Đại gia Hồ Xuân Năng đã thâu tóm VICOSTONE thế nào?

(khoahocdoisong.vn) - Red River Holding Limited, Beira Limited, Wonderful Kitchen dù đều là những cổ đông lớn, nhưng không “lọt” danh sách HĐQT VICOSTONE và cuối cùng phải ra đi. Trong khi đó chính VICOSTONE lại "chịu" biến thành công ty con của đối thủ PHENIKAA.
PHENIKAA vừa giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-In-Vietnam" (Ảnh: phenikaa.com)

PHENIKAA vừa giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-In-Vietnam"  (Ảnh: phenikaa.com)

Đằng trước bắt tay, phía sau sẵn... khóa

Công ty CP VICOSTONE tiền thân là Nhà máy ốp lát cao cấp VINACONEX thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) được thành lập ngày 19/12/2002. Đây là nhà máy đầu tiên tại châu Á sản xuất đá ốp lát nhân tạo theo công nghệ Breton (Ý).

Năm 2003 đơn vị này khánh thành và đưa vào vận hành 02 dây chuyền sản xuất đá ốp lát nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (dây chuyền Terastone) và hữu cơ (dây chuyền Bretonstone) với tổng công suất quy đổi là 920.000m2/năm. Sau 1 năm vận hành, VICOSTONE đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Úc.

Đến năm 2006 VICOSTONE kinh doanh có lãi với lợi nhuận sau thuế đạt 5,6 tỷ đồng. Giai đoạn 2006 - 2011 cho thấy sự phát triển lớn của VICOSTONE, khi lợi nhuận hàng năm tăng mạnh, đến năm 2011 đạt 122,87 tỷ đồng. Tuy nhiên, các năm 2012 và 2013 bắt đầu sụt giảm với lợi nhuận sau thuế chỉ còn lần lượt là 56,06 tỷ đồng, 68,27 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận sau thuế các năm 2012, 2013 có sụt giảm nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2005 - 2013 vẫn trên đà tăng trưởng, từ 8,04 triệu USD lên 60,45 triệu USD, song song với đó tổng doanh thu vẫn tăng từ 136,26 - 1.324 tỷ đồng.

Phải nói rằng ngay từ giai đoạn hình thành, VICOSTONE đã được đầu tư để trở thành thương hiệu lớn, đi đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đá ốp lát cao cấp nhân tạo gốc thạch anh theo công nghệ chuyển giao từ hãng Breton (Ý). Trong cơ cấu doanh thu của VICOSTONE, thị trường châu Mỹ, châu Úc và châu Âu là 3 thị trường chính chiếm hơn 97,82% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2013.

Nhưng dù VICOSTONE đi đầu sản xuất, kinh doanh đá ốp thạch anh và có sự góp mặt nhân sự cao cấp, nhiều kinh nghiệp như ông Hồ Xuân Năng, nhưng doanh nghiệp này vẫn bị Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A (nay là PHENIKAA) – một doanh nghiệp non trẻ hơn (thành lập năm 2010)... vượt mặt.

Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A đã nhanh chân ký hợp đồng độc quyền thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh 06 năm với chính hãng Breton - đối tác lâu năm của VICOSTONE. Điều này khiến VICOSTONE phải “quy phục” vì phụ thuộc vào hợp đồng độc quyền công nghệ của đối thủ.

Tới ngày 5/8/2014, Đại hội đồng cổ đông VICOSTONE đã thông qua việc để Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A nhận chuyển nhượng cổ phiếu có quyền biểu quyết từ các cổ đông của VICOSTONE, mà không phải chào mua công khai.

Sau đó, ngày 12/8/2014, Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A đã hoàn tất giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phần của VICOSTONE, với việc mua thêm 29.381.921 cổ phiếu để nắm giữ tổng số 30.737.321 cổ phiếu, chiếm 58% tổng số cổ phần đang lưu hành và trở thành công ty mẹ của VICOSTONE.

Đáng chú ý, PHENIKAA hay Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A còn có "khai sinh" đầu tiên là Công ty CP Cảnh Phúc. 

Tại Công ty Cảnh Phúc, thời điểm mới được thành lập, có phu nhân của ông Hồ Xuân Năng - bà Phạm Thị Thu Hằng - làm cổ đông sáng lập, lấy nơi đăng ký thường trú của vợ chồng ông Hồ Xuân Năng (số A33, phố Hoàng Ngân, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đặt làm trụ sở chính.

Điều khá thú vị là sau khi PHENIKAA thâu tóm thành công VICOSTONE thì ông Hồ Xuân Năng đã quay lại 54 triệu cổ phần của PHENIKAA, tương đương 90% vốn điều lệ và trở thành Chủ tịch HĐQT PHENIKAA.

Ông Hồ Xuân Năng hiện là đồng Chủ tịch HĐQT của VICOSTONE và PHENIKAA (Ảnh: phenikaa.com)

Ông Hồ Xuân Năng hiện là đồng Chủ tịch HĐQT của VICOSTONE và PHENIKAA (Ảnh: phenikaa.com)

Cổ đông ngoại đồng loạt ra đi

Giai đoạn trước khi VICOSTONE “về tay” PHENIKAA, nên nhớ rằng trong VICOSTONE có nhóm cổ đông nước ngoài, thậm chí là cổ đông lớn. Nhưng các cổ đông này không “lọt” vào được danh sách HĐQT và giữa các nhóm cổ đông trong VICOSTONE có nhiều bất đồng.

Chốt đến ngày 28/3/2014, có 3 cổ đông lớn nước ngoài sở hữu tới 24.521.733 cổ phiếu tương đương 46,27% cổ phiếu lưu hành tại VICOSTONE. Trong đó, Red River Holding Limited nắm giữ 9.781.215 cổ phiếu chiếm 18,46%, Beira Limited nắm giữ 8.013.218 cổ phiếu chiếm 15,12% và Wonderful Kitchen nắm giữ 6.727.300 cổ phiếu chiếm 12,69%. Thời điểm này cá nhân ông Hồ Xuân Năng luôn nằm trong HĐQT của VICOSTONE và chỉ sở hữu 362.844 cổ phiếu chiếm 0,68%.

Tuy nhiên, sau đó các cổ đông ngoại đều phải “bật” khỏi VICOSTONE. Cùng ngày 11/6/2014, Beira Limited và Red River Holding đồng loạt chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Còn Wonderful Kitchen cũng chuyển nhượng toàn bộ cổ phiếu của mình trong tháng 7/2014.

Đáng lưu ý rằng, cùng ngày giao dịch 11/6/2014 đã xuất hiện nhóm cá nhân có là 3 anh em các ông Phạm Hùng, Phạm Anh Đức và Phạm Đông đồng loạt mua cổ phiếu của VICOSTONE. Trong đó, ông Phạm Hùng mua thêm 1.640.900 cổ phiếu để nâng tỷ lệ lên 2.543.952 cổ phiếu (4,8% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VICOSTONE), ông Phạm Anh Đức đang nắm giữ 09 cổ phiếu mua thêm 2.543.962 cổ phiếu để sở hữu 2.543.971 cổ phiếu chiếm 4,8%; Ông Phạm Ngọc Đông đang nắm giữ 01 cổ phiếu nhưng mua thêm 2.542.000 cổ phiếu để sở hữu 2.542.001 cổ phiếu chiếm 4,8%.

Như vậy, nhóm này đã gom thêm được tổng cộng 7.629.924 cổ phiếu, tương đương 14,4% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của VICOSTONE.

Chỉ sau đó khoảng hơn 2 tháng, vào ngày 12/8/2014, ông Phạm Hùng và các anh trai chuyển nhượng toàn bộ số cổ phiếu đã gom được. Khá trùng hợp cũng vào ngày 12/8/2014, Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A giao dịch thành công gom thêm được 29.381.921 cổ phiếu để nắm giữ 30.737.321 cổ phiếu chiếm 58% tổng số cổ phiếu VICOSTONE giúp doanh nghiệp này trở thành Công ty mẹ của VICOSTONE.

Tìm hiểu cho thấy, giữa ông Phạm Hùng và Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A quan hệ rất gắn kết. Trong đó, ông Phạm Hùng và vợ là bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp cùng bà Phạm Thị Thu Hằng (phu nhân của ông Hồ Xuân Năng) đều là những cổ đông sáng lập của Công ty CP Cảnh Phúc - tiền thân Công ty CP Phượng Hoàng Xanh A&A nay là Tập đoàn PHENIKAA.

Sau khi PHENIKAA thâu tóm thành công VICOSTONE thì bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp cũng về với VICOSTONE và giữ một chân trong HĐQT. 

Ngoài ra, năm 2010 ông Phạm Hùng cùng Công ty CP Cảnh Phúc còn sáng lập lên Công ty CP đầu tư Tĩnh Phát – doanh nghiệp do bà Phạm Thị Thu Hằng làm Chủ tịch HĐQT.

Như vậy có thể thấy, từ một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc VINACONEX, sau những cuộc thoái vốn nhà nước, gom, thâu tóm cổ phần, VICOSTONE đã dần tư nhân hoá, sau diễn biến thâu tóm cổ phần với sự góp mặt ngay từ đầu của doanh nghiệp liên quan tới gia đình ông Hồ Xuân Năng.

Theo Đời sống
back to top