Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thông tin, một nhóm y bác sĩ của bệnh viện khi trong quá trình đi du lịch đã cấp cứu kịp thời cho một bệnh nhân ngay giữa đèo.
Cụ thể, ngày 21/8, khi đang trên đường đèo dốc đến khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc), nhóm y bác sĩ Khoa Dược đã phát hiện một người phụ nữ nằm bên đường, nghi bị tai nạn giao thông. Ngay lập tức, họ xuống xe và mang theo vali cấp cứu, kiểm tra tình trạng của bệnh nhân.
Các y bác sĩ cấp cứu người bị nạn. Ảnh BVCC |
Khi phát hiện nạn nhân bị tai nạn giao thông, các y bác sĩ của bệnh viện đã kịp thời cấp cứu, giảm đau và cầm máu ngay tại chỗ cho bệnh nhân. Việc người bệnh được cấp cứu tại hiện trường đã giúp hạn chế thương tổn và nguy cơ sức khỏe trước khi được đưa đến cơ sở y tế.
Theo đại diện của Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương chia sẻ, "Đã là nhân viên y tế thì khi gặp người bị nạn chắc chắn sẽ không ai đứng nhìn mà sẵn sàng hỗ trợ hết sức có thể. Nhưng nếu trong hoàn cảnh đi du lịch, đi chơi và chỉ có thể hỗ trợ bằng… hai bàn tay trắng, không có bất cứ một vật dụng, thuốc hoặc trang thiết bị y tế nào thì có thể một số trường hợp sẽ không kịp đợi đồng nghiệp đến ứng cứu.
Chính vì vậy, tất cả các xe của bệnh viện kể cả không phải là xe cứu thương cũng đều trang bị một vali cấp cứu với đầy đủ các thuốc, vật tư thiết yếu. Chiếc vali cấp cứu đã đồng hành trên tất cả các chặng đường xuôi ngược dù là xe đi công tác hay đi tham quan du lịch…"
Theo Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, đây không phải là trường hợp đầu tiên đội ngũ nhân viên y tế của bệnh viện sơ, cấp cứu bệnh nhân ngoài hiện trường, khi trong quá trình đi du lịch, công tác.
Dù trong hoàn cảnh nào người bệnh cũng sẽ được cấp cứu kịp thời nhất và bằng hết khả năng chuyên môn bằng lương tâm và trách nhiệm.
Đánh giá về vai trò của cấp cứu ban đầu, ThS BS Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, sơ cấp cứu giúp giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục.
Từng trường hợp có cách cấp cứu cơ bản khác nhau:
- Đối với nạn nhân vẫn còn ý thức, tỉnh táo: Cần đưa về tư thế khiến người bị nạn cảm thấy dễ chịu nhất để hồi phục.
- Đối với nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn còn nhịp thở và mạch: Đưa về tư thế nằm nghiêng an toàn nếu như không có chấn thương về cột sống, nhằm bảo vệ nhịp thở.
- Đối với nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mất mạch: Cần nắm rõ, thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản.