Từ BT sang BOT
Vào tháng 12/2009, Thủ tướng đã đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng dân sự đối với khu đất cũ của sân bay Nha Trang. Tháng 7/2014, Thủ tướng đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng sân bay phục vụ huấn luyện của đơn vị eKQ920 tại Phan Thiết, và hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, doanh trại tạm thời của đơn vị eKQ920 tại sân bay Cam Ranh theo hình thức BT, chi trả cho nhà đầu tư bằng quỹ đất tại sân bay Nha Trang cũ, thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Thủ tướng giao BQP chủ trì, phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa và các cơ quan liên quan thống nhất phương án cụ thể về khai thác quỹ đất sân bay Nha Trang để tạo nguồn vốn xây dự án sân bay mới tại Phan Thiết, và cơ sở hạ tầng tạm thời tại sân bay Cam Ranh.
Tháng 1/2015, sân bay Phan Thiết được khởi công xây dựng, với quy hoạch là sân bay lưỡng dụng, phục vụ mục đích quân sự (tiêu chuẩn cấp 1), và dân dụng (cấp 4C). Thông tin từ website tỉnh Bình Thuận thể hiện: Tổng Công ty 319 - Bộ Quốc phòng là nhà đầu tư hạng mục sân bay quân sự theo hình thức Hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao), và Công ty CP Rạng Đông đầu tư hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT (Xây dựng – Khai thác - Chuyển giao).
Nhưng tới tháng 6/2018, làm việc với tỉnh Bình Thuận, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: tỉnh Khánh Hòa chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức đấu giá phần diện tích sân bay Nha Trang cũ. Như vậy, Thủ tướng đã bỏ phương án thanh toán bằng đất tại hợp đồng BT trước đó, mà thay bằng phương án thanh toán bằng tiền (qua đấu giá đất) đối với dự án xây dựng sân bay quân sự eKQ920.
Có chỉ đạo này, tháng 1/2019, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng (phần quân sự) tại Cảng hàng không Phan Thiết và sân bay Cam Ranh đã được Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương. Theo đó, tổng mức đầu tư hai dự án này là 8.250 tỷ đồng, dự kiến lấy từ tiền thu qua đấu giá quyền sử dụng đất sân bay Nha Trang cũ, và nguồn khác.
Bộ Quốc phòng đề nghị Thủ tướng giao Bộ phê duyệt đầu tư 2 dự án thành phần trên. Bộ sẽ chịu trách nhiệm mọi mặt trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời, Bộ cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa hoàn thành thủ tục, khẩn trương bán đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ, để tạo nguồn vốn cho dự án.
Lưu ý là, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, doanh trại tạm thời eKQ920 tại sân bay Cam Ranh đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt đầu tư, nhà đầu tư ứng kinh phí triển khai, hoàn thành vào tháng 1/2016. Như vậy, việc tờ trình của Bộ Quốc phòng gửi Thủ tướng (tháng 1/2019) vẫn đề xuất về dự án này cũng hàm nghĩa sẽ lấy tiền đấu giá đất sân bay Nha Trang cũ để trả cho nhà đầu tư.
Vấn đề Phúc Sơn
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ, cũng trong năm 2016 – chỉ vài ngày khi nhận đất sân bay Nha Trang cũ - tỉnh Khánh Hòa đã dùng phần đáng kể diện tích của sân bay này để thanh toán cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn (Công ty Phúc Sơn) – doanh nghiệp thực hiện 3 dự án BT trị giá 3.300 tỷ đồng tại tỉnh. Trước đó, trong năm 2015, tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp này.
Thời điểm tháng 3/2016, tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra xác minh, trả lời thông tin báo chí về việc Công ty Phúc Sơn chia lô bán nền đất tài sản Nhà nước tại sân bay Nha Trang (cũ). Nhưng theo báo cáo của Sở, thì chưa tìm thấy và chưa tiếp nhận đơn thư của cá nhân/tổ chức hoặc tài liệu/bằng chứng cho thấy Công ty Phúc Sơn thực hiện chuyển nhượng đất nền tại dự án…
Trong diễn biến mới nhất, tới năm 2019, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hoà đã đề nghị UBND tỉnh này chỉ đạo cơ quan Công an phối hợp cùng sở này trong xác minh thông tin, thu thập hồ sơ mua bán, chuyển nhượng bất động sản có liên quan tới Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn. Lý do, Sở Xây dựng khẳng định doanh nghiệp này đã bán đất khi chưa đủ điều kiện, nhưng doanh nghiệp lại khẳng định không thể làm chủ được việc mua bán đất trong khu vực dự án.
Trước đó, tại báo cáo 169/BC-UBND ngày 24/7/2017 trả lời ý kiến cử tri thành phố Nha Trang gửi tới kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VI, UBND tỉnh Khánh Hòa thông tin: “Được sự thống nhất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại văn bản 1175/TTg-KTN ngày 06/7/2016 cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệc quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu đối với Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để thực hiện các dự án: Nút giao thông Ngọc Hội; Đường vành đai 2; Các tuyến đường, các nút giao thông kết nối sân bay Nha Trang theo hình thức Hợp đồng BT và hoàn vốn từ khai thác quỹ đất khoảng 63 ha tại khu sân bay Nha Trang.
Việc giao đất tại khu sân bay Nha Trang cũ cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án khu đô thị mới (không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư) do đây là dự án đối ứng (hoàn vốn) cho các dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BT, được quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng…”.
Như vậy, theo trả lời của UBND tỉnh Khánh Hòa, diện tích đất giao (không đấu giá) cho Công ty Phúc Sơn là không nằm trong chỉ đạo của Thủ tướng về đấu giá toàn bộ 186,86 ha đất sân bay Nha Trang cũ. Nhưng dường như tỉnh Khánh Hòa cũng không có cách trả lời nào khác đối với thực tế “ván đã đóng thuyền” này. Vì như trên đã nói, đất sân bay Nha Trang cũ đã được giao cho Công ty Phúc Sơn từ năm 2016, trước cả chỉ đạo đấu giá đất của Thủ tướng.
Hiện, đất sân bay Nha Trang cũ giao cho Công ty Phúc Sơn được rao bán với giá bình quân từ 60 triệu đồng tới hơn 100 triệu đồng mỗi m2. Như vậy, không khó hình dung để thấy Phúc Sơn có thể thu được cả chục nghìn tỷ đồng từ diện tích đất được tỉnh Khánh Hòa giao, với danh nghĩa thanh toán cho 3 công trình giao thông trị giá 3.300 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đã đầu tư tại tỉnh.
Nói cách khác, doanh thu của Công ty Phúc Sơn có được từ bán đất sân bay Nha Trang cũ ít nhất cũng gấp đôi tổng vốn đầu tư cho cả dự án của công ty trên nền sân bay cũ, và 3 dự án BT đã thực hiện cho tỉnh Khánh Hòa. Thu nhập tốt thế, sao Khánh Hòa “phải” giao cho tư nhân “xẻ thịt” sân bay Nha Trang cũ? Đó phải chăng cũng là thất thoát tài sản Nhà nước?