Chiêu thâu tóm đặc biệt của “đại gia” Hồ Xuân Năng tại PHENIKAA

(khoahocdoisong.vn) - PHENIKAA ra đời sau và vào thị trường đá ốp thạch anh sau VICOSTNOE. Tuy nhiên, PHENIKAA đã dành thị phần và “thâu tóm” VICOSTONE một cách ngoạn mục. Nếu tìm hiểu về Công ty CP Cảnh Phúc – một doanh nghiệp có yếu tố gia đình đại gia Hồ Xuân Năng và tiền thân của PHENIKAA - mọi chuyện là có thể hiểu, đặc biệt về những gì được gọi tên là... thủ đoạn.
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn PHENIKAA (Ảnh: phenika.com).

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn PHENIKAA (Ảnh: phenika.com).

“Thâu tóm” thị trường đá ốp thạch anh

Tháng 3/2021, Tập đoàn PHENIKAA ra mắt xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-In-Vietnam" đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này gây sự chú ý lớn với giới truyền thông bởi dòng xe công nghệ cao cấp này.

Cần chú ý, mảng công nghệ không phải là khởi nguồn cho sự phát triển của PHENIKAA. Mà sản xuất, kinh doanh đá ốp thạch anh mới là lĩnh vực quan trọng giúp PHENIKAA phát triển như ngày nay.

Dù ra đời sau và hướng tới xâm thực thị phần sản xuất đá thạch anh, nhưng PHENIKAA vẫn có “chiêu” bóp nghẹt Công ty CP VICOSTONE – một doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn trước đây thuộc Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX), doanh nghiệp này khi ấy có dấu ấn đậm nét của ông Hồ Xuân Năng trong vai trò người quản trị.

Cá nhân ông Hồ Xuân Năng phải nói có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bởi vị này từ tháng 1/1999 - 1/2001 đã là Thư ký Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Tổng Công ty VINACONEX. Sau đó giữ vị trí Bí thư Chi bộ - Giám đốc Nhà máy đá ốp lát cao cấp VINACONEX (sau đó đổi tên Công ty CP đá ốp lát cao cấp VINACONEX và hiện nay là VICOSTONE). Đến tháng 3/2007, ông Hồ Xuân Năng trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty CP đá ốp lát cao cấp VINACONEX.

Nên biết rằng, VICOSTONE được thành lập theo Quyết định số 1719/QĐ/VC - TCLĐ ngày 19/12/2002 của Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (VINACONEX ngày nay) để thực hiện đầu tư dự án: dây chuyền sản xuất đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính hữu cơ (Bretonstone) và dây chuyền đá ốp lát cao cấp nhân tạo sử dụng chất kết dính xi măng (Terastone).

Ngày 17/12/2004, Bộ trưởng Bộ xây dựng ký Quyết định số 2015/QĐ – BXD chuyển Nhà máy Đá ốp lát cao cấp VINACONEX thuộc Tổng Công ty Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam thành Công ty CP Đá ốp lát cao cấp VINACONEX.

Ngày 2/6/2005, Công ty CP Đá ốp lát cao cấp VINACONEX chính thức đi vào hoạt động với vốn điều lệ đăng ký là 30 tỷ đồng, trong đó Tổng Công ty VINACONEX giữ 60%. Tháng 3/2007, tăng vốn điều lệ thành 100 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất là Tổng Công ty VINACONEX chiếm 51%. Đến năm 2013, công ty chính thức đổi tên thành Công ty CP VICOSTONE và VINACONEX cũng dần thoái vốn, thay vào đó là nhóm cổ đông nước ngoài.

Đối thủ thị phần sản xuất đá ốp nhân tạo thạch anh của VICOSTONE là Tập đoàn PHENIKAA. Đây là doanh nghiệp tư nhân thành lập vào tháng 10/2010. Đến tháng 9/2013, PHENIKAA quyết định đầu tư đúng vào lĩnh vực đá ốp nhân tạo thạch anh. Chính điều này đã đe dọa thị phần của VICOSTONE - nơi mà ông Hồ Xuân Năng khi đó đang trực tiếp giữ vai trò Chủ tịch HĐQT.

Sau đó PHENIKAA đã nhanh chân “bóp nghẹt” VICOSTONE bằng cách ký hợp đồng độc quyền thiết bị và chuyển giao công nghệ 06 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Việc PHENIKAA ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc VICOSTONE sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Chính vì vậy, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2014, Chủ tịch HĐQT Hồ Xuân Năng cùng các thành viên đã biểu quyết thông qua chấp thuận để PHENIKAA được mua từ 51 - 58% cổ phần của VICOSTONE mà không phải thông qua chào mua công khai. Thời điểm này cũng chính là thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài nắm cổ phần lớn phải thoái vốn khỏi doanh nghiệp này, sau những mâu thuẫn cổ đông nội bộ.

Cuối tháng 8/2014, PHENIKAA đã hoàn tất việc mua 58% cổ phần và chính thức trở thành công ty mẹ nắm quyền kiểm soát của VICOSTONE, chính thức PHENIKAA hoàn thành thâu tóm VICOSTONE từ đó.

PHENIKAA giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-In-Vietnam" đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: phenikaa.com).

PHENIKAA giới thiệu xe tự hành thông minh cấp độ 4 “Made-In-Vietnam" đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: phenikaa.com).

Đảo chiều “thâu tóm”

Điều khá thú vị là sau khi dày công thâu tóm thành công VICOSTONE, thì chính nhóm cổ đông PHENIKAA hữu hảo đề xuất, đồng thời được sự đồng ý của HĐQT VICOSTONE, ông Hồ Xuân Năng đã quay lại mua lại phần vốn góp tại PHENIKAA để tới ngày 31/12/2014, ông Hồ Xuân Năng sở hữu 54 triệu cổ phần, tương đương 90% vốn điều lệ của PHENIKAA và trở thành Chủ tịch HĐQT PHENIKAA.

Đây là thương vụ M&A được giới chuyên môn đánh giá cao trí tuệ của ông Hồ Xuân Năng. Tuy nhiên, thực tế điều này không quá bất ngờ. Bởi lẽ, ngay từ thời điểm thành lập, PHENIKAA đã có yếu tố gia đình ông Hồ Xuân Năng và phu nhân - bà Phạm Thị Thu Hằng.

Cụ thể, thời điểm mới thành lập PHENIKAA có tên gọi là Công ty CP Cảnh Phúc. Trong đó, bà Phạm Thị Thu Hằng đã là một trong những cổ đông sáng lập. Bên cạnh đó, trong Cảnh Phúc cũng còn có 01 cổ đông họ “Phạm” nữa là ông Phạm Hùng và 01 cổ đông khác là bà Nghiêm Thị Ngọc Diệp. Thực chất ông Phạm Hùng và bà Nguyên Thị Ngọc Diệp cũng là một cặp vợ chồng.

Công ty CP Cảnh Phúc lúc đó đã lấy địa chỉ thường trú của vợ chồng đại gia Hồ Xuân Năng (số A33, phố Hoàng Ngân, phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để đăng ký làm trụ sở chính. Vì vậy, có thể nói, ngay từ khi mới thành lập yếu tố gia đình của đại gia Hồ Xuân Năng đã xuất hiện và đóng vai trò chi phối tại PHENIKAA.

Mặt khác, không ngẫu nhiên mà PHENIKAA lại chọn đầu tư vào lĩnh vực đá ốp nhân tạo thạch anh để trở thành đối thủ của VICOSTONE và có chung bạn hàng là Breton để rồi thâu tóm VICOSTONE. Ông Hồ Xuân Năng chồng của bà Phạm Thị Thu Hằng đã có nhiều năm làm việc và nắm quyền kiểm soát tại VICOSTONE, cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Kết quả của những cuộc thâu tóm này là sau thời gian tiến hành xâm thực cổ phần, thâu tóm, đến nay gia đình của ông Hồ Xuân Năng hoàn toàn nắm quyền ở cả PHENIKAA lẫn VICOSTONE. Cùng lúc giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của cả 2 doanh nghiệp này và lọt vào top 3 thương hiệu đá thạch anh cao cấp toàn cầu.

Cần nhắc lại thêm, VICOSTONE vốn là công ty con của VINACONEX – một doanh nghiệp có vốn nhà nước, trong khi đó PHENIKAA thuần tuý là doanh nghiệp tư nhân. Và câu chuyện lình xình thoái vốn cũng không phải xảy ra duy nhất một lần tại VINACONEX - thương hiệu xây dựng đình đám và tai tiếng một thời, nay cũng đã hoàn toàn tư nhân hóa. 

Vậy thì bản chất câu chuyện VINACONEX thoái vốn khỏi VICOSTONE là gì, thương vụ thoái vốn này đóng vai trò thế nào trong việc PHENIKAA sau đó đã thâu tóm thành công VICOSTONE ?

Theo Đời sống
back to top