Khó đảm bảo năng lực điều trị trong bệnh viện
Hiện ý kiến về cách lý F0 triệu chứng nhẹ tại nhà vẫn có những quan điểm khác nhau. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết, đến nay, Việt Nam kiên trì phương châm "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị hiệu quả". Tất cả ca nhiễm Covid-19 (F0) bắt buộc cách ly, điều trị tại cơ sở y tế. Chiến lược này đã giúp Việt Nam đẩy lùi 3 đợt dịch trong gần hai năm qua.
Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư có những điểm khác biệt so với trước đây. Các biến thể virus ngày càng có xu hướng lây lan nhanh hơn, khiến số ca nhiễm tăng cao trong thời gian ngắn. Tâm dịch cả nước là TPHCM, từ cuối tháng 4 đến nay đã ghi nhận 6.034 ca nhiễm, cao nhất cả nước. Ngày đỉnh điểm, thành phố ghi nhận hơn 700 ca. Dự báo càng về sau, các đợt dịch càng lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm tăng cao, sẽ gây khó khăn và quá tải cho các bệnh viện. Nếu số bệnh nhân tăng lên hàng nghìn người rất khó đảm bảo năng lực điều trị trong bệnh viện.
Bởi việc điều trị một bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện đòi hỏi phải có giường bệnh đạt tiêu chuẩn về khoảng cách, cách ly. Ngoài các nhân viên y tế, điều dưỡng chăm sóc về chuyên môn, bệnh viện cần đảm bảo nhu cầu sinh hoạt như ăn uống cho F0. Nguồn lực về con người và kinh tế cho việc này rất lớn. Trong khi đó, theo thống kê 84% người bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, không cần chăm sóc y tế...
Vì vậy, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung đề xuất, cần phân loại F0 thành các nhóm. F0 triệu chứng nặng hoặc người già, có bệnh nền mới cần điều trị tại cơ sở y tế. Nhóm triệu chứng nhẹ như chỉ sốt, ho, đau họng, mất khứu giác nhưng vẫn ăn uống bình thường, chụp X-quang phổi không bị tổn thương... thì cách ly tại nhà để giảm tải cho bệnh viện khi số ca nhiễm tăng cao...
Khu vực cách ly y tế tại TPHCM. |
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên được cách ly tại nhà như F1 nhưng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn...
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế cộng đồng Việt Nam việc cách ly F1 tại nhà vẫn đang thực hiện thí điểm. Hiện các địa phương còn chưa thực hiện cách ly F1 tại nhà nói gì đến chuyện cách ly F0 tại thời điểm này.
ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới T.Ư cho biết, bất kỳ phương án nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm riêng. Bởi vậy cách ly F0 tại nhà cũng có những ưu nhược điểm nhất định. Phải tùy tình hình, tùy thời điểm để áp dụng.
Phải đủ điều kiện và thời điểm
Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, một bác sĩ - chuyên gia hồi sức tích cực nhấn mạnh, việc cách ly và theo dõi F0 tại nhà hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng và điều kiện bệnh nhân. Chẳng hạn, khi dịch bùng ra ở các nước châu Âu, Mỹ thì không chỉ F0 không triệu chứng mà kể cả F0 có triệu chứng nhẹ cũng không có chỗ để vào bệnh viện, nên họ có thể điều trị tại nhà.
Khu vực dành cho người cách ly. |
Ở nhà họ có phòng sinh hoạt riêng biệt, điều kiện thông khí tốt, liên lạc trao đổi với bác sĩ gia đình thường xuyên, nếu có diễn biến nặng hơn thì nhập viện. Điều này phải đảm bảo được 2 mục tiêu: Vẫn được điều trị nhưng không cần nhập viện và không lây cho người xung quanh. Trong khi ở Việt Nam, phòng ở chật hẹp, người trong gia đình ít có không gian riêng, vệ sinh riêng nên phải cân nhắc. Có bao nhiêu gia đình đủ điều kiện để cách ly, hệ thống y tế cơ sở đã đảm đương được theo dõi và phát hiện sớm những diễn biến nặng lên để đưa vào bệnh viện kịp thời không? Và đặc biệt người bệnh có hợp tác không? đã có cách gì theo dõi người bệnh từ xa và đảm bảo họ tuân thủ những nguyên tắc điều trị?
Xét nghiệm Covid-19. |
Cũng theo vị bác sĩ này, hiện nay chúng ta đã quá tải nên thực hiện cách ly F1 tại nhà. Khi F0 quá tải không còn chỗ thì cũng đành phải cách ly tại nhà. Ở đây không phải vấn đề nên hay không nên mà là ai thực hiện? Đã cần chưa? Và ở đâu? Nếu số lượng người mắc tăng nhanh, ngành y tế quá tải như ở Mỹ hoặc Ấn Độ thì khi đó kể cả bệnh nhân gần chết cũng không có chỗ mà vào bệnh viện. Vì vậy, ở đây chúng ta không nên tranh cãi về vấn đề đó mà là khi nào áp dụng cụ thể tại thời điểm nào và ở đâu?
Tại Singapore, việc kiểm soát người bệnh tại nhà rất chặt chẽ, có thiết bị theo dõi người bệnh, đã có trường hợp bước ra khỏi nhà trước 15 phút kết thúc thời gian cách ly đã bị phạt rất nặng, liệu Việt Nam có làm được điều đó? Trong khi chúng ta đưa vào cách ly tập trung tại ký túc xá các trường học, doanh trại quân đội... quản lý vẫn còn sơ hở, bỏ trốn...
Hiện nay, chiến lược phòng chống Covid-19 vẫn là thực hiện 5K và văcxin. Nếu làm tốt hơn thì ứng dụng công nghệ theo dõi từ xa. Còn việc cách ly sẽ tùy từng địa phương sẽ quyết định nên như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế. Hạn chế số người mắc thấp nhất mới quyết định thành công.