Cứu sống người bệnh 2 lần ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ tim, đe dọa tính mạng nhanh chóng cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời.

Choáng ngất và hôn mê nhanh chóng

Người bệnh 50 tuổi đến từ Thanh Thủy, Phú Thọ được Trung tâm y tế tuyến huyện chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng nguy kịch: hôn mê sâu, glasgow 7 điểm, huyết động phụ thuộc thuốc vận mạch liều cao.

Được biết, người bệnh có dấu hiệu choáng, ngất được đưa vào Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy. Tại đây, khi các bác sĩ đang thực hiện các biện pháp thăm khám cấp cứu người bệnh xuất hiện ngừng tim và đã được cấp cứu kịp thời, sau 20 phút có tim đập trở lại (thông tin từ Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy).

Sau khi áp dụng các biện pháp hồi sức và ổn định được người bệnh, Trung tâm đã liên hệ và chuyển người bệnh lên điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ bằng xe cứu thương và có kíp hồi sức hỗ trợ khi vận chuyển.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được tiếp nhận vào khoa Hồi sức tích cực – Chống độc trong tình trạng sốc nặng, glasgow 7 điểm, thở theo máy, huyết động phụ thuộc vào 2 thuốc vận mạch liều cao.

Hình ảnh người bệnh ngừng tim đang được cấp cứu (hình ảnh trích xuất camera) - Ảnh BVCC

Hình ảnh người bệnh ngừng tim đang được cấp cứu (hình ảnh trích xuất camera) - Ảnh BVCC

Ngay trong 20 phút đầu tiên khi đang được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, và các bác sĩ đang hội chẩn với chuyên khoa tim mạch thì người bệnh tiếp tục xảy ra ngừng tim lần 2. Ngay lập tức, các bác sĩ của khoa đã thực hiện các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn: ép tim, sốc điện,…, sau 10 phút, tim đập trở lại.

Lúc này, tình trạng người bệnh vẫn rất nặng, các bác sĩ hồi sức và Can thiệp tim mạch, cấp cứu tim mạch nghi ngờ người bệnh ngừng tim do nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh đã được chụp mạch vành xác định có nhồi máu cơ tim tại vị trí LAD II và được đặt 1 stent.

Sau đặt stent mạch vành, người bệnh tiếp tục được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực như: thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim và vận mạch liều cao hỗ trợ huyết động và đặc biệt là áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu, theo dõi huyết động bằng Pico…

Sau thời gian hồi sức và điều trị tích cực 9 ngày, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch, tỉnh táo hoàn toàn, nhịp tim và huyết áp ổn định. Người bệnh tiếp tục được điều trị và theo dõi duy trì bởi 2 chuyên khoa Hồi sức và Tim mạch.

Người bệnh được áp dụng hạ thân nhiệt chỉ huy và lọc máu - Ảnh BVCC

Người bệnh được áp dụng hạ thân nhiệt chỉ huy và lọc máu - Ảnh BVCC

Dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim cấp

Các chuyên gia cho biết, nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của sự tắc nghẽn của hệ thống mạch vành. Tắc nghẽn có thể do sự hình thành mảng xơ vữa tại chỗ với thành phần chủ yếu là chất béo, cholesterol và sản phẩm thải của tế bào hoặc do huyết khối từ nơi khác đến làm giảm đột ngột dòng máu đến tim.

Nhồi máu cơ tim cấp trong thời đại này được coi là một gánh nặng và có nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân không chỉ ở người già mà cả người trẻ. Khi bị bệnh cần tái lưu thông mạch vành sớm để tránh biến cố nguy hiểm tới tính mạng.

Bệnh lý này thường gặp trên các đối tượng trung niên, nam giới, có thói quen hút thuốc lá, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, theo các quan sát gần đây, tuổi trung bình của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim đang dần trẻ hóa. Đã có không ít các trường hợp mắc bệnh được điều trị, can thiệp trong độ tuổi từ 40.

Nhồi máu cơ tim cấp là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm ngoài các triệu chứng điển hình như:

- Đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức;

- Khó thở;

- Tim đập nhanh;

- Đổ mồ hôi lạnh; Xây xẩm, chóng mặt.

Một số bệnh nhân có triệu chứng như buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày có thể đau lan lên cổ và cánh tay nên người dân rất dễ nhầm lẫn với cơn đau dạ dày...

Đặc biệt, theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cơn đau nhồi máu cơ tim có thể không tập trung ở ngực. Người bệnh có thể cảm thấy như có áp lực trong ngực và đau ở các bộ phận khác của cơ thể. Đau lưng trên là một triệu chứng mà phụ nữ thường mặc phải hơn nam giới khi bị nhồi máu cơ tim.

Hoa mắt và chóng mặt có thể xảy ra khi bị nhồi máu cơ tim và thường là các triệu chứng phổ biến ở phụ nữ. Một số người cho biết họ cảm thấy như có thể bị ngất xỉu nếu cố gắng đứng dậy hoặc làm quá sức. Đây chắc chắn không phải là một cảm giác bình thường, vì vậy bạn không nên bỏ qua nó.

Mệt mỏi có thể là một biểu hiện nhồi máu cơ tim ít được nhận biết. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, một số phụ nữ nghĩ rằng các triệu chứng đau tim của họ giống như các triệu chứng cúm....

Nhồi máu cơ tim có thể gây kiệt sức do tim phải cố gắng bơm căng hơn trong khi một vùng máu bị tắc nghẽn. Nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức mà không rõ lý do, đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn gặp các vấn đề về tim mạch.

Mệt mỏi và khó thở phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới và có thể bắt đầu vài tháng trước khi bị nhồi máu cơ tim. Do đó, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt khi có dấu hiệu mệt mỏi kéo dài.

Chính vì vậy khi có các cơn đau thường kéo dài hơn 30 phút, khi nghỉ ngơi cơn đau cũng không giảm. Ngoài ra người bệnh còn có các triệu chứng khác như khó thở, thở dốc, vã mồ hôi, hồi hộp, bị đánh trống ngực, nôn, buồn nôn, thậm chí là lú lẫn, hay quên... người dân nên đến bệnh viện có chuyên khoa Tim mạch để được kịp thời điều trị, tránh biến cố nguy hiểm tới tính mạng.

Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp

Biến chứng nhồi máu cơ tim cấp thường do cơ tim bị tổn thương. Các biến chứng bao gồm:

Nhịp tim bất thường hoặc rối loạn nhịp: Tổn thương do nhồi máu cơ tim có thể ảnh hưởng đến cách thức các tín hiệu điện di chuyển trong tim, gây ra những thay đổi về nhịp tim (rối loạn nhịp). Một số trường hợp rất nghiêm trọng và gây chết người, đột tử.

Sốc tim: Tình trạng hiếm gặp này xảy ra khi tim đột ngột không thể bơm máu, xảy ra khi tổn thương khối lượng cơ tim lớn >40%.

Suy tim: Mô cơ tim bị tổn thương nhiều có thể khiến tim không thể bơm máu. Suy tim có thể tạm thời (suy tim cấp) hoặc lâu dài (mãn tính).

Viêm màng ngoài tim: Đôi khi nhồi máu cơ tim gây ra tình trạng phản ứng hệ thống miễn dịch bị lỗi. Tình trạng này được gọi là hội chứng Dressler (viêm tràn dịch màng ngoài tim sau nhồi máu cơ tim).

Ngưng tim: Tim bỗng nhiên ngừng đập mà không có bất cứ một tín hiệu nào báo trước. Sự thay đổi tín hiệu đột ngột của tim gây ngừng tim. Cơn nhồi máu cơ tim cấp làm tăng nguy cơ và đe dọa tính mạng người bệnh, có thể dẫn đến tử vong (đột tử do tim) nếu không được điều trị ngay lập tức.

Xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý, thường xuyên khám kiểm tra, xét nghiệm định kỳ cũng như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia... là những điều cần thiết để có một sức khỏe tốt.

Theo Đời sống
Bão Yinxing đã đi vào Biển Đông

Bão Yinxing đã đi vào Biển Đông

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng sớm nay (08/11), bão Yinxing đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 7 trong năm 2024.
back to top