tư kinh phí lớn để khắc phục sự cố đê điều hằng năm, nhưng nhiều tuyến đê của Hà Nội hiện vẫn bị sạt lở nghiêm trọng?

“Với những nơi sạt lở phải ngay lập tức kiểm tra, khảo sát, đánh giá xử lý kịp thời. Nếu không xử lý ngay dòng nước sẽ tiếp tục làm xung yếu, thậm chí hư hỏng. Có rất nhiều nguyên nhân gây sạt lở có thể do mưa lũ, nhưng cũng có thể do cách quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu”.

GS.TSKH Phạm Hồng Giang

Theo Đời sống
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top