Định hướng cụ thể
Ngày 18/3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch điện VII từ nay đến năm 2030, năng lượng phải đáp ứng đủ nhu cầu điện cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm; nhu cầu điện thương phẩm các năm 2020, 2025, 2030 sẽ tương ứng là 235 tỉ kWh, 352 tỉ kWh và 506 tỉ kWh (tổng sản lượng điện thương phẩm năm 2018 đạt 192,93 tỉ kWh).
Tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030). Nếu tổng công suất của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030. Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.
Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp có tính kinh tế cao, cần được ưu tiên, đẩy mạnh thực hiện ngay. Các chương trình, hoạt động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nếu được tổ chức và thực hiện tốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn nguồn năng lượng của quốc gia, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, giúp thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng. Ngày 14/4/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 79/2006/QĐ-TTg về việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 - 2015, nhằm dỡ bỏ các rào cản, tạo bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chương trình được triển khai thực hiện thành công và đã đạt mục tiêu tiết kiệm được 3,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn 2006 - 2010, tương đương với 4,9 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và tiết kiệm được 5,65% trong giai đoạn 2011-2015, tương đương với 11,261 triệu TOE.
Giải pháp toàn diện
Nhằm tiếp nối các kết quả thành công đạt được của Chương trình, Bộ Công Thương đã xây dựng Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu tại Diễn đàn năng lượng Việt Nam |
Tại hội nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: "Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để chúng ta lắng nghe quan điểm, ý kiến của đại diện các bộ, ban ngành trung ương và địa phương, các chuyên gia, các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp để chúng ta có cái nhìn toàn cảnh về mục tiêu, những thuận lợi, khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành năng lượng trong giai đoạn tới; vai trò của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững ngành năng lượng cũng như các giải pháp cần thực hiện để đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm cường độ năng lượng quốc gia cũng và thực hiện thành công Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030"
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, sự quan tâm của các doanh nghiệp và người dân đối với vấn đề tiết kiệm năng lượng còn thấp, các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học đề cập đến các vấn đề này cũng không nhiều. Do đó, muốn tuyên truyền, đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội thì cần nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân, đồng thời các nhà khoa học trong lĩnh vực điện, năng lượng cũng nên tập trung nghiên cứu về vấn đề này nhiều hơn nữa..
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 đặt ra mục tiêu tổng quát, gồm: Huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu KHCN và phát triển sản phẩm, chuyển đổi thị trường, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Hai là hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động xã hội, giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế, tiết kiệm năng lượng trở thành hoạt động thường xuyên đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm và các ngành kinh tế trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chỉ ra 4 yếu tố cần khắc phục trong sử dụng năng lượng tiết kiệm vào hiệu quả, đó là: Nhận thức, cơ chế chính sách, quản lý, khoa học công nghệ.
Ông Phát khẳng định: "Cần có sự đồng thuận cao giữa các bBộ, ngành để thúc đẩy chủ trương sử dụng tiết kiệm năng lượng hiệu quả".
Tại Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Võ Quang Lâm cho biết, đến hết năm 2018, hệ thống điện Việt Nam đạt tổng công suất đặt hơn 48.000 MW, đứng thứ 2 khu vực ASEAN (sau Indonesia). Trong đó, các nguồn điện do EVN và các tổng công ty phát điện trực thuộc quản lý chiếm tỷ trọng 58%. EVN đã tăng cường triển khai các giải pháp và chất lượng cung cấp điện đã được cải thiện đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổn thất điện năng toàn Tập đoàn thực hiện 6,59%, tốt hơn 0,17% so với cùng kỳ năm 2018, đứng thứ 3 ASEAN (sau Singapore và Thái Lan). Về chỉ số tiếp cận điện năng, Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực.