Tuy nhiên, chuyên gia da liễu cảnh báo thời tiết nóng bức, nguy cơ rước bệnh vì No Poo rất cao.
Trào lưu nói không với dầu gội
Đi gội đầu tại tiệm uốn tóc X.H., Q.3, TPHCM, thay vì hỏi khách dùng loại dầu gội gì như trước đây, cô nhân viên đon đả: “Chị à, đừng xài dầu gội nữa, hóa chất không à. Ở đây, tụi em có bán cao bồ kết do chính tay chủ tiệm nấu rồi cô đặc”.
Bác sĩ da liễu khuyến cáo không nên sử dụng thảo dược gội đầu trôi nổi, không rõ nguồn gốc.
Theo lời cô nhân viên, đây là sản phẩm tâm huyết của tiệm, khách mối toàn mua xong gửi lại, mỗi lần qua đây sẽ dùng gội đầu. Cao bồ kết tự chế này được giới thiệu có công dụng phục hồi tóc hư tổn, làm tóc mềm, mượt, ngăn ngừa rụng tóc…
Chưa tin lắm vào hiệu quả, tôi nói gội thử, nếu hợp sẽ mua. Sau khi gội về, tóc tôi bị bết rất mau, đầu dơ, cảm giác không sạch, da đầu ngứa ngáy và có gầu.
Những tiệm uốn tóc kết hợp bán sản phẩm dầu gội thiên nhiên tự chế như trên rất phổ biến ở khu vực Q.Tân Bình, Q.7, Q.2… Càng gần những khu đô thị, khu trung tâm, dân cư có kinh tế khá giả, dịch vụ gội đầu bằng thảo dược, sản phẩm thiên nhiên “nhà làm” càng nở rộ.
Ngoài việc thay thế dầu gội bằng thảo dược, cây lá thiên nhiên, trào lưu No Poo còn có trường phái không dùng dầu gội đầu gì cả, chỉ nước lã. Chị P.T.T., ngụ Q.2 là bà mẹ sùng bái trào lưu No Poo. Chị T. áp dụng triệt để bằng cách chỉ dùng nước ấm tắm gội cho con gái sơ sinh của mình. Bản thân chị cũng chỉ lau người và gội đầu bằng nước ấm.
Khi được hỏi tại sao không dùng sữa tắm dành cho bé mà chỉ dùng nước lã, chị T. bày tỏ quan điểm: “Trẻ con rất sạch sẽ, làn da lại mỏng manh. Chỉ cần mỗi ngày dùng nước ấm rửa cho bé là đủ. Hãy thử nhìn lại ngày xưa, ông bà ta làm gì có sữa tắm và dầu gội đầu mà vẫn sống khỏe đấy thôi. Hóa chất dùng nhiều, lâu ngày tích tụ, vì thế tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng cao”.
Hội những người No Poo còn kết nối với nhau rất mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội. Có cả những chủ fanpage tranh thủ ăn theo trào lưu này để chào bán sản phẩm cao bồ kết, tinh dầu bưởi “nhà làm”.
Nấm da đầu, viêm chân tóc vì… No Poo
TS.BS Lê Thái Vân Thanh – giảng viên bộ môn da liễu, Trường đại học Y Dược TPHCM – đã tỏ ra lo ngại về quan niệm hiểu biết chưa tới, cực đoan, đi ngược với sự phát triển xã hội của trào lưu No Poo.
Vừa qua, tại Phòng khám chăm sóc da, BV Đại học Y Dược TPHCM, BS Vân Thanh tiếp nhận hai trường hợp bị kích ứng da đầu do sản phẩm chăm sóc tóc “nhà làm” mua trên mạng. Chị P.T.D., 28 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, đến khám trong tình trạng rụng tóc, da đầu chảy nước vàng, kết vảy.
Còn chị T.T.T.A., 43 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, da đầu nổi mụn mủ, ngứa ngáy… Các bệnh hay gặp do sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc không rõ nguồn gốc phải đi khám là nấm da, viêm chân tóc.
TS Huỳnh Khánh Duy – giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường đại học Bách khoa TPHCM: Dầu gội xét về bản chất cũng chỉ là hỗn hợp trong nước của các loại hóa chất khác nhau, cho dù các hóa chất này có nguồn gốc từ thiên nhiên hay được tổng hợp. Mà đã là hóa chất thì luôn chịu tác động của các chất xung quanh, của môi trường xung quanh. Sự tác động này sẽ làm hóa chất biến tính, chuyển hóa thành các hợp chất hóa học khác, có thể là các chất gây kích ứng hoặc có hại. Vì vậy, cho dù sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hay tổng hợp đều cần phải có thời hạn sử dụng.
Tùy thuộc vào thành phần tạo nên dầu gội mà nguy cơ gây ra cũng sẽ khác nhau. Thí dụ, trong thành phần dầu gội có một số chất béo thiên nhiên, nếu không được bảo quản hoặc không có chất bảo quản thích hợp có thể bị chuyển hóa thành các chất a-xít, các peroxide có thể gây kích ứng da đầu.
Dầu gội “nhà làm” hay có nguồn gốc thiên nhiên nếu được thương mại hóa đều phải tuân theo các quy định của pháp luật về nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm. Sản phẩm mỹ phẩm cần phải có các chỉ tiêu chất lượng phù hợp với quy định về chất lượng mỹ phẩm, như thành phần tạp chất (kim loại nặng, chất gây dị ứng, chất độc hại). Nếu dầu gội được sản xuất hoàn toàn bằng các chất có nguồn gốc từ tự nhiên thì lại càng phải được chứng minh nguồn gốc tự nhiên của các thành phần này, ít ra là để tránh sự gian lận thương mại (thông thường các hóa chất từ tự nhiên đắt tiền hơn các chất tổng hợp).
Trong một số trường hợp, người sản xuất cố tình lập lờ, chỉ một thành phần của sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, còn các thành phần khác lại có nguồn gốc tổng hợp nhưng sản phẩm lại được công bố là sử dụng nguyên liệu tự nhiên.
BS Vân Thanh phân tích, da đầu có những lỗ nang lông hay còn gọi là chân tóc. Cơ chế tăng tiết bã nhờn của chân tóc, cộng với thời tiết nóng ẩm, tóc che phủ rậm rạp là điều kiện lý tưởng cho các vi sinh vật tá túc, phát triển. Nếu chỉ gội đầu bằng nước lã không thể nào lấy hết các tác nhân gây bệnh, dầu, mồ hôi và bụi bẩn được. Thực ra vẫn có thể thay thế dầu gội đầu bằng các loại cây họ cam chanh, vì trong đó có chất AHA (một thành phần của dầu gội đầu) có chức năng làm sạch lipid.
Tuy nhiên, gội bằng cách đun lá bưởi, vỏ bưởi, bồ kết sẽ không sạch nếu không đủ liều lượng cần thiết. Do đó, mọi người chỉ nên gội đầu theo lối dân gian nếu đủ thời gian và tự tay đun nước gội đầu tại nhà, tuyệt đối không mua dầu gội cao bồ kết bán ngoài tiệm gội đầu, hoặc trôi nổi trên mạng.
“Họ nói, nhà làm nhưng mình không thấy tận mắt, không loại trừ khả năng họ cũng đi mua từ chỗ khác về rồi bán lại. Chẳng có dầu gội thiên nhiên nào không bỏ chất bảo quản mà thời hạn sử dụng lâu dài được. Chị em cả tin, khó tránh khỏi rước bệnh vào người”, BS Thanh cảnh báo.
TS.BS Lê Thái Vân Thanh – giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường đại học Y Dược TPHCM: Thành phần chính của dầu gội đầu là chất căng bề mặt (có tác dụng hòa tan các hạt lipid, cuốn trôi theo bụi bẩn trên da đầu). Thành phần thứ hai là chất tạo bọt, tác dụng chính: dựa vào mức độ bọt để đánh giá liều lượng của dầu gội đủ hay chưa. Thành phần thứ ba là chất ngăn đóng váng giúp tóc không bị bết. Thứ tư là những hương liệu hoặc chất tạo màu sắc, tạo thẩm mỹ cho sản phẩm. Cuối cùng là hỗn hợp các chất tùy theo nhu cầu của người tiêu dùng. Liều lượng các thành phần trong dầu gội đầu có thể tăng, giảm cho phù hợp với từng đối tượng sử dụng.
Một số loại dầu gội đầu đặc trị có thể thêm chất kháng nấm, dưỡng ẩm… Sử dụng dầu gội đầu là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần lựa chọn loại phù hợp với mình và nên dùng lâu dài, không nên nghe người khác giới thiệu mà vội vàng thay đổi. Thay đổi dầu gội liên tục làm da đầu mệt mỏi vì phải thích ứng theo.
Theo Thanh Huyền (Phụ nữ TPHCM)