Phú Quốc phải có "đẳng cấp quốc tế"
Tại hội nghị Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang diễn ra vào ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang cần có tầm nhìn để biến “đảo ngọc” thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng giải trí độc đáo mang đẳng cấp quốc tế.
"Chúng ta tập trung cho Phú Quốc phát triển không phải để cạnh tranh với các địa phương của Việt Nam trong thu hút nguồn lực và cơ hội phát triển, mà để Phú Quốc cạnh tranh hiệu quả và sòng phẳng với các quốc gia khác", Thủ tướng nói.
Phú Quốc cũng nên tập trung vào những lợi thế so sánh cốt lõi là tài nguyên biển và tài nguyên sinh thái. Cần phát triển chuỗi giá trị du lịch bao gồm những ngành kinh tế liên quan để các ngành đó không mâu thuẫn với phát triển du lịch, giữ được vẻ đẹp tự nhiên, cảnh quan môi trường và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương Phú Quốc.
Phát triển Phú Quốc cần lưu ý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai, bảo đảm chất lượng môi trường và quan tâm đến lợi ích của người dân nhất là sinh kế. Thu hút những nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính, có lợi ích lâu dài ở Phú Quốc.
Đối với việc thu hút nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng Phú Quốc nên thu hút các nhà đầu tư lớn, đúng nghĩa là giàu kinh nghiệm, có thực lực về tài chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo đang phát triển với tốc độ nhanh này. Để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, “không được bê tông hóa Phú Quốc”.
Thủ tướng nêu rõ trong quá trình hoạch định, đầu tư phát triển Kiên Giang nói chung, Phú Quốc nói riêng, tuyệt đối cần bảo đảm chất lượng môi trường từ chất lượng nguồn nước cho tới đất đai và không khí phải thực sự tinh khiết và trong sạch; kiên quyết không phá vỡ môi trường, cảnh quan tự nhiên vì tầm nhìn ngắn hạn.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Phạm Vũ Hồng, tỉnh: “sẽ làm tất cả những gì có thể với mục tiêu cao nhất là hỗ trợ tốt hơn, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Kiên Giang”.
Ông Hồng cho biết, các nhà đầu tư đến Phú Quốc sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ chính quyền tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc. Nếu ngoài thẩm quyền, địa phương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan để kịp thời tháo gỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Cùng với nới lỏng chính sách thu hút đầu tư, Phú Quốc còn đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng trọng điểm có ý nghĩa đòn bẩy cho phát triển kinh tế, du lịch như Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hàng hóa quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách Dương Đông, đường điện cáp ngầm Hà Tiên - Phú Quốc, đường quanh đảo, đường trục chính Nam - Bắc...
Nhưng Phú Quốc đang bị chia nhỏ
Bên cạnh sự đổi thay từng ngày nhờ cơ chế hấp dẫn, tại Phú Quốc cũng đang có thực tế khác. Hạ tầng được xây dựng nhanh, và những tin đồn về cơ chế khiến bất động sản tại Phú Quốc... “sốt cao”. Đặc biệt trong giai đoạn Quốc hội chuẩn thảo luận về Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đồng thời với việc xây dựng Đề án đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc.
Hệ quả, xây dựng trái phép đã trở thành vấn nạn nhức nhối trên đảo Phú Quốc trong những năm qua. Theo một nhà thầu ước tính, rất nhiều công trình xây dựng tại Phú Quốc có vi phạm trong xây dựng, đất đai. Ngoài việc có “ông nào đó” bảo kê, thì các băng nhóm “xã hội đen” cũng lấn sâu vào lãnh địa này.
Các đối tượng tự ý, ngang nhiên bao chiếm đất nhà nước quản lý, đất rừng, lấn chiếm suối, hành lang ven biển, hành lang giao thông, đất đã giao cho nhà đầu tư nằm trong dự án; xây dựng không phép, trái phép, sai phép, cất nhà trên đất nông nghiệp, phân lô, bán nền… gây nhiều khó khăn, trở ngại cho huyện trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.
Sai phạm trên, phần lớn xuất phát từ việc UBND tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc ban hành các quyết định thu hồi đất, giao đất không chính xác, có trùng lắp về diện tích, không lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất để địa phương quản lý hồ sơ địa chính theo quy định; không tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với UBND các xã, thị trấn địa bàn huyện Phú Quốc.
Cụ thể, UBND thị trấn An Thới được giao gần 349 ha đất, nhưng thực tế quản lý hơn 665 ha, UBND xã Dương Tơ giao 2.298 ha nhưng chỉ quản 1.214 ha. Tương tự, UBND xã Cửa Dương được giao 650 ha nhưng chỉ thực nhận quản lý 380 ha. Xã Cửa Cạn và xã Hàm Ninh cũng bị giao thiếu đất rất nhiều so quyết định ban đầu.
Để chấn chỉnh hiện trạng này, từ tháng 4/2018, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo kiểm tra các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng trên địa bàn huyện Phú Quốc, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan đã buông lỏng quản lí, cấu kết, bao che, tiếp tay để xảy ra vi phạm, có biện pháp xử lý theo qui định pháp luật. Thậm chí, Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý hình sự các đối tượng phá rừng phòng hộ, rừng quốc gia, lấn chiếm đất công chuyển nhượng trái phép (vi phạm luật đất đai) theo đúng qui định pháp luật.
Sau chỉ đạo trên, tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã thành lập tổ xử lý vi phạm về công tác quản lý đất đai trên địa bàn. Kết quả ghi nhận vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng diễn ra hầu khắp các xã, thị trấn của huyện Phú Quốc.
Đến nay, tổ xử lý đã phát hiện 257 vụ, xử lý 32 trường hợp, thu hồi thực địa tổng diện tích trên 228.654 m2; phát hiện 1.034 trường hợp xây dựng trái phép, xử lý 15 trường hợp. Xã đảo Hòn Thơm dẫn đầu với 900 vụ, vi phạm về xây dựng lên đến 850 vụ, chủ yếu xây dựng nhà trên đất nông nghiệp (782 vụ) và xây nhà trong đất rừng phòng hộ (68 vụ).
Tuy nhiên, thực tế tại huyện đảo Phú Quốc, các dự án, công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, hàng chục dự án chỉ tháo dỡ biển quảng cáo để đối phó, còn lại vẫn đấu nối giao thông, tự mở đường để phân lô bán nền. Việc xử lý "nhẹ tay", buông lỏng quản lý tại Phú Quốc có nguy cơ khiến "đảo ngọc" tiếp tục bị băm nát.