Đất Nông nghiệp: Manh mún từ thực tế tới chính sách, lại cần sửa luật tiếp?

(khoahocdoisong.vn) - Những bất cập của Luật Đất đai 2013 ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục được nêu và đề xuất sửa đổi.
Tích tụ đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng đất là cần thiết.

Tích tụ đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng đất là cần thiết.

Thực trạng manh mún, nhỏ lẻ

Theo ThS Đặng Thị Bích Thảo, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nghiên cứu sinh trường Đại học Tsukuba, Nhật Bản, tại xã Liên Giang (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) có tình trạng rất nhiều “khẩu” có suất đất ruộng nhưng hiện không còn ở xã. Họ cho các hộ khác mượn để canh tác, một số chủ đất còn nộp hộ tiền “thóc nước” (chi phí thủy nông, dịch vụ khoa học kỹ thuật, bảo vệ thực vật) cho người mượn đất. Năm 2019, diện tích đất thuê, mượn ở Liên Giang là 31%; diện tích đất không thuê, mượn chiếm 69%.

Hiện nay, đối tượng lao động trồng lúa tại xã Liên Giang phần lớn ở độ tuổi 50 - 65. Khoảng 10 - 20 năm sau, khi thế hệ này già đi, không thể tiếp tục canh tác, thế hệ con cái họ lại xa quê làm ăn, không mặn mà với ruộng đất. Do đó, trong thời gian tới cần có chính sách trao quyền cho người dân, thông qua việc cấp sổ đỏ để họ có thể đưa ruộng đất thành hàng hóa đúng nghĩa trên thị trường.

Cùng nghiên cứu, tại Đồng bằng sông Cửu Long (thị xã Ngã Năm) hiện trạng đất đai và thể chế lại có sự khác biệt lớn so với Liên Giang. Thị trường ruộng đất ở thị xã Ngã Năm phát triển mạnh hơn do người dân có quyền đất đai khá đầy đủ, tỷ lệ thửa đất có sổ đỏ chiếm 86%. Thị trường đất đai ở Ngã Năm rất phát triển với 39,41% đất đai có nguồn gốc từ mua bán. Trong khi đó, nguồn gốc đất đai ở xã Liên Giang chủ yếu từ Nhà nước cấp (80%).

Như vậy, nhu cầu mua và thuê ruộng đất ở Ngã Năm khá lớn so với xã Liên Giang. Dù trải qua 2 lần dồn điền đổi thửa, đất đai ở xã Liên Giang vẫn manh mún (2,68 thửa/hộ so với 2,03 thửa/hộ). Tỷ lệ diện tích mong muốn được chuyển đổi mục đích sử dụng đất ở xã Liên Giang cao hơn so với thị xã Ngã Năm (người dân mong muốn chuyển đổi đất ruộng kém hiêu quả sang trồng cây ăn quả hoặc hoa màu). Áp lực bỏ ruộng đang ngày càng lớn ở xã Liên Giang. Một tỷ lệ lớn các hộ gia đình sẽ không có sinh kế ổn định nếu không có ruộng đất.

“Cần tạo ra các sàn giao dịch đất ruộng, các công ty thuê, mua đất ruộng rồi cho thuê, bán lại, các công ty tư vấn để hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những thửa ruộng canh tác lúa kém hiệu quả (do chuột bọ hoặc máy móc không thể tiếp cận), đi đôi với đó là việc đo đạc đất đai, cấp sổ đỏ và giám sát chặt chẽ để tránh tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp” - ThS Đặng Thị Bích Thảo khuyến nghị.

Theo chuyên gia này, với quy mô đất đai của Việt Nam cực kỳ manh mún, việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường hiệu quả sử dụng đất là cần thiết. Tuy nhiên, việc dồn điền đổi thửa cần được thực hiện dân chủ, có sự tham gia sâu sát của người dân.

Gỡ “rào cản” từ chính sách

Cùng quan điểm thúc đẩy nguồn cung cho thị trường giao dịch đất nông nghiệp, ThS Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi đề xuất gỡ bỏ các rào cản cứng nhằm hạn chế việc giao dịch đất nông nghiệp, thay vào đó là các chế tài đảm bảo việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích sử dụng đất.

ThS Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi.

ThS Trương Quốc Cần, Viện trưởng Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi.

Theo đó, khung giá đất không sát với thị trường là rào cản đối với các giao dịch chuyển nhượng đất nông nghiệp, gây khó khăn cho việc xác định giá. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân không muốn chuyển nhượng đất nông nghiệp mặc dù không còn nhu cầu. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung đất nông nghiệp, giảm hiệu quả sử dụng đất.

Việc miễn, giảm thuế đất không khuyến khích việc sử dụng đất đai một cách hiệu quả, không tạo được động lực để giải phóng đất nông nghiệp từ những hộ không còn nhu cầu hoặc không còn khả năng sản xuất nhưng vẫn muốn giữ đất. Việc không cho phép nhận chuyển nhượng đất lúa đối với tổ chức, cá nhân và người không trực tiếp sản xuất làm hạn chế sự tham gia của các cá nhân, tổ chức có năng lực, nguồn lực và muốn đầu tư sản xuất nông nghiệp lâu dài. Điều này hạn chế khả năng tiếp cận và đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vào các lĩnh vực này.

Do đó, ThS Trương Quốc Cần cho rằng, cần sửa đổi điều 62 Luật Đất Đai (LĐĐ) 2013, hạn chế các trường hợp thu hồi đất và cụ thể hóa các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, bỏ Khoản d điều 62 LĐĐ 2013. Rà soát lại và điều chỉnh quy định về các trường hợp không được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại các điều 76 đến 78 LĐĐ 2013 nhằm đảm bảo quyền lợi của các đối tượng đi thuê lại, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất… Thay đổi hình thức định giá đất như quy định tại các điều 18, điều 112 đến 116 LĐĐ 2013. Loại bỏ các rào cản cứng mang tính phân biệt đối xử trong tiếp cận đất đai như quy định tại điều 130, điều 191 LĐĐ 2013... Nên có quy hoạch “cứng” với các loại đất cần bảo vệ chặt chẽ như đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất lúa; bên cạnh đó cho phép sự linh hoạt chuyển đổi trong phạm vi các loại đất khác.

Theo ThS Trương Quốc Cần, cần xây dựng trung tâm hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp, thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa các cá nhân và tổ chức kinh tế. Cần quy định rõ cơ chế báo cáo, thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu từ kết quả giám sát của công dân, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát của công dân, trong hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý sử dụng đất đai.

Cần tạo ra các sàn giao dịch đất ruộng, các công ty thuê, mua đất ruộng rồi cho thuê, bán lại, các công ty tư vấn để hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất.

Cần tạo ra các sàn giao dịch đất ruộng, các công ty thuê, mua đất ruộng rồi cho thuê, bán lại, các công ty tư vấn để hỗ trợ tích tụ, tập trung ruộng đất.

Trong bối cảnh khó khăn do Covid-19 gây ra, Tổ chức Oxfam cũng khuyến cáo rằng, Việt Nam cần có các chính sách khuyến khích nông hộ tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để hình thành các nông hộ lớn, chuyên nghiệp, có trình độ canh tác và quản lý tốt. Sự kết nối chặt chẽ giữa nông hộ với doanh nghiệp đóng vai trò then chốt thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và hiệu quả thị trường đất nông nghiệp cũng như kết nối cung – cầu thiết thực bền vững.

Theo Đời sống
Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Mì chính không rõ nguồn gốc... gây hại sức khoẻ

Những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng có thể gây nguy hại sức khỏe. Đặc biệt, mì chính lại là loại gia vị mà chúng ta ăn hàng ngày. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu tâm khi mua sản phẩm.
Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Thêm nguồn cung cấp DAP chất lượng cao

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) sẽ đưa sản phẩm DAP 64 Vàng/Tự nhiên về Việt Nam với chất lượng vượt trội, chi phí cạnh tranh.Bà con nông dân sẽ không còn phải lo lắng vì thiếu nguồn cung chất lượng.
back to top