Cứu bệnh nhân vỡ lách độ V, sốc mất máu nặng và đa chấn thương

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông đa chân thương nguy kịch đã được phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp đưa người bệnh từ cõi chết trở về.

Mới đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang tiếp nhận trường hợp Bệnh nhân H.V.D, (26 tuổi, trú tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) trong tình trạng nguy kịch sau khi bị tai nạn giao thông.

ThS.BS Lê Tiến Thành, Khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang (BS trực cấp cứu khối Ngoại, trưởng kíp phẫu thuật cho bệnh nhân D) cho biết: Bệnh nhân D vào viện trong tình trạng da niêm mạc nhợt nhạt, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt, kèm đau nhiều vùng ngực, bụng, ổ bụng căng cứng có nhiều dịch.

Bệnh nhân đã ổn định nhờ được phẫu thuật kịp thời
Bệnh nhân đã ổn định nhờ được phẫu thuật kịp thời

Bệnh nhân nhanh chóng được làm các xét nghiệm cận lâm sàng cấp cứu và được chẩn đoán sock đa chấn thương, vỡ lách độ V. Xác định được tình trạng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, kíp trực ngay lập tức xử trí cấp cứu theo hướng chấn thương bụng kín, sốc mất máu.

Kíp trực đã mời Lãnh đạo Bệnh viện, khoa Phẫu thuật – GMHS hội chẩn nhanh chóng và tiến hành phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp cho bệnh nhân ngay.

Trong quá trình mổ, ổ bụng bệnh nhân D có nhiều dịch máu lẫn máu cục tập trung ở hố lách, rãnh đại tràng trái. Kiểm tra lách bị vỡ độ V. đang chảy máu. Kíp mổ nhanh chóng hút ra khoảng 2.500ml máu, thực hiện khống chế cuống lách, kẹp bó mạch lách, cắt lách cầm máu thành công, kiểm tra kỹ các tạng, vệ sinh ổ bụng, đặt dẫn lưu hố lách, truyền 3 đơn vị máu trong mổ và truyền dịch bồi phụ tuần hoàn đã mất.

Hiện tại, sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân đã ổn định, bụng mềm, vết thương khô và đang được điều trị, chăm sóc tích cực tại Khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện.

Bác sĩ khuyến cáo: Khi bị tai nạn giao thông, người bệnh cần đến các cơ sở y tế (như Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang) để được bác sỹ thăm khám và điều trị sớm. Việc chẩn đoán được đúng bệnh giúp cho công tác cấp cứu, điều trị ban đầu có hiệu quả, tránh làm nặng thêm bệnh, giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.

Theo Đời sống
back to top