Quan ngại giảm đất trồng lúa
Theo số liệu trong báo cáo “Hiện trạng đất đai khu vực sông Mê Kông”, trong 5 năm, từ 2010 - 2014, diện tích đất trồng lúa nói riêng tăng 18.544 ha. Tuy nhiên, việc tăng diện tích này lại hàm chứa những nguy cơ khi có tới 32/63 tỉnh, thành trên cả nước diện tích đất trồng lúa suy giảm.
Trong đó, các tỉnh bị suy giảm mạnh như Tiền Giang (9.600ha), TPHCM (9.100ha), Bến Tre (7.600ha), Tây Ninh (7.400ha), Đồng Nai (7.100ha)… Nguyên nhân là do việc thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp (các dự án công, phát triển đô thị và khu dân cư nông thôn hoặc sản xuất và kinh doanh phi nông nghiệp). Ngoài ra, còn có những lý do khác, như chuyển đổi đất trồng lúa sang các hình thức sản xuất nông nghiệp khác như trồng cây lâu năm (cao su, cà phê, cây cảnh, cây ăn quả…), nuôi trồng thủy sản; và do các khảo sát và dữ liệu sử dụng đất của những năm trước đó không được chính xác.
Từ năm 2010 - 2014, tổng diện tích đất sử dụng cho các mục đích đặc biệt tăng 32.860ha, là mức tăng lớn nhất trong số các loại đất phi nông nghiệp, bao gồm đất được sử dụng cho mục đích công cộng, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp.
Đất sử dụng cho mục đích công cộng gồm các dự án giao thông và thủy lợi. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp lại chủ yếu được sử dụng để xây dựng các khu công nghiệp, du lịch và các dự án dịch vụ, dự án bất động sản thương mại. Diện tích đất này cũng bao gồm các khu vực đất đã được cấp, cho thuê và được phê duyệt để chuyển đổi sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhưng vẫn chưa được sử dụng – điển hình là các dự án treo.
Báo cáo đánh giá, hiện trạng thu hồi đất có ảnh hưởng đến tình trạng mất đất trồng lúa từ năm 2010 - 2014 là đáng quan ngại. Nguyên nhân, do dân số Việt Nam vẫn chủ yếu ở nông thôn, và các khu đất bị thu hồi thường là những khu vực đất đai màu mỡ nhất.
Ngoài ra, tỷ lệ dân số có việc làm hàng năm là người lao động lành nghề trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như tỷ trọng của ngành nông nghiệp trong tổng GDP trong cả nước đều giảm.
Điều này đặt ra câu hỏi về tác động của việc thu hồi đất và gia tăng chuyển đổi đất trồng lúa nói riêng và đất sản xuất nông nghiệp nói chung cho các mục đích phi nông nghiệp đối với dân số nông thôn, việc làm và cơ cấu nền kinh tế của đất nước.
Vấn nạn thu hồi đất
Trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa, đất đai ngày càng trở nên có giá trị và khan hiếm hơn ở Việt Nam. Trong thời gian qua, đất nông nghiệp bị thu hồi và chuyển đổi với tốc độ nhanh chóng, thống kê cho thấy có gần 1 triệu ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi trong 10 năm (2001 - 2010).
Trong khi đó, mức bồi thường đối với đất nông nghiệp hiện tương đối thấp. Các chủ đầu tư bất động sản đã thôn tính đất nông nghiệp nông thôn từ các hộ gia đình và cá nhân, thông qua cơ chế thị trường tự nguyện, hoặc thông qua thu hồi đất bắt buộc của Nhà nước.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng thu hồi và chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp từ các hộ gia đình và cá nhân, sau đó cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuê lại đất để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng hoặc các lợi ích khác, hoặc thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Theo báo cáo không đầy đủ từ 49 tỉnh và thành phố, từ năm 2004 - 2009, có tổng cộng 750.000ha đất đã bị thu hồi cho 29.000 dự án đầu tư. Hơn 80% tổng diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp. Các tỉnh có mức tăng trưởng thị trường và phát triển kinh tế cao được xác định là những tỉnh cũng có diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi lớn nhất, cụ thể là: Tiền Giang (20.300ha), Đồng Nai (19.700ha), Bình Dương (16.000ha), Hà Nội (7.700ha), Vĩnh Phúc (5.500ha).
Việc thu hồi đất nông nghiệp ảnh hưởng tới việc làm và sinh kế của các hộ gia đình và cá nhân. Trong giai đoạn 2003-2008, Bộ NN&PTNT đã ghi nhận có 627.000 hộ gia đình, tương đương 2,5 triệu người, đã bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất nông nghiệp.
Dù đã có các chính sách bồi thường và tái định cư để hỗ trợ các hộ gia đình thay đổi các hoạt động sinh kế, nhưng 67% những người làm việc trong nông nghiệp đã không chuyển sang công việc hoặc lĩnh vực mới sau khi mất đất sản xuất nông nghiệp; 25%-30% không thể tìm được việc làm hay có việc làm ổn định; và chỉ có 13% chuyển đổi thành công sang công việc hoặc ngành nghề mới.
Quy mô và phạm vi thu hồi đất lớn chưa từng có diễn ra sau năm 2003 trùng với việc tăng cường quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và thị trường hóa ở Việt Nam. Bước ngoặt chưa từng có này cũng có thể được xem là kết quả của việc mở rộng phạm vi và quyền quyết định của các cơ quan chính quyền trong công tác thu hồi đất.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhìn nhận, các chính sách đất đai quan trọng nhất ở Việt Nam gắn liền với sự chuyển đổi của Việt Nam từ nền kinh tế bao cấp nhà nước sang nền kinh tế thị trường. Cho đến giai đoạn hiện nay, tất cả các công cụ quản lý đất đai bao gồm luật đất đai, quy hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai và quản lý đất đai, đều cho thấy quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước. Sự tham gia của người dân trong quản lý đất đai được quy định trong pháp luật, nhưng lại bị hạn chế trong triển khai trên thực tế, làm giảm hiệu quả kiểm soát tham nhũng.
Điều này thể hiện qua việc chuyển đổi đất chủ yếu dựa trên cơ chế thu hồi đất của Nhà nước với giá trị bồi thường dựa trên giá đất do các cơ quan hành chính có liên quan quyết định, dẫn đến sự không đồng thuận của người dân. Từ đây phát sinh các cuộc biểu tình, kiến nghị và khiếu nại liên quan đến đất đai.