Đại biểu Dương Trung Quốc trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội.
Ủng hộ nhưng cần cẩn trọng
Thưa ông, Dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã, đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Quan điểm của ông thế nào?
Đặc khu kinh tế là mô hình không mới. Đặc khu, tức là tạo ra được một không gian với một số ưu trội thu hút đầu tư và phát triển bền vững. Tôi cho rằng, đặc khu là cần thiết, thậm chí giờ chúng ta mới triển khai đặc khu là hơi chậm. Nhưng khi đưa ra mô hình đặc khu nó phải phù hợp với sự thay đổi của thời đại, đặc thù riêng của Việt Nam. Mỗi nước có cách làm khác nhau, không thể bắt chước.
Đặc thù riêng của Việt Nam ở đây là gì, thưa ông?
Điều tôi lo lắng nhất là cùng một lúc chúng ta triển khai ba đặc khu một lúc ở những vị trí có thể nói là cửa ngõ. Ông Bộ trưởng nói rằng thiên hạ cũng có 99 năm, nhưng tít ở ngoài đảo Thái Bình Dương, còn chúng ta làm đặc khu ở cửa ngõ biển Đông thì đó là đặc thù chứ còn gì nữa.
Chúng ta không thể không nói tới biển Đông, không thể không nói tới lịch sử, bảo vệ lãnh thổ dân tộc. Người dân lo là có cơ sở. Tôi là người làm sử, tôi cũng lo lắng.Tôi nhớ tới cụ Trần Nhân Tông, tại sao cụ chọn Yên Tử để tu? Để cụ cảnh báo nhìn ra biển Đông. Những trận đánh quan trọng nhất đánh giặc Nguyên Mông là ở Vân Đồn, đấy là bài học lịch sử, phải nhìn vào để học.
Tôi thấy lạ là có đại biểu bảo để thử nghiệm. Sao thử nghiệm chuyện này được? Có cái có thể thử nghiệm được nhưng những cái liên quan tới chủ quyền dân tộc thì chúng ta phải cẩn trọng.
Sự cẩn trọng, là như thế nào, thưa ông?
Cá nhân tôi cho rằng nếu làm đặc khu, ta nên làm từng cái một. Đã muộn rồi thì làm cho chắc. Phải nhìn cái địa chính trị rất quan trọng trong thời đại bây giờ. Phát triển phải gắn liền với ổn định chủ quyền.
Ông Bộ trưởng Bộ TN&MT nói rằng ai phát hiện ra được người nước ngoài nào mua đất báo cho ông. Đúng là không có người nước ngoài nào mua đất được. Nhưng đã có những người VN sẵn sàng vì những lợi ích nhỏ mà mua đất cho họ. Tôi vào Đà Nẵng, tôi thấy có hiện tượng đó.
Đó là chưa kể chúng ta cho thuê đất với thời gian, ưu đãi rất lớn, chúng ta có được can thiệp chủ quyền không? Tôi thấy không ít những khu công nghiệp giao đất cho người nước ngoài thì ta khó bước vào không gian của họ. Họ có luật lệ của họ và mình phải tôn trọng, về mặt pháp lý và về mặt chủ quyền.
Bài học Formosa chẳng hạn. Chúng ta xử lý được về sinh thái môi trường rồi, xử lý cán bộ rồi nhưng cái 70 năm có ai xử lý được đâu? Vẫn phải chấp nhận sự đã rồi.
Quan trọng là cơ chế tốt
Có phải ông đang nói tới việc thời hạn cho thuê đất 99 năm không?
Nói thật khi đọc về thời hạn 99 năm tôi rất là trăn trở. Đất nước mình đúng là khó khăn thật nhưng theo tôi không đến mức độ cần phải đưa ra cái 99 năm để “nhử” thiên hạ. Ta có rất nhiều lợi thế mà theo tôi có thể phát huy, như casino…
Vậy theo ông, con số bao nhiêu năm là phù hợp?
Con số 99 năm theo tôi không hẳn về định lượng. Về định lượng thời gian nó không khác bao nhiêu giữa 99 năm hay 70 năm. Cái lo lắng nhất chúng ta phải lo là khi giao phó đất đai như thế sẽ dẫn tới tổn hại về mặt lợi ích quốc gia lâu dài. Cứ nói rằng chúng ta có rất nhiều những rào cản pháp lý để có được 99 năm không dễ. Thế nhưng đưa ra 99 năm mà chẳng ai xin được thì đưa ra cái “bánh vẽ” để làm gì?
Quan trọng là người ta đang cần một cơ chế tốt, thông thoáng, tin cậy. Tôi lấy ví dụ, mảnh đất Phú Quốc, Vân Đồn những nhà đầu tư mới đến liệu họ có phải mặc cả với mấy ông đầu tư bất động sản đã sở hữu đất đai ở đó hay không?, nếu có đấy sẽ là rào cản lớn nhất chứ không phải là vấn đề 70 hay 99 năm.
Đôi khi người ta nói tin cậy ngay cả tín chấp. Làm sao khi nói đến VN thì là người ta nghĩ tới một mảnh đất rất thuận lợi trong kinh doanh chứ không phải nói đến VN để được “ăn đời ở kiếp” 99 năm. Với công nghệ cao, doanh nghiệp cần gì sử dụng đất lâu dài. Họ phải thay đổi, chuyển biến liên tục chứ. Nên đưa 99 năm ra làm yếu tố thu hút đầu tư theo tôi là không ổn.
Đặc biệt, như tôi đã nói, vấn đề chủ quyền mới là quan trọng nhất. Và đây cũng là vấn đề mà dư luận quan tâm.
Mới đây trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói, Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, chia rẽ quan hệ ta với Trung Quốc. Ông nghĩ sao về phát biểu này?
Cần gì phải có chữ Trung Quốc, ta mời tất cả mọi người cơ mà. Luật nào lại có chữ Trung Quốc. Nhưng nỗi lo là hiện hữu, và chúng ta cần phải cảnh giác. Bạn biết đấy, có rất nhiều sự việc liên quan tới “anh láng giềng” này mà chúng ta cảnh giác là không thừa.
Bài học nước ngoài về đặc khu có thành công, có thất bại, nhưng áp dụng mới là quan trọng. Ví dụ không thể lấy Thẩm Quyến ra để áp dụng cho VN. Vì mỗi nước có cách làm khác nhau, đặc thù khác nhau. Cái chung là tạo nên những ưu thế, ưu trội, cơ hội đầu tư. Nhưng cái riêng là phải đảm bảo thành quả bền vững cho ta. Có thể mất cái này nhưng lại được cái khác. Tôi cho rằng cần phải có đặc khu nhưng phải làm thật kỹ, chậm nhưng chắc, không dại gì làm ồ ạt. Đặc biệt, về mặt địa chính trị phải lưu tâm, cẩn trọng.
Đại biểu của dân thì phải nghe dân
Ông có nhận xét gì về cách phản ứng của người dân?
Dư luận thì đương nhiên có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhưng nếu để dư luận nhìn theo cách cảm tính thì chứng tỏ truyền thông chưa được tốt. Dù người dân có thể ủy quyền cho các đại biểu QH, nhưng cũng cần phải cho người dân biết, thậm chí có thể dân bàn, dân kiểm tra ngay cả trong quá trình lập pháp chứ không chỉ trong đời sống.
Tôi nghĩ không có gì cầu toàn, phải có điều chỉnh dần nhưng phải biết lắng nghe, cái gì người dân chưa thông thì làm cho thông, cái gì người dân có lý thì thuận theo người dân. Nếu dân chưa hiểu hết vấn đề thì thuyết phục chứ không nên áp đặt
Những ý kiến đó có ảnh hưởng tới quyết định của các đại biểu, cụ thể là ông hay không?
Đương nhiên, chúng tôi là đại biểu của dân chúng tôi phải nghe dân chứ. Nhưng phải có sàng lọc. Vì người dân ở nhiều vị thế, hoàn cảnh khác nhau, kể cả có những người có động cơ khác nhau thì mình phải có năng lực để biết nên tiếp nhận cái gì.Thậm chí phải có trách nhiệm tuyên truyền với người dân, thuyết phục, chia sẻ với người dân, tôi nghĩ là chuyện tất nhiên, nhất là trong xã hội dân chủ.
Dự kiến, dự thảo luật sẽ được các đại biểu bấm nút thông qua, ông có nhận xét gì về hình thức bấm nút này?
Bấm nút là ứng dụng công nghệ, nhanh, lưu trữ được… nhưng lại ẩn danh. Khóa đầu tiên tôi dự mỗi người cầm biển có mã số của mình, trông nó thô sơ nhưng rất “đàng hoàng”. Quan trọng nhất là để người dân giám sát được đại biểu QH của mình, người đó có nói đúng lòng mình hay không, để lần sau tôi có bầu anh không.
Nhiều nước tiên tiến giờ họ vẫn giữ tập quán cũ. Ví dụ ở Anh, nếu anh đồng ý thì ra cửa bên này, không đồng ý ra cửa bên này. Ra khỏi cửa ký vào biên bản, quyển sổ đặt ngay trên hành lang để bất kỳ người nào sau này đến giở sổ ra thấy ngày ấy, giờ ấy, thông qua cái đạo luật ấy ai đã đồng tình, ai phản đối, rất minh bạch.
Trân trọng cảm ơn ông!
Sáng 7/6, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ rút thời gian cho thuê đất 99 năm trong dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Thủ tướng cho biết: Chúng ta rất lắng nghe ý kiến của nhân dân, đại biểu Quốc hội, giới trí thức và các lão thành cách mạng, cả giới Việt kiều trong việc xây dựng Luật Đặc khu kinh tế. Khi đưa ra dự án luật như vậy và nhận được rất nhiều ý kiến của nhân dân, Thủ tướng hoan nghênh tinh thần, khí thế hết sức sôi nổi ấy và nhấn mạnh: “Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước”.
Sáng 9/6 Văn phòng Quốc hội đã phát thông cáo báo chí lùi thông qua luật đặc khu. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội cho phép xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14 theo quy trình xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp.
Mai Loan (thực hiện)